Nhà khoa học 64 tuổi này muốn sống tới năm 150 tuổi, để thấy thế giới năm 2100 thay đổi ra sao

Thanh Long |

Ông ấy đã hack vào bộ gen của mình 5 năm trước và dường như đã trẻ ra được 6 tuổi.

Một đứa trẻ sinh ra vào năm 2022 có thể dễ dàng sống tới năm 2100 để thấy thế giới trong tương lai sẽ thay đổi ra sao. Nhưng với đa số chúng ta, mục tiêu này dường như đã năm ngoài tầm với.

Liên Hợp Quốc cho biết tuổi thọ trung bình của dân số thế giới hiện chỉ là 72,6 tuổi. Một số quốc gia có tuổi thọ trung bình cao nhất thế giới như Nhật Bản cũng chỉ mới đạt tới con số 85.

Nhưng Brian Hanley, một nhà vi sinh vật học người Mỹ đã 64 tuổi, tin rằng ông có thể sống gấp đôi tuổi thọ trung bình của dân số Hoa Kỳ bây giờ. Bằng những mũi tiêm plasmid vào bắp chân, Hanley cho biết mình có thể học tập một phương pháp truyền gen của vi khuẩn để hack vào cơ chế lão hóa của con người.

Nhà khoa học 64 tuổi này muốn sống tới năm 150 tuổi, để thấy thế giới năm 2100 thay đổi ra sao  - Ảnh 1.

Brian Hanley trông có vẻ trẻ hơn tuổi ngoài 60 của ông.

Hanley tuyên bố các mũi tiêm có thể giúp ông sống tới năm 2100, đạt tới ngưỡng tuổi siêu thọ 150-160 để thấy thế giới khi đó sẽ ra sao. Ước mơ của Hanley là được một lần nhìn thấy Sao Hỏa, khi con người đã xây dựng được một khu định cư trên hành tinh đỏ.

Một liệu pháp gen kéo dài tuổi thọ?

Mọi chuyện bắt đầu vào khoảng năm 2009, sau khi Henley lấy bằng tiến sĩ và khám phá ra tiềm năng của các plasmid. Về cơ bản, đó là những vòng DNA có thể được các kỹ sư sinh học thiết kế để mang theo một hoặc nhiều gen nhất định.

Khi được tiêm vào cơ thể, plasmid sẽ tìm đường đi tới nhân các tế bào, nơi nó bắt đầu dùng gen của mình để chỉ đạo các bào quan sản sinh ra một loại protein đích. Protein này có thể là bất cứ protein hữu ích nào, từ kháng nguyên để chủng ngừa bệnh truyền nhiễm, các enzyme để đảo ngược một căn bệnh hiếm gặp hoặc một loại protein có thể kích hoạt hệ thống miễn dịch tấn công tế bào ung thư.

Về cơ bản, plasmid hoạt động trước các mRNA một bước, nó sinh ra các mRNA mới trong cơ thể chứ không giống như các mũi vắc-xin của Pfizer hay Moderna đang tiêm trực tiếp mRNA vào cơ thể người.

Trong đại dịch COVID-19, các nhà khoa học cũng đã sử dụng plasmid để tạo ra ít nhất một loại vắc-xin: ZyCoV-D được phát triển bởi công ty dược phẩm Zydus Cadila, Ấn Độ. Nó được gọi là vắc-xin DNA, còn nếu sử dụng cho các mục đích khác, plasmid được tính là một liệu pháp gen.

Cả hai đều là mục đích mà Hanley nhắm tới khi thành lập Butterfly Sciences, một công ty công nghệ sinh học nhắm đến mục tiêu nghiên cứu vắc-xin nội bào và liệu pháp gen điều trị HIV/AIDS.

Nhưng song song với các mục tiêu đó, Hanley bị ám ảnh bởi một liệu pháp gen "ích kỷ" cho riêng bản thân mình: Ông muốn tạo ra và tiêm vào cơ thể mình các plasmid có thể kéo dài tuổi thọ.

Nhà khoa học 64 tuổi này muốn sống tới năm 150 tuổi, để thấy thế giới năm 2100 thay đổi ra sao  - Ảnh 3.

Henley đã dành 10 năm nghiên cứu và thử nghiệm liệu pháp gen plasmid trên chính cơ thể mình.

 Henley đã dành 6 năm để tự thiết kế ra những vòng plasmid này trên máy tính. Nó mã hóa một gen được gọi là GHRH hay gen điều hòa hooc-môn tăng trưởng. Hooc-môn tăng trưởng chính là thứ đã giúp bạn lớn lên và trưởng thành từ khi còn là một bào thai trong bụng mẹ. Nó điều hòa quá trình sinh cơ, tăng xương, trưởng thành sinh dục và mọi quá trình lớn lên khác.

Được sử dụng trên người trưởng thành, hooc-môn tăng trường còn còn có thể nâng cao hiệu suất cơ thể biến nó trở thành một dạng doping bị cấm sử dụng bởi nhiều hiệp hội thể thao.

Tuy nhiên với Hanley, ông lại thấy đó là một cơ hội. Trong một giả thuyết khoa học còn gây tranh cãi, một số nhà khoa học như Hanley tin rằng bằng cách kích thích gen GHRH trong cơ thể để có được nhiều hooc-môn tăng trưởng hơn ở tuổi già, gen này có thể giúp cơ thể họ được tái sinh một lần nữa.

Cơ bắp bị mất sẽ được lượng cơ bắp mới sinh ra bù đắp, chứng loãng xương cũng được đẩy lùi và các chức năng miễn dịch của cơ thể được khôi phục. Về cơ bản, các mũi tiêm plasmid GHRH là nơi Hanley đặt niềm tin sẽ giúp ông kéo dài 2 loại "span": Thứ nhất là "lifespan" hay tuổi đời. Thứ hai quan trọng không kém là "healthspan", hay những năm tháng sống khỏe miễn nhiễm với bệnh tật.

Năm 2015, Hanley đã chi 10.000 USD để đặt hàng các vòng plasmid mà ông đã thiết kế trên máy tính, mặc dù Hanley tuyên bố các mũi tiêm này đã ngốn của ông ít nhất nửa triệu đô R&D. Một công ty chuyên cung cấp vật liệu sinh học cho các phòng thí nghiệm đã giúp Hanley biến bản thiết kế ấy thành nửa miligram DNA cô đặc.

Vật liệu được Hanley đem về nhà trong một chiếc bình cách nhiệt. Ông chiết chúng ta một xi lanh tiêm, pha thêm nước muối và tự tiêm chúng vào bắp đùi mình. Nhưng chỉ có vậy thì các plasmid chưa được kích hoạt.

Hanley còn phải thực hiện một thủ thuật kinh hoàng sau đó. Ông lấy hai điện cực gá lên đùi mình, sau đó nối dây chúng qua một ắc-quy công suất cao. Các điện cực một âm một dương, tạo ra một mạch điện giống như khi bạn kích bình ắc-quy ô tô.

Nhà khoa học 64 tuổi này muốn sống tới năm 150 tuổi, để thấy thế giới năm 2100 thay đổi ra sao  - Ảnh 5.

Các bước tiêm plasmid, chích điện cực và sốc điện tế bào.

Được gọi là "electroporation" hay kích điện tế bào, thủ thuật này khá đau đớn bởi mỗi khi dòng điện chạy qua, nó sẽ khiến màng tế bào rách ra trong chốc lát. Đó là thứ mà Hanley nhắm tới, bởi chỉ khi tế bào há miệng, nó mới có thể đớp vào những vòng plasmid từ mũi tiêm và bắt đầu khiến chúng có tác dụng.

Trong nhật ký của mình Hanley mô tả kích điện giống như một quá trình tra tấn. Năm 2017, khi ông một lần nữa tiêm mũi plasmid thứ hai vào đùi mình, Hanley đã phải uống 6 miligam thuốc an thần Xanax và tiêm thuốc tê cục bộ ở đùi chỉ để chịu đựng quá trình đau đớn đó.

Liệu pháp cũng tiềm ẩn những rủi ro, chẳng hạn như plasmid sẽ kích hoạt cơ chế miễn dịch và có thể khiến ông ấy bị sốc. Nhẹ nhàng hơn thì các mũi tiêm có thể gây ra hoại tử ở phần mô cơ đùi và Hanley nói trong trường hợp đó ông sẵn sàng phẫu thuật để cắt lọc những phần mô bị ảnh hưởng.

"Tôi muốn nhìn thấy Sao Hỏa"

Cần phải nói rằng toàn bộ những thí nghiệm của Hanley trên cơ thể mình đều không được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cấp phép. Hanley coi đó là một thủ tục hành chính không cần thiết vì ông hoàn toàn ý thức được những gì mình làm với cơ thể mình và sẽ chịu trách nhiệm hoàn toàn với bản thân.

Ngoài việc tự mình theo dõi kết quả thí nghiệm, Hanley cũng thi thoảng đến Harvard, nơi ông gặp nhà di truyền học nổi tiếng George Church để thảo luận về những gì mà mình đạt được.

Tháng 12 năm 2021, bộ đôi vừa xuất bản một bài báo trên tạp chí Rejuvenation Research công bố các kết quả đạt được sau 5 năm theo dõi. Bài báo cho thấy liệu pháp tiêm plasmid GHRH với Hanley là an toàn và dường như có một số tác dụng trẻ hóa thực sự.

Nó đã giúp ông giảm được mỡ máu, giảm từ 8-13 nhịp tim/phút, tăng hooc-môn testosterone thứ lẽ ra phải suy giảm làm ảnh hưởng đến sinh lý nam giới khi về già. Thị giác của Hanley dường như cũng được cải thiện. Đánh giá tuổi biểu sinh qua mức độ methyl tích tụ trong DNA cho thấy Hanley đã trẻ ra khoảng 6 tuổi.

Nhà khoa học 64 tuổi này muốn sống tới năm 150 tuổi, để thấy thế giới năm 2100 thay đổi ra sao  - Ảnh 7.

Nghiên cứu của Brian Hanley có sự tham gia và cố vấn của nhà sinh học nổi tiếng George Church đến từ Đại học Harvard.

Mọi thứ dường như đang đi trên đúng tiến độ, khiến Hanley cảm thấy hài lòng với kết quả. Ông tin rằng với gen mà mình được thừa hưởng từ cha mẹ cộng với những vòng plasmid tiêm vào người, nó sẽ giúp ông sống tới năm 150-160 tuổi.

"Dòng họ của tôi có nhiều người sống rất thọ. Tôi có một bà cô bây giờ đã ngoài 90 tuổi và bố tôi cho đến trước khi mất vẫn tới phòng tập gym. Tôi không có lý do gì để nghĩ mình sẽ chết trước năm 80 tuổi. Tôi nghĩ mình sẽ còn sống lâu hơn thế rất nhiều. Giới hạn mà tôi đặt ra cho mình là khoảng 150-160 tuổi", Hanley nói trong một cuộc phỏng vấn đầu năm 2022 trên trang Atlantic.

Khi được hỏi liệu ông sẽ dùng những năm cuộc đời dôi ra của mình để làm gì, Hanley nói rằng ông không muốn nói đó là những năm dôi ra. Với sức khỏe mà ông tin rằng mình sẽ giữ được, Hanley nói mình sẽ vẫn làm việc, nghiên cứu khoa học và trở thành người có ích.

Ông không muốn sống lâu chỉ để trở thành một người ăn bám chính sách bảo hiểm và sẽ không nghỉ hưu sớm. Hanley đặt mục tiêu sẽ sống tới thế kỷ 22 để chứng kiến con người đạt được những bước tiến khoa học và công nghệ vượt bậc.

"Tôi muốn nhìn thấy Sao Hỏa — sẽ rất thú vị nếu khi đó con người đã đặt chân được lên Sao Hỏa và bắt đầu xây dựng một khu định cư. Ngoài ra, tôi thực sự tò mò muốn xem thế giới bây giờ và khi đó sẽ thay đổi ra sao.

Nếu bạn nhìn lại 100 năm trước, thời đại này của chúng ta đã thay đổi rất nhiều. Liệu tôi có trở thành người theo chủ nghĩa lạc hậu vào năm 2100 giống như ông nội của tôi nếu ông còn sống đến ngày nay không?", Hanley nói.

Tham khảo Technologyreview, Theatlantic, Liebertpub

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại