Nhà Trắng: Hiệp nghị thương mại Mỹ - Trung còn xa vời!

Thu Thủy |

Ngày 30.1 tới đây, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc sẽ dẫn đầu một phái đoàn Trung Quốc đông tới 30 người tới Washington để đàm phán về một hiệp nghị nhằm chấm dứt cuộc chiến thương mại với Mỹ.

Tuy nhiên, ngày 24.1, Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross đã bày tỏ: cuộc đàm phán mậu dịch Mỹ - Trung còn tồn tại rất nhiều vấn đề, "hai bên còn cách một hiệp nghị rất, rất xa". Còn Tổng thống Donald Trump thì cảnh báo: nếu Trung Quốc không nhượng bộ ông sẽ không đồng ý bất cứ hiệp nghị nào!

Hôm 24.1, ông Wilbur Ross khi trả lời phỏng vấn chương trình "Diễn đàn kinh tế" (Squawk Box) của Đài CNBC đã nói, giữa hai nước Mỹ - Trung "đang tồn tại rất, rất nhiều vấn đề", chính phủ Mỹ cần phải tạo ra cuộc cải cách có tính kết cấu và các điều khoản trừng phạt thì mới có thể khôi phục được quan hệ mậu dịch bình thường với Trung Quốc.

Ông Wilbur Ross nói: "Thành thật mà nói, đó không phải là điều quá kinh ngạc. Chúng ta tuy hy vọng đạt được một hiệp nghị, nhưng đó phải là một hiệp nghị có hiệu quả đối với cả hai bên". Ông bổ sung: "Chúng ta còn cách nhiều dặm nữa mới đạt được một hiệp nghị với các phương án giải quyết".

Hai bên Mỹ - Trung sẽ tiến hành vòng đàm phán mới trong 2 ngày 30 và 31.1. Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu tới Mỹ để đàm phán với Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer.

Hôm 23.1, ông Donald Trump đã nói ở Nhà Trắng: "Trung Quốc rất mong đạt được một hiệp nghị. Chúng ta đang chờ đợi họ. Tôi rất thích địa vị [thế] của chúng ta trong cuộc đàm phán hiện nay". Ông Trump còn tuyên bố: nếu không đạt được một hiệp nghị, ông sẽ "gia tăng mức độ lớn" thuế quan mang tính trừng phạt đối với hàng hóa Trung Quốc.

Nhà Trắng: Hiệp nghị thương mại Mỹ - Trung còn xa vời! - Ảnh 1.

ộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc trong 1 cuộc đàm phán mậu dịch hồi tháng 5.2018.

Theo thỏa thuận chung trong cuộc gặp gỡ Donald Trump - Tập Cận Bình hôm 1.12.2018 về cuộc "ngưng bắn 90 ngày", nếu tới trước ngày 1.3.2019 mà hai bên không đạt được một hiệp nghị thì từ ngày 2.3.2019 Mỹ sẽ nâng mức thuế đánh vào 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ 10% lên 25%.

Ông Wilbur Ross cho rằng, cuộc đàm phán Mỹ - Trung hiện nay đang phải xử lý 3 vấn đề. Vấn đề thứ nhất là giải quyết sự mất cân bằng trong mậu dịch song phương. Theo số liệu thống kê chính thức do Bắc Kinh công bố hồi đầu tháng này, năm 2018 kim ngạch nhập siêu của Mỹ đối với Trung Quốc đã lên tới 323,2 tỷ USD, đạt mức kỷ lục cao nhất kể từ năm 2006.

Vấn đề thứ hai cần giải quyết là các công ty Trung Quốc mưu đồ thông qua kế hoạch chiến lược "Made in China 2025" để chủ đạo công nghệ cao toàn cầu. "Chúng ta phải tránh để xảy ra tình trạng đó", ông Wilbur Ross bổ sung.

"Vấn đề thứ ba là mở rộng cửa thị trường Trung Quốc cho các công ty Mỹ, tạo điều kiện cạnh tranh công bằng và tránh xâm phạm bản quyền sở hữu trí tuệ của họ" - ông Wilbur Ross nhấn mạnh.

Ông Larry Kudlow, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Nhà Trắng hôm 24.1 khi trả lời phỏng vấn hãng FoxNews cũng nhấn mạnh, cuộc đàm phán cuối tháng này rất quan trọng, có tác dụng quyết định đối với việc hai bên Mỹ - Trung cuối cùng có đạt được một hiệp nghị hay không.

Trước đó, Hội kinh doanh Mỹ (United States Chamber of Commerce, USCC) và Hội kinh doanh Mỹ tại Trung Quốc (American Chamber of Commerce in China, AmChamChina) hôm 16.1 đã cùng nhau gửi lên Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ (USTR) bản báo cáo mang tên "Kiến nghị về những ưu tiên trong đàm phán Mỹ - Trung " (Priority Recommendations for U.S.-China Trade Negotiations), trong đó thẳng thắn nêu lên những kiến nghị ưu tiên xử lý trong cuộc đàm phán về mậu dịch với Trung Quốc sắp tới.

Nhà Trắng: Hiệp nghị thương mại Mỹ - Trung còn xa vời! - Ảnh 2.

Ông Donald Trump: nếu Trung Quốc không nhượng bộ, ông sẽ không đồng ý bất cứ bản hiệp nghị nào.


Hai tổ chức thương mại có ảnh hưởng khá lớn này trong báo cáo nói trên đã bày tỏ hoài nghi trước việc các quan chức Trung Quốc gần đây cố ý làm mờ nhạt tầm quan trọng của kế hoạch "Made in China 2025" và bày tỏ Bắc Kinh hiện nay vẫn đang thực thi kế hoạch chiến lược này với quy mô lớn nhằm thực hiện dã tâm trở thành người chủ đạo về công nghệ trên toàn cầu.

Ngoài ra, bản báo cáo cũng nêu rõ giới kinh doanh Mỹ rất lo ngại trước hành vi Trung Quốc xâm phạm bản quyền sở hữu trí tuệ, cưỡng ép chuyển nhượng kỹ thuật và can dự vào kinh tế, đa dọa sự vận hành của các công ty Mỹ ở Trung Quốc.

Đối với cuộc đàm phán mậu dịch Robert Lighthizer - Lưu Hạc sắp tới, bản báo cáo này đề xuất 3 mục tiêu ưu tiên: giải quyết vấn đề mang tính kết cấu của Trung Quốc; hủy bỏ mọi quy định và cách làm, hình thức liên quan đến việc cưỡng chế chuyển nhượng kỹ thuật; giải quyết yêu cầu bất hợp lý về quy định giám quản kinh tế số của Trung Quốc.

Ngoài ra, đối với việc làm thế nào để đạt được 3 mục tiêu lớn trên đây, bản báo cáo đề nghị tiến hành theo hai bước, trước tiên phải đảm bảo Trung Quốc thay đổi luật pháp và chính sách của mình; bước thứ hai là lập ra một cơ chế trọng tài độc lập.

Bên cạnh đó, tờ Wall Street Journal hôm 23.1 cho biết, ông Donald Trump cùng ngày tuyên bố, nếu Trung Quốc không nhượng bộ, ông sẽ không đồng ý bất cứ bản hiệp nghị nào.

Hãng Reuters khi phân tích ý kiến của ông Trump cũng viết, trừ phi Trung Quốc đồng ý thay đổi về thực chất cách làm của họ, nếu không Tổng thống Donald Trump sẽ không đồng ý bất cứ thỏa thuận mậu dịch nào.

Nhượng bộ được nói đến ở đây là Trung Quốc phải tiến hành cải cách có tính kết cấu, bao gồm làm thế nào xử lý vấn đề bản quyền sở hữu trí tuệ; nếu Trung Quốc chỉ cam kết mua thêm nhiều hàng hóa Mỹ thì không đủ để giải quyết được cuộc chiến mậu dịch giữa hai bên.

Một quan chức Mỹ giấu tên nói với Reuters: "Xét tình hình hiện nay, những vấn đề chúng tôi quan tâm chưa được giải quyết đầy đủ". Người này cho rằng, đoàn đại biểu đàm phán Mỹ do Robert Lighthizer - một người thuộc phái cứng rắn dẫn đầu quan tâm hàng đầu đến vấn đề có tính kết cấu và sự cân bằng mậu dịch.

Ông Larry Kudlow, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Nhà Trắng cũng nói với Reuters, các vấn đề Tổng thống Donald Trump quan tâm nhất là cưỡng chế chuyển nhượng công nghệ, lấy cắp bản quyền sở hữu trí tuệ và hạn chế đối với đầu tư nước ngoài; "Tổng thống nhiều lần nói các vấn đề đó rất quan trọng, ông ấy sẽ không nhượng bộ".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại