Khi mới bước chân và nghiệp diễn, Thành Long ít được các ông trùm điện ảnh để tâm vì anh không có được gương mặt điển trai ăn hình như các nam diễn viên đương thời.
Từng làm đủ nghề từ diễn viên đóng thế, võ sư rồi chỉ đạo võ thuật nhưng may mắn vẫn không mỉm cười với anh. Thời đó, tất cả "vốn liếng" trong tay Thành Long chỉ có khả năng võ thuật và quyết tâm trở thành diễn viên điện ảnh.
Bôn ba khắp nơi tìm kiếm cơ hội, Thành Long có cơ may gặp gỡ với đạo diễn La Duy, người đã từng hợp tác với Lý Tiểu Long và được ông đánh giá là một diễn viên có tiềm năng.
Đạo diễn La Duy rất coi trọng tài năng của Thành Long, còn nhận anh làm con nuôi.
Lúc này, điện ảnh Trung Quốc vẫn đang thịnh dòng phim võ hiệp, La Duy quyết định đưa Thành Long tới Đài Loan để gặp nhà văn võ hiệp nổi tiếng Cổ Long để xin Cổ Long viết cho anh một kịch bản, làm bệ phóng giúp Thành Long nổi tiếng.
Nhà văn Cổ Long- tác giả của các bộ kiếm hiệp nổi tiếng như Tiểu Lý Phi Đao, Tiêu Thập Nhất Lang,...
La Duy giúp Thành Long hẹn gặp tiểu thuyết gia trên bàn tiệc và dặn dò cậu diễn viên trẻ phải mời rượu, hàn huyên với Cổ Long nhằm lấy lòng ông. Nhưng khổ một nỗi tửu lượng của Thành Long cực kì kém. Anh từng tự nhận mình là người "chỉ nhấp một chén đã say".
Ép mình phải uống rượu vốn đã là một điều vô cùng khổ sở với Thành Long nhưng chính những điều Cổ Long nói ngày hôm đó mới làm anh hổ thẹn đến bật khóc.
Khi nhắc đến chuyện hợp tác làm phim, nhà văn Cổ Long nhìn vua võ thuật rồi chỉ buông một câu ráo hoảnh: "Kịch bản tôi viết là để cho những nam diễn viên tuấn tú như Địch Long, La Liệt đóng chứ đâu phải dành cho cậu".
Câu nói này như một cú tát trời giáng với chàng diễn viên mới ngoài 20 tuổi vốn đã tự ti về ngoại hình của mình. Thành Long tuy rất xấu hổ nhưng chỉ biết nín nhịn tới lúc vào nhà vệ sinh vừa nôn vừa òa khóc.
Khóc xong anh lau sạch nước mắt rồi lại làm ra vẻ như không có chuyện gì, tiếp tục quay lại uống rượu.
Sau này trong một cuộc phỏng vấn, Thành Long hồi tưởng lại ngày hôm đó: "Tôi cảm thấy bản thân mình rất đáng thương. Vì sao mà tôi lại phải đi cầu xin như vậy? Nếu không có kịch bản thì thôi, cớ gì phài hạ mình cầu xin ông ta".
Những năm 1970, Địch Long và Thành Long là hai nam diễn viên trẻ cùng lấy nghệ danh mang chữ Long. Nhờ có gương mặt anh tuấn nên Địch Long dễ dàng được các nhà văn như Cổ Long ưu ái, sớm trở thành ngôi sao võ hiệp với hình tượng đại hiệp kinh điển, còn Thành Long phải chật vật nhiều năm để tìm đường hướng đi cho mình.
Thành Long và Địch Long thời trẻ.
Nhưng thật may mắn, cũng chính vì bị Cổ Long từ chối thẳng thừng nên Thành Long không đi theo con đường mà nhiều nam tài tử thời đó chọn là phim võ thuật cổ trang. Gương mặt kém điển trai với cái mũi to đặc trưng của Thành Long phù hợp hơn với những bộ phim có yếu tố hài hước.
Nhờ khai thác tưởng như điểm yếu nhưng lại là lợi thế, Thành Long phát triển cho mình một dòng phim riêng kết hợp hài và kỹ thuật võ.
Dòng phim võ thuật hài của anh là một "làn gió mới" với thể loại phim võ thuật Trung Quốc và được đón nhận nồng nhiệt trên toàn thế giới. Trong khi đó, phim võ hiệp cổ trang lại trở nên nhàm chán vì chỉ làm đi làm lại những câu chuyện cũ.
Đến ngày nay, Thành Long và Địch Long, hai "con rồng" của điện ảnh Hoa ngữ ai thành công hơn thì cũng không cần phải nói thêm nữa.
Dù phải chịu nhiều thiệt thòi về ngoại hình nhưng chính nhờ quyết tâm và thực lực bản thân mà Thành Long đã có được thành công như hôm nay, xứng danh "vua võ thuật" Trung Hoa.