Cùng với giá bán cao, nguồn cung lớn, Đồng Nai cũng dẫn đầu với tỷ lệ tiêu thụ 48% toàn thị trường. TP HCM và Bà Rịa - Vũng Tàu có tỷ lệ hấp thụ kém, lần lượt đạt 4% và 2% tổng nguồn cung mới.
Báo cáo chỉ ra trong tháng 5, thị trường TP HCM và vùng phụ cận có 830 nhà phố/biệt thự mở bán, giảm 52% so với quý liền trước và giảm 66% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ tiêu thụ toàn thị trường đạt 63%.
Chi phí nguyên vật liệu tăng và việc siết tín dụng tiếp tục đẩy mặt bằng giá sơ cấp tăng lên từ 10% đến 20% so với giai đoạn mở bán trước đó (mỗi giai đoạn cách nhau 3 - 5 tháng), kèm theo đó là các chính sách bán hàng ưu đãi, chiết khấu, ân hạn nợ gốc… nhằm hỗ trợ dòng tiền cho khách hàng. DKRA dự báo nguồn cung trong những tháng tiếp theo sẽ tăng và Đồng Nai tiếp tục là khu vực chủ đạo dẫn đầu thị trường.
Thị trường TP HCM. Nguồn: DKRA Việt Nam. |
Riêng TP HCM, cả tháng có 59 căn được mở bán, giảm 79% cùng kỳ. Tỷ lệ tiêu thụ chỉ đạt 39%. Giá bán sơ cấp ghi nhận mức tăng từ 15% đến 20% so với giai đoạn mở bán trước đó (mỗi giai đoạn cách nhau 4 – 5 tháng). Tuy nhiên, nhiều chính sách ưu đãi, chiết khấu … tiếp tục được các chủ đầu tư áp dụng để hỗ trợ dòng tiền cho khách hàng.
Việc siết chặt dòng vốn vào hoạt động kinh doanh bất động sản khiến nguồn cung khan hiếm, giá bán tăng cao và làm hạn chế cơ hội tiếp cận nhà ở của khách hàng, đặc biệt là những người có nhu cầu ở thực. Quỹ đất tại TP HCM khan hiếm và giá bán ngày một tăng khiến một lượng lớn khách hàng chuyển sự quan tâm sang thị trường các tỉnh giáp ranh – nơi có nguồn cung đa dạng và mức giá bán còn thấp.