Chiều 15/11, bên lề kỳ họp Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Quốc Vượng cho biết, các vi phạm của lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc, nguyên lãnh đạo tỉnh Gia Lai, Đắk Nông và Thiếu tướng Hoàng Công Hàm, Phó Tư lệnh Quân khu 1 đã được chỉ rõ trong kết luận.
Đồng thời, các mức kiểm điểm, thi hành kỷ luật cũng đã được Ủy ban Kiểm tra Trung ương nêu rõ đối với từng trường hợp.
Còn Trung tướng Phạm Xuân Thệ, nguyên Tư lệnh Quân khu 1 cho hay, qua theo dõi kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, có thể thấy các vi phạm của Thiếu tướng Hoàng Công Hàm đã xảy ra từ trước khi về công tác tại Quân khu 1.
Cụ thể, các vi phạm được kết luận liên quan đến công tác quản lý, sử dụng đất quốc phòng thời kỳ tướng Hàm còn công tác, giữ chức Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Lạng Sơn.
Trung tướng Phạm Xuân Thệ cho biết, đến thời điểm hiện tại, theo thông tin ông nắm được thì việc kỷ luật cán bộ sỹ quan cao cấp của Quân khu 1 là rất hiếm, đặc biệt kỷ luật cảnh cáo với cấp tướng như đối với ông Hàm là trường hợp đầu tiên.
"Trước đây, ở Quân khu cũng đã có một trường hợp là Tham mưu phó bị kỷ luật, xử lý vì vi phạm pháp luật, quy định của quân đội, nhưng đối với cấp tướng, Phó Tư lệnh thì chưa hề có và đây là trường hợp đầu tiên.
Cá nhân tôi thấy kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thể hiện sự nghiêm minh, rõ ràng, đúng người, đúng vi phạm. Đây sẽ là bài học cho tất cả các cán bộ, chiến sỹ", tướng Thệ nêu.
Về quy trình xử lý, tướng Thệ cho hay, đối với cán bộ thuộc Quân khu quản lý sẽ do Ủy ban Kiểm tra quân khu xử lý, còn với trường hợp cấp tướng, Phó Tư lệnh thuộc thẩm quyền của Ủy ban Kiểm tra Trung ương xử lý, sau đó Bộ Quốc phòng, quân khu sẽ xử lý tiếp.
Một cán bộ của Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho biết thêm, việc kỷ luật đối với Thiếu tướng Hoàng Công Hàm là về bên Đảng.
Theo quy định của Đảng, với cán bộ, đảng viên vi phạm sau khi bị thi hành kỷ luật bên Đảng, cơ quan thi hành kỷ luật sẽ có văn bản thông báo gửi bên chính quyền và đề nghị xử lý với cán bộ vi phạm đó về mặt hành chính.
Vị này cũng nhấn mạnh, hiện việc thi hành kỷ luật cán bộ, đảng viên vi phạm được thực hiện đồng bộ, nghĩa là kỷ luật cả Đảng và kỷ luật chính quyền.
Cụ thể, với một cán bộ có khuyết điểm, vi phạm sau khi bị kỷ luật Đảng, phía chính quyền căn cứ thấy tính chất mức độ thế nào sẽ ra quyết định kỷ luật.
Mức kỷ luật có thể tương đương với bên Đảng, cũng có thể mức kỷ luật còn cao hơn nếu bên chính quyền thấy cán bộ đó còn những vi phạm khác.
Ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng, nếu cán bộ bị kỷ luật ở mức cách chức, khai trừ thì không cần nói, nhưng với mức cảnh cáo như thời ông còn công tác chưa có quy định cứng nhắc nào của Đảng nêu, bị thi hành kỷ luật ở mức này, nhất thiết phải chuyển khỏi vị trí đang giữ.
"Tuy nhiên, ở đây cần căn cứ vào công tác tổ chức cán bộ. Nếu thấy rằng, dù chỉ ở mức độ kỷ luật cảnh cáo nhưng cán bộ đó không còn đủ uy tín, mức độ vi phạm nghiêm trọng và không nên để người đó ở vị trí hiện tại thì phải chuyển công tác", ông Hùng nêu rõ.