Ông lớn ô tô của Nhật Bản lần đầu tiên gây chú ý với thế giới vào năm 1980 với những sản phẩm chất lượng vượt trội so với hàng Mỹ. Những chiếc xe hơi của hãng bền hơn và ít phải sửa chữa hơn, đồng thời, tập đoàn này cũng tạo ra hiệu quả kinh doanh ở mức hàng đầu thế giới, dù sử dụng rất ít giờ công và kho bãi. Kết thúc năm tài chính 2018, Toyota nằm trong top 6 doanh nghiệp có doanh thu lớn nhất thế giới.
Trải qua gần 100 năm gắn bó với ngành ô tô, Toyota chỉ thực sự nổi tiếng từ thập niên 80 khi nguyên tắc sản xuất tinh gọn (TPS) được chính công ty phát minh từ năm 1950 phát huy hiệu quả. Những nguyên tắc này sau đó đã phát triển thành triết lý kinh doanh của công ty, định hướng cho chất lượng và sự hoàn hảo của Toyota. TPS nổi tiếng đến mức hầu hết các nhà sản xuất ô tô và rất nhiều công ty thuộc ngành khác học tập áp dụng theo, thậm chí là áp dụng gần như giống nhau mà không cần qua các bước điều chỉnh cho phù hợp với tính địa phương.
Nguyên tắc này đề cao việc loại bỏ thời gian và nguyên liệu hoang phí từ mỗi vước của quy trình sản xuất, đưa chất lượng vào các hệ thống làm việc, tìm những lựa chọn chi phí thấp trong khi tin tưởng những công nghệ mới đắt đỏ và xây dựng một văn hóa học hỏi cải tiến liên tục. Đây cũng là những nguyên tắc được GM và VinFast áp dụng cho quy trình sản xuất của mình, nhằm tạo ra các sản phẩm có chất lượng vượt trội dù được thực hiện trong thời gian ngắn.
Dưới đây là một số nguyên tắc thuộc hệ thống sản xuất tinh gọn của Toyota:
Nguyên tắc 1: Xác định giá trị từ góc nhìn khách hàng
Đây được xem là triết lý tư duy dài hạn, khi công ty này sẵn sàng hy sinh các mục tiêu tài chính ngắn hạn nhằm cung cấp sản phẩm và dịch vụ có chất lượng tốt nhất đến khách hàng, nhân viên và các cổ đông, trong đó, thỏa mãn khách hàng được xem là điều chủ chốt nhất. Toyota tin rằng khi khách hàng thỏa mãn, họ sẽ quay trở lại nhiều lần để mua sản phẩm cũng như giới thiệu sản phẩm đó đến nhiều người khác hơn, từ đó, đem lại nhiều doanh thu hơn.
Đỉnh điểm của nguyên tắc này là thái độ "tự mình thực hiện", chứng minh qua quyết định mạo hiểm xâm nhập thị trường xe hơi hạng sang dù kinh nghiệm chỉ ở con số 0. Hãng đã tự tạo ra một bộ phận riêng biết để tìm hiểu, phát triển dòng xe hạng sang của mình – Lexus – và tạo ra được một tiêu chuẩn riêng cho sản phẩm mang thương hiệu Toyota, sánh ngang với các ông lớn quốc tế.
Ở VinFast, nguyên tắc này được áp dụng linh hoạt theo ý tưởng của ông Phạm Nhật Vượng. Công ty này công khai toàn bộ quy trình sản xuất ngay từ bước thiết kế, dù điều này đi ngược lại với phần lớn các nhà phát triển xe hơi khác trên thế giới. Theo VinFast, những chiếc xế hộp của họ được sản xuất nhằm phục vụ người Việt, do đó, mẫu xe được chọn sẽ là tổng hòa của ý kiến chuyên gia, dựa trên bình chọn của người tiêu dùng Việt.
Nguyên tắc 2: Tạo ra sơ đồ dòng giá trị
Hệ thống sản xuất hàng loạt mà nhiều công ty đang áp dụng thường tạo ra một lượng hàng tồn kho rất lớn. Hàng tồn kho không chỉ chiếm giữ dòng vốn lưu động của công ty, mà còn làm gia tăng chi phí kho bãi.
Toyota đã giải quyết vấn đề này bằng cách thu thập và phân tích luồng thông tin, tối ưu hóa dòng di chuyển của nguyên vật liệu cần thiết để sản xuất ra một sản phẩm, dịch vụ cụ thể. Với Toyota, bất cứ điều gì không mang lại giá trị tăng thêm cho khách hàng phải được loại bỏ.
Nguyên tắc 3: Sử dụng hệ thống kéo (Just-in-time)
Trên thực tế, JIT được Toyota "vay mượn ý tưởng" từ các siêu thị ở Mỹ.
Với một hệ thống đẩy, thì tổ chức phải dựa vào hệ thống kế hoạch sản xuất. Lượng hàng hóa sẽ được dự báo trước, và nhà máy sẽ cố gắng sản xuất để đáp ứng theo nhu cầu đó. Tuy nhiên, các dự báo thị trường thường không chính xác, dẫn đến tồn kho tăng cao trong khi vẫn tồn tại nguy cơ "cháy hàng".
Ngược lại, với hệ thống kéo, việc mua nguyên liệu hay sản xuất chỉ có thể được bắt đầu khi nhận xong đơn hàng. Trong hệ thống này, các sản phẩm chỉ được lưu kho ở một mức độ rất nhỏ, và khi lượng lưu kho giảm xuống nhanh chóng trong một khoảng thời gian, hệ thống sẽ cảnh báo đến nhà sản xuất, rằng khách hàng đang cần thêm sản phẩm tương tự. Ngay lập tức, quy trình sản xuất được khởi động, đảm bảo Toyota luôn có đủ số lượng hàng mà khách cần.
VinFast áp dụng nguyên tắc này thông qua việc khuyến khích khách hàng đặt trước sản phẩm 1 năm với giá ưu đãi. Điều này đảm bảo các sản phẩm đầu tiên của hãng sẽ đến được tay người Việt nhanh chóng và đúng nhu cầu ngay khi chính thức ra mắt.
CEO VinFast nói về xe của hãng
Nguyên tắc 4: Xây dựng văn hóa tự kiểm chứng và cải tiến liên tục
Một trong những giá trị cốt lõi của sản xuất tinh gọn là tinh thần cải tiến để hướng tới sự hoàn hảo. Mọi vấn đề đều được xem xét để tìm ra nguyên nhân gốc rễ và các biện pháp khắc phục.
Thậm chí, các công ty áp dụng nguyên tắc này thường xây dựng một hệ thống hỗ trợ nhằm giải quyết các vấn đề nhanh chóng, sửa chữa ngay cả khi sự cố chưa phát sinh, thiết lập một tiêu chuẩn ở mức độ cao. Quy trình này được tổng kết qua chương trình Kaizen, mà VinFast thường xuyên thực hiện cho cán bộ nhân viên.
Theo đó, trong các buổi hội thảo của chương trình Kaizen, nhân viên sẽ có cơ hội tham gia viết ra ý tưởng của mình, tạo lập quy chuẩn nhằm cải thiện hoạt động của tổ chức. Các ý kiến được ghi nhận và áp dụng thì nhân viên đó sẽ được thưởng.
Nguyên tắc 5: Chỉ dùng những công nghệ đáng tin cậy
Trước khi áp dụng bất cứ công nghệ mới nào. Toyota đầu tiên phân tích ảnh hưởng nó có thể có lên những quy trình hiện tại. Nếu xác định rằng công nghệ mới cộng thêm giá trị vào quy trình hiện tại, họ phân tích công nghệ sâu hơn để xem liệu nó có mâu thuẫn với triết lý và những nguyên tắc hoạt động của công ty. Nếu như nó vi phạm bất cứ nguyên tắc nào, Toyota sẽ loại bỏ công nghệ đó.
Việc giới thiệu công nghệ mới được thực hiện thông qua một quy trình phân tích và lên kế hoạch bởi đội ngũ bao gồm tất cả những người có liên quan trong quy trình, nhằm đảm bảo sự thống nhất đến từng nhân viên và tránh tối đa sự gián đoạn trong quy trình.
Ở VinFast, việc đầu tư các dây truyền công nghệ được công ty này chú trọng khi đối tác được lựa chọn đều là những tên tuổi lớn trong ngành như BCG, AVL, Pininfarina, Magna...