Đây là thông tin được cựu quyền Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Sally Yates đưa ra trong phiên điều trần kéo dài 3 giờ trước Ủy ban Tư pháp Thượng viện ngày 8/5.
Tại phiên điều trần, bà Yates đã xác nhận các báo cáo cho biết khoảng sáu ngày sau khi Tổng thống Trump nhậm chức, bà từng nói với các quan chức Nhà Trắng rằng cựu Giám đốc Cơ quan Tình báo quốc phòng Flynn không trung thực với Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence về các cuộc thảo luận với Đại sứ Nga tại Washington Sergey Kislyak.
Tuy nhiên, phải mất 18 ngày sau đó, Tổng thống Trump mới bãi nhiệm tướng về hưu Flynn - người từng cố vấn cho vị tỷ phú này các vấn đề an ninh trong suốt chiến dịch tranh cử hồi năm 2016.
Bà Yates cho rằng ông Flynn "đã có sự thỏa thiệp" với phía Nga, song không cho biết ông Flynn đã thảo luận những gì với Đại sứ Kislyak trong các cuộc điện thoại hồi tháng 12/2016, vốn bị tình báo Mỹ bí mật theo dõi.
Trong phát biểu đưa ra hồi tháng Một, Phó Tổng thống Pence cho biết ông Flynn đã bác bỏ thông tin rằng các cuộc điện thoại này liên quan đến các biện pháp trừng phạt của chính quyền Tổng thống Barack Obama nhằm đáp trả việc Nga can thiệp vào bầu cử.
Tổng thống Mỹ Donald Trump từng nhiều lần cho rằng thông tin Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 là "giả mạo."
Trong một loạt phát biểu trên trang mạng xã hội Twitter tối 8/5, ông đã thể hiện quan điểm này, cho rằng câu chuyện Nga can thiệp bầu cử Mỹ hoàn toàn là một "trò chơi khăm," đồng thời tuyên bố phát biểu của bà Yates không có gì mới.
Các bình luận trên được bà Yates đưa ra sau khi các cựu quan chức của chính quyền Tổng thống Obama tiết lộ rằng chính ông Obama đã cảnh báo Tổng thống Trump về việc không nên bổ nhiệm ông Flynn làm cố vấn an ninh quốc gia chỉ hai ngày sau cuộc bầu cử tổng thống hôm 8/11/2016.
Ông Flynn đã bị Tổng thống Obama bãi nhiệm chức Giám đốc Cơ quan Tình báo quân đội do quản lý nhân sự và hành chính yếu kém.
Cũng trong một cuộc điều trần khác ngày 8/5, Cựu Giám đốc Cơ quan Tình báo quốc gia James Clapper cho rằng việc Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ "đòi hỏi cần có sự thận trọng và hành động chống lại mối đe dọa đối với nền tảng hệ thống chính trị dân chủ của Mỹ."
Thời gian gần đây, nhiều quan chức chính quyền Tổng thống Trump thừa nhận có quan hệ với Nga. Đỉnh điểm là việc cựu Cố vấn An ninh quốc gia Flynn đột ngột từ chức sau khi thừa nhận đã tiếp xúc với Đại sứ Nga tại Mỹ khi còn đảm nhiệm cương vị cố vấn tranh cử của ông Trump và không thông báo đầy đủ về cuộc gặp này. Cũng theo truyền thông Mỹ, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Jeff Sessions từng bí mật liên lạc với Đại sứ Nga, song không khai báo trung thực trong cuộc điều trần ở Thượng viện.
Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) cho biết đang điều tra khả năng các trợ lý trong chiến dịch tranh cử của ông Trump phối hợp với Nga nhằm tác động đến kết quả bầu cử. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Mỹ đang tiến hành cuộc điều tra về việc liệu ông Flynn có nhận tiền từ các thực thể nước ngoài mà không được phép hay không. Tuy nhiên, Tổng thống Trump đã phản đối mạnh mẽ mọi cáo buộc liên quan./.