Nhà báo Phạm Thủy: Tôi gặp tình huống “nhớ đời” vì hâm mộ Mark Zuckerberg, cầm lái trên Sa Pa!

Nhật Quỳnh |

Người tiêu dùng hiện nay đã giải nghĩa chữ “hợp túi tiền” sang nghĩa “đáp ứng cao nhất nhu cầu sử dụng + nâng cao trải nghiệm cuộc sống + được định giá đúng” - nhà báo Phạm Thủy nêu quan điểm.

Nhân sự kiện giải thưởng cấp quốc gia hướng về người tiêu dùng Better Choice Awards (còn gọi là Giải thưởng cho Lựa chọn Tốt đẹp hơn) đang diễn ra, chúng tôi đã có buổi phỏng vấn nhà báo Phạm Thủy - thành viên Hội đồng Thẩm định của Better Choice Awards và đồng thời là người có kinh nghiệm trong lĩnh vực báo chí xe hơi.

“Một giải thưởng gắn với thực tế”

- Xin chào nhà báo Phạm Thủy, Better Choice Awards (BCA) có điều gì đặc biệt mà đã thuyết phục bà tham gia Hội đồng Thẩm định?

Tôi quan tâm tới Car Choice Awards từ năm ngoái khi giải thưởng này tổ chức lần đầu và lấy tiêu chí đánh giá, bình chọn chính là giá trị sử dụng thực tế của chiếc xe từ góc nhìn người tiêu dùng ở Việt Nam. Đây cũng là sự khác biệt mà Car Choice Awards muốn hướng tới so với các giải thưởng về ô tô khác, sẽ góp phần nâng cao vị thế tiếng nói của người tiêu dùng vốn chưa được tôn trọng đúng mức ở thị trường đang phát triển như Việt Nam.

Ngoài ra, việc Car Choice Awards trở thành một trong ba lĩnh vực của giải thưởng Better Choice Awards năm nay tập trung tôn vinh các sáng tạo về công nghệ phục vụ lợi ích người tiêu dùng, tập trung vào các sáng tạo về công nghệ, là một xu hướng phù hợp với sự phát triển của thế giới ô tô, từ "cỗ máy" đang thành "máy tính trên 4 bánh xe".

- Làm báo lâu năm bà đã thấy có rất nhiều cuộc thi, giải thưởng. Theo bà, Better Choice Awards với tinh thần “Better, not The Best” (tạm dịch là: Tốt hơn chứ không phải tốt nhất) có gì kế thừa và có gì đột phá so với Car Choice Awards năm ngoái?

Trước tiên tôi thấy tinh thần của giải thưởng năm nay THỰC TẾ hơn. Các sản phẩm tiêu dùng, những chiếc xe “Tốt nhất” thực ra luôn ở phía trước. Một mặt, khi lựa chọn, chúng ta cũng cân nhắc đâu là những giá trị ưu tiên hơn. Mặt khác, khi lựa chọn những sản phẩm “Tốt hơn”, chúng ta cũng có thể nhìn thấy những điểm nhà sản xuất có thể làm tốt hơn nữa của chúng để mang lại sự hài lòng cao hơn của người sử dụng.

Nhà báo Phạm Thủy: Tôi gặp tình huống “nhớ đời” vì hâm mộ Mark Zuckerberg, cầm lái trên Sa Pa! - Ảnh 1.

Thêm một điểm khác biệt trong cuộc bầu chọn năm nay là dành cho tất cả các mẫu xe chính hãng mà người tiêu dùng có thể tiếp cận trên thị trường cho tới thời điểm “khóa sổ bình chọn” chứ không căn cứ thời gian ra mắt của nhà sản xuất. Điều ấy thống nhất với tiêu chí bình chọn chiếc xe của/cho người tiêu dùng và cũng là một thách thức với những người chiến thắng vì cuộc đua này mở cửa rất rộng cho các ứng cử viên.

- Người tiêu dùng dù là ở đâu và lúc nào cũng thường lấy yếu tố “hợp túi tiền” làm nguyên tắc đầu tiên lựa chọn. Trong tiêu chí của Better Choice Awards, có lẽ vinh danh một sản phẩm hay dịch vụ không chỉ là “hợp túi tiền” phải không thưa bà? Nó còn tôn vinh tố chất nào của sản phẩm hoặc dịch vụ khi hướng đến người tiêu dùng?

Theo quan sát của tôi, người tiêu dùng hiện nay đã giải nghĩa chữ "hợp túi tiền" sang nghĩa "đáp ứng cao nhất nhu cầu sử dụng + nâng cao trải nghiệm cuộc sống + được định giá đúng".

Các phân khúc thị trường hiện nay rất đa dạng, nhu cầu và túi tiền của người tiêu dùng cũng vậy. Theo tôi, một sản phẩm được vinh danh tại BCA là sản phẩm Tốt hơn cả trên ba tiêu chí này.

Nhà báo Phạm Thủy: Tôi gặp tình huống “nhớ đời” vì hâm mộ Mark Zuckerberg, cầm lái trên Sa Pa! - Ảnh 3.

3 tiêu chí chọn xe phù hợp

- Được biết, bà đã từng tham gia nhiều hành trình xuyên Việt và thậm chí nhiều chuyến đi khắp châu Âu. Trong những chuyến đi như vậy, bà đã lựa chọn những mẫu xe thế nào? Hay nói cách khác, liệu có tồn tại “bộ tiêu chí chọn xe” riêng của bà không?

Đối với tôi, việc lựa chọn xe của mình hay xe thuê cho các hành trình đều liên quan tới sự phù hợp. Nếu có cái gọi là "bộ tiêu chí chọn xe phù hợp" thì kinh nghiệm của tôi là 3 tiêu chí:

- Phù hợp ví tiền;

- Phù hợp nhu cầu sử dụng;

- Phù hợp khả năng cầm lái.

Và nếu lái xe ở các quốc gia khác ngoài Việt Nam thì còn thêm tiêu chí thứ 4:

- Phù hợp văn hóa lái xe.

Vụ túi tiền thì dễ hiểu rồi, xe nào giá nấy mà. Và tiêu chí 1 thực ra có liên quan tới tiêu chí 2. Nếu lựa chọn không đúng nhu cầu sử dụng thì phí tiền đấy

Nhà báo Phạm Thủy: Tôi gặp tình huống “nhớ đời” vì hâm mộ Mark Zuckerberg, cầm lái trên Sa Pa! - Ảnh 4.

Như tôi có chuyến thuê chiếc MINI Clubman 6 cửa nhưng chỉ đi có 2 người nên rốt cuộc cốp xe mênh mông, tiền thuê thì đắt hơn xe cỡ nhỏ, và tới lúc lái xe vào thành phố Bologna (Ý) thì chật vật tìm chỗ đủ để đỗ chiếc xe dài gấp rưỡi những chiếc city-car phổ biến ở nơi này. Và dĩ nhiên nếu không quen lái xe số sàn thì phải cẩn thận khi thuê xe tự lái ở châu Âu vì hiện vẫn có khá nhiều xe số sàn được cho thuê (với giá rẻ hơn số tự động).

Tuy nhiên, nếu nới rộng được biên độ của các tiêu chí phù hợp này, chúng ta có thể có những trải nghiệm thú vị hơn, dĩ nhiên là trong giới hạn sự an toàn.

- Sau nhiều chuyến đi như vậy, bà thấy công nghệ trên xe đã khác và can thiệp thế nào tới quá trình sử dụng xe?

Tôi đã từng chia sẻ trải nghiệm "nhớ đời" liên quan tới chuyện này trong cuốn sách Mở rộng bán kính đời mình.

Hồi ấy, tháng 12/2011, Mark Zuckerberg [CEO của Facebook, nay là Meta - PV] đưa bạn gái mà giờ là vợ lên Sa Pa, chọn ở Topas Ecolodge. Hâm mộ tỷ phú công nghệ này, tháng 1/2012, trong chuyến ra chơi Hà Nội, tôi mượn xe đưa mấy người bạn đến đó, không ngờ đấy là một trong những chuyến đi căng thẳng nhớ đời.

Chính xác là 20km vừa dốc vừa gập ghềnh, một bên vách núi, một bên vực sâu từ Sa Pa vào Topas, trong một tối sương mù dâng ngập mặt, tầm nhìn xa tính bằng mét, mà xe, chiếc bán tải số sàn vừa mượn ban sáng, lỡ phải phanh lại, thì lúc buông chân phanh, mớm côn đạp ga lên tiếp nếu không kịp kéo thắng tay là tuột về phía tối đen, có cú tuột khiến bạn ngồi bên liên mồm "cầu nguyện".

Là bởi cái xe năm ấy không có HAC (hay HSA cũng chính nó), tên tiếng Anh Hill start Assist Control/ Hill Start Assist, tiếng Việt là Hệ thống khởi hành ngang dốc, một công nghệ hỗ trợ lái xe gần như trở thành trang bị tiêu chuẩn trên xe hơi sau này.

Xe hơi ngày nay trang bị rất nhiều công nghệ hỗ trợ người cầm lái. Tất nhiên công nghệ cao cũng hao thần kinh bộ nhớ: Nào nhớ cách xử lý khi chìa khóa thông minh chẳng may hết pin, nhớ các thao tác kết nối, vân vân và vân vân. Mệt phết, nhưng mà mệt xong thì sẽ nhẹ nhàng và thích thú.

Vậy nên tôi vẫn nói đùa với bạn bè rằng: Xe hơi ngày nay đi liền công nghệ rồi, không kệ được đâu, kể cả chị em phụ nữ lười công nghệ như tôi.

- Là thành viên Hội đồng Thẩm định của Car Choice Awards thuộc Better Choice Awards, bà có thể bật mí những tiêu chí (hoặc tiêu chí quan trọng nhất) để được “điểm 10” của bà trong hạng mục Đột phá công nghệ trên ô tô hiện đại?

Đó đương nhiên phải là những tiến bộ công nghệ mới, hàng đầu, được trang bị trên các mẫu xe thương mại. Tuy nhiên, đó là những chiếc xe và công nghệ phục vụ cho người tiêu dùng Việt nên tôi quan tâm tới những công nghệ mang lại lợi ích thực tế cho người sử dụng ở Việt Nam hiện nay dựa trên 3 tiêu chí: Đáp ứng đúng nhu cầu sử dụng; Nâng cao trải nghiệm cuộc sống và di chuyển; Chi phí sở hữu và sử dụng phù hợp.

Nhà báo Phạm Thủy: Tôi gặp tình huống “nhớ đời” vì hâm mộ Mark Zuckerberg, cầm lái trên Sa Pa! - Ảnh 5.

Ferdinand Porsche từng nói: "Tôi không thể tìm thấy những cỗ xe thể thao trong mơ, nên tôi tự tay làm ra nó".

Sẽ thành Ferdinand Porsche nếu xuất hiện “xe trong mơ”

- Với những trải nghiệm của mình về xe nói chung, bà đã từng có một mẫu “xe trong mơ” nào chưa? Nếu có, thì là vì sao?

Nếu xuất hiện một "chiếc xe trong mơ" chắc tôi phải tính cách trở thành Ferdinand Porsche quá ["I couldn’t find the sports car of my dreams, so I built it myself." - tạm dịch: Tôi không thể tìm thấy những cỗ xe thể thao trong mơ, nên tôi tự tay làm ra nó].

Nghề nghiệp và sở thích cho tôi cơ hội cầm lái nhiều chiếc xe và "sống" với chúng trên nhiều hành trình.

Thật sự nếu có "trong mơ" thì tôi muốn có cả một bộ sưu tập xe để có thể sử dụng chúng cho những chuyến đi khác nhau, thời điểm khác nhau, với những người bạn khác nhau, thậm chí cả tâm trạng khác… Đó là bởi với tôi, mỗi chiếc xe đều có điểm hay của nó miễn là bạn nhìn thấy, cảm nhận được, trải nghiệm qua.

Tôi rất ngưỡng mộ những người theo đuổi mục tiêu sở hữu chiếc xe mơ ước. Nhưng thú thực, chắc do bản tính trời sinh, không đợi tới khi tìm được một chiếc xe mơ ước để lên đường, tôi thích việc luôn sẵn sàng lên đường với chiếc xe mình có trong tay.

- Liệu chiếc xe hiện tại (hoặc chiếc xe dùng thường xuyên) có điều gì bà thấy chưa hài lòng?

Cũng như tinh thần của giải thưởng này (Tốt hơn chứ không phải Tốt nhất), 3 chiếc xe từng sử dụng hàng ngày với tôi đều là "Tốt hơn" trong số các lựa chọn phù hợp tại thời điểm đó.

Chiếc xe hiện tại, một chiếc crossover 5 chỗ dẫn động 4 bánh chủ động, các công nghệ hỗ trợ lái xe an toàn hàng đầu trong phân khúc, là lựa chọn dung hòa giữa sử dụng cho gia đình và thỏa mãn phần nào cảm giác sau tay lái đường xa, lại ở trong tầm giá phù hợp. Hiện tại tôi hài lòng với nó.

- Từ góc nhìn của một người dùng thực tế, bà suy nghĩ sao về các tiêu chí của Better Choice Awards? Liệu giải thưởng này có mang lại điều gì hữu ích cho người dùng?

Tôi nghĩ 4 tiêu chí của giải thưởng gồm Công nghệ cốt lõi dẫn đầu xu hướng, Thiết kế dẫn đầu xu hướng, Phục vụ đúng nhu cầu xã hội, Chi phí bảo dưỡng & hậu mãi phù hợp đã bao quát được hình ảnh một chiếc xe vừa đáng mơ ước vừa thực tế với người tiêu dùng.

Tất nhiên là một cuộc bầu chọn, không tránh được có phần nào yếu tố cảm tính, lại ở những năm đầu tiên gây dựng thì mình cũng hy vọng là "better" chứ không phải "the best". Tôi nghĩ, nếu xây dựng được uy tín bằng sự trung thực và độ chính xác cao, giải thưởng sẽ là một kênh bày tỏ tiếng nói tin cậy của người tiêu dùng Việt Nam và là một kênh tham khảo có ý nghĩa với các nhà sản xuất, kinh doanh, phân phối xe hơi ở Việt Nam.

- Cảm ơn bà đã dành thời gian trò chuyện.

Giải thưởng Better Choice Awards là sự kiện do Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia đồng tổ chức cùng công ty cổ phần VCCorp, trong khuôn khổ Triển lãm quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023. Sự kiện triển lãm quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023 là sự kiện do Bộ kế hoạch và đầu tư chủ trì, giao cho Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia phối hợp triển khai cùng các đơn vị uy tín, trong đó có VCCorp.

Nhà báo Phạm Thủy: Tôi gặp tình huống “nhớ đời” vì hâm mộ Mark Zuckerberg, cầm lái trên Sa Pa! - Ảnh 8.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại