Sự nghiệp của đàn ông và phụ nữ không giống nhau. Có thể phái mạnh sẽ đạt được đỉnh cao phong độ nghề nghiệp ngay cả khi anh ta chạm ngưỡng 40 tuổi, nhưng còn phái đẹp, sự nghiệp của họ sẽ bị gián đoạn bởi vài yếu tố khách quan như lấy chồng, sinh con, chăm sóc gia đình...
Đây chính là lý do vì sao nhà tuyển dụng cần phải đặc biệt lưu tâm với những ứng viên là nữ. Họ không muốn mất công tuyển nhân sự chất lượng, đào tạo và để rồi cô ấy nghỉ kỳ thai sản tận 6 tháng. Lúc đó sẽ rất khó tìm người thay thế.
Vì vậy trong các buổi phỏng vấn tuyển nhân sự nữ, chị em hay bắt gặp câu hỏi liên quan về chuyện chồng con, gia đình.
Đôi khi sẽ có người tỏ ra khó chịu vì câu hỏi hơi mang tính động chạm và khiến họ cảm thấy bị xúc phạm. Tuy nhiên công việc là công việc, bạn cần đảm bảo rằng bạn sẽ gắn bó với doanh nghiệp một khoảng thời gian nhất định trước khi sinh con để tránh gây tổn thất về tiền bạc, thời gian của người khác.
Hồng Lan năm nay 27 tuổi, chưa lập gia đình, dù bố mẹ giục cô lấy chồng rất nhiều nhưng vì Lan chưa gặp được đúng nửa kia nên vẫn một thân một mình. Ngoài ra, hiện tại Lan còn đang đi tìm việc mới để thay đổi bản thân mình và tìm kiếm cơ hội tốt hơn.
Lan nộp CV vào công ty X, cô tiến thẳng đến vòng phỏng vấn. Vị trí mà Lan apply là phó phòng kế toán - một chức vụ khá quan trọng trong công ty. Nhà tuyển dụng của công ty X sau khi hỏi qua những điều về thông tin cá nhân, kinh nghiệm, mục tiêu của Lan, anh ta hỏi tiếp một câu: "Bạn nghĩ gì về kết hôn và sinh con muộn?"
Lan biết rằng cô sẽ được hỏi câu này vì đây là một "cái bẫy" để nhà tuyển dụng nhìn ra một nhân sự nữ giàu tiềm năng cho công ty. Cô đã chuẩn bị sẵn câu trả lời ở nhà và nói rất rành mạch:
"Dạ thưa anh chị, em biết khi em nói chưa lập gia đình, anh chị sẽ lo lắng về chuyện em lấy chồng, sinh con và ảnh hưởng đến công việc. Nhưng với tư cách của một nhân viên trách nhiệm, em xin khẳng định, em sẽ làm theo mọi sắp xếp của công ty, dù trở ngại thế nào cũng vẫn vượt qua được ạ!"
Lan hào hứng vô cùng và nghĩ kiểu gì nhà tuyển dụng cũng nghĩ cô là người có trách nhiệm và phù hợp cho vị trí phó phòng kế toán. Nhưng bất ngờ, mọi người lắc đầu, đặc biệt anh HR còn cười nhếch mép "Đồ giả tạo!"
Chỉ 3 tiếng ấy thôi khiến cho người phụ nữ 27 tuổi này điếng người. Cô không biết mình đã sai ở đâu và ngay lập tức bị mời ra khỏi phòng để đến lượt ứng viên tiếp theo phỏng vấn. Vài ngày sau, quả không ngoài suy nghĩ của Lan, cô bị không được nhận vào công ty.
Câu chuyện trên là một bài học đắt giá cho các chị em phụ nữ khi đi xin việc. Gặp câu hỏi trên, chắc chắn bạn không thể tránh né mà cần trả lời tinh tế hơn. Câu trả lời của Lan vừa rồi nghe có vẻ rất tốt, nhưng thực tế nó lại sáo rỗng và sặc mùi nịnh bợ.
Lan đang cố ý tạo thiện cảm với nhà tuyển dụng một cách thiếu thực tế, thiếu quan sát. Những câu trả lời kiểu vậy trong mắt nhà tuyển dụng sẽ chỉ là sự bốc đồng, nhất thời mà thôi.
Làm mẹ, làm vợ là một điều thiêng liêng, ý nghĩa trong cuộc đời mỗi người phụ nữ. Bạn chẳng thể đẻ con ra rồi vứt con mình ở một chỗ để đến công ty đi làm. Bạn cũng chẳng thể cống hiến hết mình cho công việc để rồi đánh mất thanh xuân của đời người.
Vì vậy, chị em nên giữ vị thế chính đáng của mình trước mặt nhà tuyển dụng. Đừng cố tình lấy lòng họ và vội vàng hứa hẹn này nọ. Trong trường hợp này, bạn nên trả lời mềm mại và đầy đủ hơn, ví dụ:
"Dạ thưa anh chị, em tin mình có thể cân bằng tốt giữa công việc - cuộc sống. Có thể sẽ gặp một chút khó khăn ban đầu nhưng em tin tất cả chúng ta đều có thể tìm cách giải quyết thuận lợi hơn. Vả lại, em nghĩ thời điểm hiện tại em chưa có ý định kết hôn lập gia đình.
Em vẫn muốn cống hiến cho công việc vì tuổi trẻ em còn dài. Một người đàn ông để làm chồng em sẽ cần thời gian lâu tìm hiểu, yêu đương rồi mới cưới. Em nghĩ nhà tuyển dụng không nên lo lắng quá đâu ạ!"
Hãy suy nghĩ thật cẩn trọng trước khi trả lời những câu hỏi "bẫy" như thế này chị em nhé!