Nhà khoa học Việt kiểm soát lục bình bằng… bọ

Nhật Phong |

Lục bình (Eichhornia crassipes) là loài thảo mộc, sống trong môi trường nước ngọt, thuộc họ Pontederiaceae.

TS Lê Khắc Hoàng và cộng sự Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Công nghệ Sinh học Nhiệt đới TPHCM đã nghiên cứu thành công loài bọ dùng để kiểm soát lục bình.

Dùng côn trùng ăn lục bình để bảo vệ môi trường

Lục bình (Eichhornia crassipes) là loài thảo mộc, sống trong môi trường nước ngọt, thuộc họ Pontederiaceae. Lục bình được cho là có nguồn gốc từ khu vực sông Amazon - Nam Mỹ và lan truyền qua nhiều nước, vùng lãnh thổ thuộc đới nhiệt đới hoặc bán nhiệt đới.

Lục bình thích nghi tốt với hầu hết các loại hình thủy vực khác nhau, chịu được những điều kiện khắc nghiệt như thiếu dinh dưỡng, độ pH thay đổi, nhiệt độ và ngay cả khi nước bị nhiễm độc.

Lục bình phát triển nhanh chóng ở những nơi ngập nước như các ao, hồ, cửa sông, đầm lầy, kênh, mương, sông, suối, các vùng nước tù đọng khác và phát triển mạnh trong nguồn nước giàu dưỡng chất như nước thải từ các thành phố, chất thải nông nghiệp.

Hiện nay, lục bình xâm hại các hệ thống kênh mương nội đồng cũng như hệ thống kênh thoát nước trong nội ô thành phố là vấn đề rất đáng quan ngại. Theo Sở Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn TPHCM, hiện lục bình phát triển dày đặc tại 25km sông, kênh rạch trên địa bàn thành phố, việc xâm lấn của lục bình sẽ làm giảm tốc độ dòng chảy.

Hơn nữa, lục bình cũng là một trong những nguyên nhân góp phần gây nên lụt cục bộ trong nội đô, đặc biệt vào mùa mưa. Theo tính toán của người dân, chạy ghe, xuồng trên đoạn sông bị lục bình bao phủ phải tốn nhiên liệu gấp 8 - 10 lần so với lòng sông thông thoáng.

TS Lê Khắc Hoàng cho biết, trong các biện pháp kiểm lục bình, biện pháp sinh học cho thấy có nhiều tiềm năng phát triển, ít tốn kém chi phí, thân thiện với môi trường và đảm bảo được tính bền vững.

Các biện pháp kiểm soát sinh học chính được sử dụng thành công là hai loài bọ Neochetina eichhorniae và Neochetina bruchi, một số côn trùng thuộc bộ cánh vảy, Niphograpta albiguttalis Warren và Xubida infusellus Walker và loài ve Oribatid, Orthogalumuna terebrantis Wallwork.

Trong đó, bọ N. bruchi và bọ N. eichhorniae đã được áp dụng để kiểm soát lục bình theo hướng sinh học và đạt được nhiều thành công. Hai loài bọ này chỉ ăn các loài thuộc họ lục bình, đã được phóng thích và có kết quả kiểm soát đáng chú ý ở các nước như Argentina, Australia, Ấn Độ, Sudan, Mỹ và Nam Phi, Thái Lan, Malaysia…

Nhóm các nhà khoa học đã hoàn thiện quy trình kiểm soát cây lục bình trên hệ thống kênh rạch tại TPHCM bằng 2 loài bọ N. eichhorniae và N. bruchi và đánh giá tác động đến chất lượng nước sau khi phóng thích hai loài bọ này.

Dùng bọ diệt lục bình

Các tác giả đã tiến hành các nội dung nghiên cứu hình thái, sinh học, sinh thái của N. bruchi trong điều kiện phòng thí nghiệm; tương tác ký sinh, ký chủ giữa lục bình, loài N. bruchi và loài N. eichhorniae; đánh giá khả năng ăn phá của N. bruchi; thử nghiệm phóng thích, đánh giá khả năng kiểm soát lục bình bởi loài N. bruchi ở quy mô nhỏ 2.000 m2; phóng thích N. bruchi ngoài thực tế; đánh giá tương tác N. eichhorniae và N. bruchi…

Kết quả cho thấy, bọ N. bruchi là côn trùng biến thái hoàn toàn, ở nhiệt độ 30ºC là thích hợp nhất cho loài bọ này sinh trưởng và sinh sản. Bọ N. bruchi chỉ ăn phá và hoàn thành vòng đời trên cây ký chủ lục bình. Bọ có dấu hiệu ăn phá ở cây rau mác (họ Pontederiaceae) và cây thài lài, cây lẻ bạn (bộ Commelinales) nhưng không hoàn thành vòng đời.

Phóng thích bọ N. bruchi và bọ N. eichhorniae trưởng thành mật số cao sẽ cho thời gian diệt lục bình ngắn lại. Phần lớn kể cả ở mật số 1 cặp/cây có thể diệt lục bình sau 4 tháng.

Hiệu quả phóng thích bọ ngoài thực tế ở quy mô 2.000m2 và 20.000m2 cho thấy, bọ N. bruchi có khả năng thiết lập quần thể tốt, trong thời gian 4 tháng thử nghiệm đã cho thấy khả năng phát triển quần thể và dần kiểm soát lục bình.

Loài N. bruchi cắn phá nhiều nhất ở những cây lục bình đang phát triển mạnh, bọ ưu tiên cắn phá ở những bộ phận non hơn như nách lá, cuống lá non, cây con. Loài N. eichhorniae có xu thế lựa chọn ăn phá ở các bộ phận già hơn.

Kết quả đánh giá chất lượng nước cho thấy, khi sử dụng bọ N. eichhorniae và N. bruchi để kiểm soát lục bình, ở tháng thứ 2, chất lượng nước bị ảnh hưởng do lục bình chết phân hủy, tuy nhiên không có sự khác biệt với đối chứng từ tháng thứ 3.

Sử dụng kết hợp bọ Neochetina spp. kết hợp với một số bào tử nấm giúp đẩy nhanh tốc độ kiểm soát lục bình. Lục bình bị kiểm soát đến 60% sau 4 tháng phóng thích Neochetina spp. kết hợp một số bào tử nấm tại Kênh Tham Lương – Bến Cát (quận Bình Tân – TPHCM).

Hai loài bọ N. eichhorniae và N. bruchi rất phù hợp để sử dụng làm thiên địch kiểm soát lục bình tại Việt Nam do có nhiều ưu thế hơn so với các nước khác đã sử dụng thành công (vòng đời ngắn, khả năng sinh sản sao hơn).

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại