Sự khác biệt lớn giữa Hải Ninh với nhiều bạn trẻ startup nằm ở chỗ Hải Ninh không theo đuổi lợi nhuận khi bắt đầu kinh doanh mà muốn cùng đội ngũ phát triển sản phẩm mang lại giá trị và niềm vui cho khách hàng.
Với quan điểm "cứ làm, sai thì làm lại và có sai mới giúp mình học hỏi", Hải Ninh vẫn kiên trì cố gắng sau nhiều năm đầu liên tục thất bại, và thiếu hụt tài chính. Tuy nhiên, cuối cùng thành công đã mỉm cười với Hải Ninh khi Urban Station chạm doanh thu trên 132 tỷ đồng/năm.
Song, đây cũng là thời điểm Hải Ninh phải chia tay người bạn đồng sáng lập do cách nhượng quyền của Urban Station không như mục tiêu Ninh mong muốn, vì phải cân bằng quyền lợi với các nhà đầu tư. Và, Hải Ninh bước sang một ngã rẽ mới: The Coffee House.
Kinh doanh với quy mô lớn hơn, lại phải cạnh tranh khốc liệt trên thị trường cà phê, Hải Ninh chịu rất nhiều áp lực, nhưng ý chí đã giúp The Coffee House thành công khi được quỹ đầu tư Seedcom rót vốn và thực hiện tham vọng đạt con số 200 cửa hàng đến năm 2021.
Hiện, The Coffee House đã đạt 80 cửa hàng, phục vụ hơn 40.000 khách hàng mỗi ngày và tiến tới tiêu thụ khoảng 300 tấn cà phê trong năm 2018.
* Nhưng tại sao sau khi chia tay Urban Station lại tiếp tục kinh doanh cà phê mà không phải là sản phẩm khác khi ông từng nói chọn kinh doanh cà phê nhưng không thích... cà phê?
- Tôi mở quán kinh doanh cà phê bắt đầu từ sở thích phục vụ chứ không thích uống cà phê. Chỉ cần mỗi ngày nhìn thấy khách ra vào quán là tôi vui. Mục tiêu của tôi lúc đó là kinh doanh cái gì thì cũng phải mang lại giá trị cho con người. Vì vậy, khi đã nếm trải thất bại và tích góp được kha khá kinh nghiệm từ Urban Station, tôi muốn tiếp tục thực hiện những điều muốn làm nhưng chưa làm tròn.
Áp lực lớn nhất với tôi khi điều hành The Coffee House không phải là cạnh tranh với đối thủ mà là cạnh tranh với chính mình. Làm sao để thoát khỏi những gì đã làm ở Urban Station để đi đến mục tiêu và khi đã đạt rồi thì bước tiếp theo cho The Coffee House là gì.
Nhanh chóng, câu trả lời đã có lời đáp khi tôi gặp anh Đinh Anh Huân - người sáng lập Quỹ Đầu tư Seedcom.
Tôi đã được truyền cảm hứng với việc xây dựng chuỗi Thế giới di động của anh và càng hiểu rõ hơn ở Việt Nam, "đi cà phê" hay "cà phê nhé" không chỉ để uống cà phê mà còn là điểm hẹn để làm việc, chia sẻ tâm sự và kết nối với nhau, là nơi mở đầu cho những câu chuyện, bắt đầu những ý tưởng mới và gợi cảm hứng cho những ước mơ.
Cũng qua nghiên cứu, tôi nhận thấy phân khúc quán cà phê tầm trung với mức giá từ 40.000 đến 60.000 đồng vẫn còn bỏ ngỏ, trong khi các chuỗi cà phê thương hiệu nước ngoài giá khá cao nên khó trở thành điểm đến quen thuộc hằng ngày của người Việt Nam, nhất là giới trẻ. Vì vậy, công thức thành công của The Coffee House chính là sự hội tụ của các yêu tố: không gian trải nghiệm, dịch vụ tận tình, tiện ích và chi phí hợp lý.
* Nhưng đó vẫn chưa phải là để thực hiện ước mơ cuối cùng của ông?
- Từ khi ý tưởng kinh doanh cà phê đơn thuần đến khi xây dựng chuỗi cửa hàng The Coffee House thành hiện thực, tôi vẫn ấp ủ ước mơ về một "ngôi nhà cà phê", với hành trình từ nông trại đến ly cà phê, để chủ động về chất lượng nguyên liệu và cung cấp thực phẩm sạch cho người dùng. Và, thế là tôi âm thầm ươm những cây cà phê đầu tiên từ 3 năm trước khi đầu tư 33 hécta đất để trồng cà phê tại Cầu Đất, Đà Lạt.
Nếu chỉ nghe hành trình từ ươm trồng, kiểm soát thu hoạch, sơ chế và rang xay đến phục vụ tại quầy sẽ rất đơn giản, nhưng đằng sau một ly cà phê để thưởng thức là cả một chặng đường rất dài với nhiều nỗ lực, kiên trì của rất nhiều người.
Chỉ riêng thời gian để cây cà phê đơm hoa kết trái đã mất 3 năm và phải thêm hai năm nữa mới có được những hạt cà phê đạt chất lượng tốt nhất. Và chắc chắn sẽ còn nhiều năm nữa để The Coffee House tiếp tục thực hiện kỳ vọng đầu tư làm cà phê chất lượng cao.
* Nhiều doanh nghiệp cũng có ước mơ và tâm huyết như ông nhưng lại không thực hiện được kế hoạch...
- Một xã hội có nhiều người muốn làm việc tốt chắc chắn sẽ tạo sự cộng hưởng tích cực.
* Nếu tính lợi nhuận thì kinh doanh cà phê theo kiểu bán không cần không gian và dịch vụ cũng có lãi, vì sao ông lại phải hy sinh lợi nhuận cho hành trình từ nông trại đến ly cà phê?
- Nếu không quan tâm đến lợi nhuận thì không phải kinh doanh. Vốn sinh ra ở vùng quê nghèo, tôi thấm nỗi khổ của nông dân, nhất là người trồng cà phê quanh năm vất vả nhưng thu nhập lại bấp bênh chỉ vì thói quen cố hữu trong cách trồng trọt, thu hoạch, như bón phân không đúng, hái quả khi còn xanh nên chất lượng hạt cà phê không cao, dẫn đến giá thành bán ra thấp.
Cùng với mong muốn có những hạt cà phê ngon nhất, điều lớn hơn trong hành trình của tôi là muốn những người trồng cà phê có thu nhập ổn định, đúng với công sức họ bỏ ra, từ đó tin vào công việc đang làm và tâm huyết để phát triển cây cà phê bền vững.
Có thể tôi không thành công khi trồng cà phê vì còn lệ thuộc vào nhiều yếu tố như thời tiết, những điều bất trắc có thể xảy ra, nhưng ít ra tôi cũng làm được việc tử tế và truyền cảm hứng cho những người đi sau vững tin đầu tư vào trồng cà phê sạch.
Và, quan trọng hơn là càng dấn thân vào nghề, tôi càng có niềm tin. Chính niềm tin đã cho ý chí để không bao giờ phản bội lại con đường mình đã chọn, dù phải chịu thách thức năm mười năm nữa, tôi vẫn theo đuổi đến cùng ước mơ đưa được hạt cà phê Việt Nam chất lượng cao ra thế giới.
* Nhưng để làm được việc ấy, thách thức đầu tiên là phải thay đổi thói quen cho người nông dân, ông đã làm thế nào?
- Để thay đổi thói quen cố hữu của nông dân là không hề dễ. Chỉ có sự đam mê và quyết tâm mới giúp chúng tôi kiên trì đi hết con đường. Vì vậy, việc đầu tiên chúng tôi phải làm là đề xuất với nông hộ liên kết trồng cà phê theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt của The Coffee House và Cầu Đất Farm, đồng thời cam kết thu mua cà phê đạt chất lượng với mức giá cao hơn 10 - 20% so với thị trường để bà con yên tâm.
Bên cạnh đó, nhờ tâm huyết, kiến thức của những con người trong đội ngũ Cầu Đất Farm (nay là The Coffee House), có những người chỉ mới ngoài 20 tuổi nhưng vẫn bỏ thành phố lên cao nguyên sống và làm việc với nông dân, cùng với sự đón nhận lạc quan của thị trường đã dần dần thuyết phục hàng trăm hộ dân yên tâm cùng đồng hành với chúng tôi.
* Trên hành trình đó, niềm vui và nỗi buồn nào ông đã cảm nhận?
- Rất nhiều thử thách, khó khăn nhưng không có nỗi buồn. Ngược lại, niềm vui sau 3 năm chúng tôi gặt hái được là những hạt cà phê Arabica tốt, là phong trào trồng cà phê chất lượng cao tại Cầu Đất mà chúng tôi là những người có công góp phần và hàng trăm hộ dân đã có cuộc sống sung túc hơn.
Vui hơn nữa là giờ đây, anh em làm cà phê thường nói với nhau: Trước đây lên Cầu Đất tìm cà phê sạch, chất lượng cao khó bao nhiêu thì bây giờ tìm cà phê hái xanh để mua khó bấy nhiêu!
* Ông từng khẳng định không có thứ cà phê đặc sản, chỉ có con người làm nên cà phê đặc sản. Vậy The Coffee House làm gì để có được những con người này?
- Để có 33 hécta đất trồng cà phê không khó nhưng để có con người - những nghệ nhân rang xay và pha chế cà phê là vô cùng khó. Và, lợi thế của The Coffee House là có nhiều nhân viên trẻ nhiều ước mơ và nhiệt huyết như Nguyễn Văn Hòa phụ trách mảng cung ứng cà phê, Trần Lê Minh Trúc - nghệ nhân rang cà phê...
Chính họ đã tạo ra sự khác biệt và tử tế cho cà phê The Coffee House nên tôi luôn xác định nhân viên mới là cốt lõi cho sự bền vững của doanh nghiệp và chẳng có giá trị nào đến được với khách hàng khi nhân viên không có niềm vui, sự đam mê và cảm nhận được hạnh phúc từ chính công việc mình làm.
Đó là lý do chúng tôi luôn trao quyền làm chủ và chia sẻ thành quả cùng nhân viên để truyền cảm hứng cho đội ngũ. Ở The Coffee House, lương trả cho nhân viên như nhau, nhưng các cửa hàng có mức thưởng khác nhau dựa trên doanh thu. Bên cạnh đó, chúng tôi luôn đặt niềm tin vào bạn trẻ, luôn cùng nhau chia sẻ mục tiêu góp sức tạo nên sự thay đổi tích cực cho cà phê Việt đi xa hơn nữa.
Liên quan đến vấn đề này còn là mô hình cà phê The Coffee House Signature. Nhiều người cho rằng đây là quán cà phê đặc sản nhưng thực ra không có một loại cà phê nào là cà phê đặc sản, mà theo tôi, chỉ có những con người, cùng với sự chăm chút của họ làm nên hương vị ly cà phê trở nên đặc biệt.
The Coffee House Signature ra đời chỉ với mục đích chứng minh cho mọi người, đặc biệt là cho bạn bè quốc tế thấy rằng, người Việt Nam có thể làm ra cà phê chất lượng rất cao. Đồng thời, chúng tôi cũng giới thiệu đến những người uống cà phê tại Việt Nam những loại hạt cà phê tốt nhất đến từ các thủ phủ cà phê nổi tiếng thế giới và không gian tại đây sẽ là nơi để thể hiện trọn vẹn nhất hành trình cà phê mà chúng tôi đang theo đuổi.
* Ông có thể chia sẻ với các bạn trẻ khởi nghiệp bài học kinh nghiệm mà mình đã trải qua?
- Muốn khởi nghiệp cần có ít nhất 3 yếu tố: đam mê, làm đúng thế mạnh của mình và quan trọng nhất là làm ra sản phẩm xã hội đang cần. Nếu đã thỏa mãn được ba yếu tố đó, tôi nghĩ nên bắt tay khởi nghiệp, bởi thị trường vẫn rất tiềm năng. Khi trình bày một dự án để thu hút các nhà đầu tư rót vốn, chỉ cần trình bày cụ thể cách làm như thế nào, quyết tâm ra sao.
* Có một thông tin là The Coffee House đã phải đập nhiều cửa hàng trị giá gần 2 tỷ đồng để tìm ra mô hình quán mà khách hàng thấy thoải mái nhất. Ông có thể cho biết sự thật về thông tin đó?
- Muốn đem lại giá trị và sự thoải mái cho khách hàng thì người làm kinh doanh phải tinh tế từng chi tiết nhỏ. Trong ngành bán lẻ, người ta có câu "Retail is all about Detail" (Bán lẻ chỉ xoay quanh tính chi tiết). Vậy nên khi xây cửa hàng, tôi phải tính toán từng chút một, như chiều cao của mặt bàn, khoảng cách từ cửa ra vào đến bàn cà phê để khi bước vào, khách ngồi ghế ngoài cùng không bị làm phiền.
Hay hệ thống đèn cũng phải tính toán kỹ, như đèn nên có ánh sáng màu gì và được treo cao bao nhiêu để tránh chói mắt. Để có sự hoàn hảo cho từng chi tiết, dĩ nhiên không tránh khỏi tốn kém do phải đập đi làm lại, thay đổi nhiều lần, nhưng đó chính là tạo sự khác biệt, là giá trị và sự trải nghiệm mà The Cofee House muốn đem lại cho khách hàng.
* Cảm ơn ông về những chia sẻ!