Ông Josep Borrell, đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) - Ảnh: REUTERS
"Rõ ràng là Trung Quốc đang củng cố một kỷ nguyên mới trong chính sách đối ngoại của mình, và đối nội cũng vậy. Trung Quốc trở nên quyết đoán hơn nhiều dựa trên con đường tự lực cánh sinh" - ông Josep Borrell, đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của EU, nói với báo giới bên lề cuộc họp với các đối tác G7 (nhóm 7 nền kinh tế phát triển lớn nhất thế giới) tại thành phố Muenster, Đức.
Theo ông Borrell, phương Tây "rõ ràng muốn giảm bớt sự phụ thuộc" vào Trung Quốc và muốn giải quyết các lỗ hổng để tăng cường khả năng phục hồi" của mình.
"Nhưng vào thời điểm hiện tại, nhiều quốc gia thành viên đang có mối quan hệ kinh tế mạnh mẽ với Trung Quốc. Và tôi không nghĩ rằng chúng ta có thể đặt Trung Quốc và Nga ngang hàng", ông Borrell khẳng định.
Theo Hãng tin Reuters, giám đốc chính sách đối ngoại của EU đưa ra tuyên bố trên giữa bối cảnh Thủ tướng Đức Olaf Scholz đang có chuyến công du một ngày đến thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc.
Ông Scholz đã hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, cũng như Thủ tướng Lý Khắc Cường của nước này.
Đối thoại với Thủ tướng Trung Quốc ngày 4-11, ông Scholz khẳng định cả Trung Quốc và Đức "chia tách", nhưng cả hai đều cần có đi có lại.
Thủ tướng Đức cho rằng cả hai nước cũng nên có cách tiếp cận giống nhau đối với các khoản đầu tư, cũng như ngăn cản việc quá phụ thuộc.
Trước đó cùng ngày, Thủ tướng Scholz nói với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rằng ông đang tìm cách "phát triển hơn nữa" hợp tác kinh tế giữa hai nước, dù thừa nhận cả hai có "quan điểm khác nhau" trong nhiều vấn đề.
Theo Hãng tin AFP, nhiều sự tập trung đang đổ dồn vào việc nền công nghiệp của Đức phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc. Đầu tàu kinh tế châu Âu này đang xoay xở giảm phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng từ Nga do chiến sự ở Ukraine.