Thị trường bất động sản đã bắt đầu ấm dần trở lại sau động thái nới lỏng hoạt động. Tại một số khu vực vùng ven, nhiều nhà đầu tư tiết lộ, lượng giao dịch tăng đáng kể.
Nhà đầu tư P.T (Hà Nội) tiết lộ, ông bận rộn trong hơn 1 tháng nay. Trung bình, mỗi tháng, nhà đầu tư giao dịch cả chiều bán và mua lên tới 4 thương vụ. Đối với thương vụ bán ra, ông T. cho hay, ông chỉ nhận cọc từ 500 triệu đồng trở lên và từ chối mức cọc 50 triệu đồng từ phía khách hàng.
Nhà đầu tư này còn cho biết, nguyên tắc làm việc này mới được ông áp dụng còn trước đây, ông chỉ nhân 50 hay 100 triệu đồng. Và đây là mức cọc phổ biến chung trong các giao dịch.
(Ảnh minh hoạ)
Lý giải điều này, ông T. cho biết, ông từng gặp phải nhiều trường hợp rủi ro liên quan tới lượng tiền cọc ít, nhất là khi thị trường đang nóng.
"Thông thường, bán bất động sản không chỉ hoàn toàn dành cho tệp khách mua sử dụng luôn mà chúng tôi cũng phải thông qua đội ngũ môi giới. Khách làm việc trực tiếp thì ít mà môi giới lại rất nhiều. Nhiều trường hợp, môi giới hùn nhau chỉ cọc 50 triệu đồng để giữ chỗ, sau đó làm giá hoặc chênh giá bán cho chủ khác.
Hôm trước, tôi gặp trường hợp, môi giới cọc 50 triệu đồng, sau đó, đi bán lại cọc cho nhà đầu tư khác. Họ làm chênh giá khiến cho nhiều nhà đầu tư bỏ vì giá quá cao, chênh hơn so với giá tôi đưa ra gần tỷ đồng.
Lại có lần, vì cọc ít, có khách khác hỏi tôi lại từ chối vì đã nhận cọc. Nhưng, đến ngày kí hợp đồng, họ lại bỏ cọc còn tôi lại mất khách thiện chí. Mọi kế hoạch của tôi bị đổ vỡ chỉ vì 50 triệu đồng", ông T. cho hay.
Theo nhà đầu tư này, thời điểm hiện tại, thị trường đang nóng ấm, đây là cơ hội đẩy hàng tốt và mua thêm hàng mới. Qua thời điểm này, thị trường sẽ trầm lại, khách sẽ không còn tấp nập hỏi mua. Nếu chỉ nhận cọc 50 triệu đồng, khách không chốt mua thì nhà đầu tư như ông T. sẽ rơi vào nguy cơ cao chôn vốn.
Ngoài ra, ông T còn cho hay: "Tôi thường có tâm lý, bán một bất động sản và mua một bất động sản khác song song. Nếu thương vụ bán đi bị hỏng thì tôi cũng sẽ lỡ thương vụ mua vào. Mọi kế hoạch sẽ "đổ sông, đổ bể". Đó là lý do tôi yêu cầu phải cọc cao, đảm bảo khách thiện chí mua".
Ở góc độ người mua hàng, ông N.K cho biết, các thương vụ giao dịch trong vòng 2 tháng trở lại đây, nhà đầu tư này sẵn sàng bỏ ra mức cọc lớn, từ 500-1 tỷ đồng.
"Có lô đất ven đô tôi mua giá gần 5 tỷ. Mức cọc 200 triệu đồng và thời gian công chứng chờ đợi 30 ngày. Thế nhưng, trong thời gian chờ công chứng, chủ đất liên tục báo có người trả chênh. Sợ chủ đất phá kèo, tôi phải cọc thêm 300 triệu đồng", ông K. cho hay.
Cách đây 1 tháng, nhà đầu tư K. cũng "chốt" một căn biệt thự ven đô và sẵn sàng cọc 1 tỷ đồng. "Cọc lớn để không chỉ thể hiện thiện chí mua hàng còn để chắc chắn mua được sản phẩm đó. Vì thị trường nóng, chủ đất dễ dàng phá cọc nếu người khác trả tốt hơn. Mà hàng đẹp không phải dễ dàng tìm được", ông K. nêu quan điểm.