Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng chỉ rõ "điều hơi ngược" trên vỉa hè Hà Nội

Hoàng Đan |

TS Phạm Sỹ Liêm nhìn nhận, thời gian qua, xã hội nói nhiều đến vấn đề vỉa hè nhưng không ít người vẫn chưa hiểu, nhầm lẫn, thậm chí hiểu sai về chức năng của nó.

Vỉa hè không phải chỉ của người đi bộ

TS Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, việc Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các đô thị ra quân lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè, trong đó, có giải tỏa, phá các công trình, bậc tam cấp vi phạm là đúng, cần thiết.

"Các hộ này lẽ ra phải làm bậc tam cấp thụt vào phần đất nhà mình nhưng đã xây rồi thì chính quyền nên có thông báo thời gian ấn định, yêu cầu họ tự tháo dỡ phần vi phạm.

Tuy nhiên, các địa phương đã tiến hành phá dỡ rồi nên theo tôi, cần tạo điều kiện cho người dân được kê tạm các tấm gỗ hay bậc lên xuống bằng sắt... phục vụ cho sinh hoạt, kinh doanh trước khi tiến hành làm lại cho đúng", TS Liêm nói.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng chỉ rõ điều hơi ngược trên vỉa hè Hà Nội - Ảnh 1.

TS.Phạm Sỹ Liêm

TS Phạm Sỹ Liêm cũng nhìn nhận, trong thời gian qua, xã hội nói nhiều đến vấn đề vỉa hè nhưng không ít người vẫn chưa hiểu, nhầm lần, thậm chí hiểu sai về chức năng của vỉa hè.

Cụ thể, khi nói đến vỉa hè mà chỉ nói của người đi bộ thì không phải. Bởi vỉa hè là của người đi bộ dọc phố thì đúng và nó phân tách luồng giao thông đi bộ với luồng giao thông cơ giới hay lòng đường để ôtô đi lại an toàn.

Nhưng theo ông, ngoài chức năng đó, trước hết, vỉa hè còn là không gian đệm giữa ngôi nhà với đường. Nếu cứ tưởng tượng không có vỉa hè thì sẽ bước từ nhà xuống ngay con đường, rất nguy hiểm.

Không gian đệm này chính chủ nhà ở đó được hưởng chứ không phải người đi bộ, vì thế, chủ nhà phải có trách nhiệm và không có việc làm hộ chính quyền mà rõ ràng, mình phải quản lý.

Thứ hai, vỉa hè là không gian công cộng, mọi người đều có thể đến. Có thể chẳng cần ai phải đi bộ mà đứng nói chuyện, tâm sự với nhau...

Không gian công cộng này là của thành phố, làm đẹp cho thành phố, vì thế, để tôn thêm vẻ đẹp, nhiều nơi có thể dựng tượng, đặt bồn hoa, ghế trên vỉa hè để người ta ngồi, nói chuyện...

Thứ ba, vỉa hè là nơi chứa các hạ tầng của đô thị như cột điện, cây cối, rồi cống rãnh, ống nước, điện...

"Chúng ta phải hiểu chức năng của vỉa hè để chức năng của ai cũng được thực hiện mà không ảnh hưởng đến chức năng khác", ông nêu rõ.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cũng chỉ ra một điểm bất cập trong giải quyết vấn đề vỉa hè, khi tại Hà Nội tiến hành vẽ vạch vôi cho xe máy lại đỗ vào sát nhà và đây là "điều hơi ngược".

"Tôi đi Đài Bắc thấy, xe máy đỗ sát mép vỉa hè với đường còn đoạn sát nhà để trống cho người ta đi lại.

Ví dụ, nhà là cửa hàng thì có cửa kính, bày hàng và khách muốn mua phải ngắm nhưng nếu xe máy đỗ sát thế, chắn hết sẽ chẳng còn nhìn được gì. Hàng sẽ khó bán.

Cùng với đó, phía ngoài để cho người đi bộ thì khó đi được bởi cột điện, cây cối, tủ điện, thùng rác...chắn. Lẽ ra những khoảng hở giữa cột điện và cây thì cho để xe nhưng chỉ được để từ mép đường vào trong chỗ nào đó.

Nước chúng ta kẻ vạch vôi nhưng tại Đài Bắc họ có thanh ống sắt để dọc trên vỉa hè và rất thấp để ai cũng dễ dàng bước qua. Ống sắt này sẽ làm nhiệm vụ ngăn cách rõ ràng nên nếu anh muốn đẩy xe thêm vào cũng không thể được", ông Liêm cho hay.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng chỉ rõ điều hơi ngược trên vỉa hè Hà Nội - Ảnh 2.

Vỉa hè trên đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội).

Một vấn đề khác, theo ông Liêm, người đi bộ cần có vỉa hè nhưng người mù, người khuyết tật cũng cần được quan tâm, vì thế, phải có lối đi để họ có thể di chuyển dễ dàng, an toàn.

"Nếu người bán rong biết internet đã chả phải bán rong"

Trước một số ý kiến về việc cho các hộ dân thuê lại vỉa hè ở những nơi đủ điều kiện đảm bảo cho người đi bộ nhằm giúp kinh doanh, buôn bán và nhà nước có thêm nguồn thu, ông Liêm cho hay, cho thuê cũng cần phải từng việc, tính toán cụ thể chứ không thể muốn là làm.

Ở một số nước, họ cho phép các quán cà phê thuê, lấn ra vỉa hè phía trước, có mái hiên bằng vải... để khách nhất là khách du lịch uống rồi nhìn người qua lại, quang cảnh đường phố.

"Tôi thấy họ làm rất tốt, trật tự và ở Hà Nội thì một số khách sạn cũng đã được cho phép làm. Nếu làm vậy thì chấp nhận còn cho thuê để bày hàng ra buôn bán hay cho chính nhà ở đó thuê kinh doanh đều không được", ông Liêm nêu.

Ông Liêm thông tin thêm, một số nước cũng cho thuê để mở ki - ốt rất hẹp bán hoa quả, báo... ở các nơi vỉa hè rộng nhưng chỉ được bán một số mặt hàng và theo giờ chứ không được cả ngày.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng không đồng tình với ý kiến của lãnh đạo TP Hồ Chí Minh cho rằng, sẽ giúp đỡ người bán hàng rong kinh doanh qua mạng.

"Người bán hàng rong nếu biết internet thì chả phải bán rong. Chúng ta cần hiểu, chợ dân sinh, chợ cóc là người mua đi tìm người bán còn hàng rong là người bán đi tìm người mua.

Ví dụ, buổi sáng người ta đi bán bánh rong qua đó, nếu ai có nhu cầu có thể mua để ăn. Tôi cũng có suy nghĩ, giờ đưa người bán hàng rong tập trung vào một số nơi, tức, bắt người bán đi tìm người mua sẽ có thể dẫn đến ế hàng. Do đó, chúng ta cần xem xét kỹ...", ông Liêm bày tỏ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại