Nguyên Đại sứ VN tại Triều Tiên: Dù thượng đỉnh Mỹ Triều kết thúc hoàn hảo, tôi có lẽ cũng không được thấy hai miền thống nhất

Tô Lan Hương |

Người Hàn Quốc nói với tôi rằng họ cũng muốn thống nhất, nhưng ngược lại cũng không muốn đánh đổi cuộc sống sung túc này để lấy một cuộc sống khổ sở hơn khi hai miền thống nhất...

Dù lạc quan với kết quả của Hội nghị Thượng đỉnh Liên Triều, dù hy vọng vào những tín hiệu tích cực của Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều, dù đánh giá cao sự nỗ lực và thiện chí từ tất cả các bên, cựu Đại sứ Việt Nam tại Triều Tiên - ông Dương Chính Thức - người đã có 23 năm sống ở bán đảo Triều Tiên vẫn thừa nhận rằng ông có lẽ sẽ không còn sống để được nhìn thấy ngày Triều Tiên và Hàn Quốc thống nhất.

Nguyên Đại sứ VN tại Triều Tiên: Dù thượng đỉnh Mỹ Triều kết thúc hoàn hảo, tôi có lẽ cũng không được thấy hai miền thống nhất - Ảnh 1.

Tô Lan Hương: Vậy là cuối cùng, Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều vẫn sẽ diễn ra vào ngày 12/6, sau những lời đe doạ hủy bỏ từ cả hai phía, sau những nỗ lực và thiện chí tuyệt vời từ tất cả các bên. Thưa Đại sứ Dương Chính Thức, ông là một trong những chuyên gia về Đông Bắc Á có nhiều kinh nghiệm nhất ở Bộ Ngoại giao Việt Nam, ông đã từng chứng kiến một một Hội nghị Thượng đỉnh nào mà công tác chuẩn bị cho nó lại gây ra nhiều cảm xúc thế này chưa?

Đại sứ Dương Chính Thức: Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều đánh dấu rất nhiều dấu mốc lần đầu tiên, có lẽ đó là lý do mà nó tạo ra nhiều cảm xúc cho những người theo dõi sự kiện này đến vậy: Đây là lần đầu tiên trong lịch sử diễn ra một cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo của Mỹ và Triều Tiên - hai nước vẫn luôn ở trong tình trạng đối địch và có rất nhiều thời điểm coi nhau là "kẻ thù".

Đây cũng là lần đầu tiên mà  một Tổng thống Mỹ khi tuyên bố huỷ bỏ hội nghị lại có những lời lẽ nặng nề hiếm thấy trong ngoại giao như thế; nhưng, đây cũng là lần đầu tiên mà một nhà lãnh đạo Triều Tiên - một đất nước nổi tiếng với những phát ngôn cứng rắn và thách thức với thế giới, lại có những phản ứng đáp trả mềm mỏng, thiện chí đến thế, nhờ đó mà tránh cho cuộc gặp lịch sử này sụp đổ trong trứng nước.

Nguyên Đại sứ VN tại Triều Tiên: Dù thượng đỉnh Mỹ Triều kết thúc hoàn hảo, tôi có lẽ cũng không được thấy hai miền thống nhất - Ảnh 2.

Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều sẽ diễn ra vào ngày 12/6

Một lý do khác nữa, có lẽ đây là cuộc gặp được không chỉ nhân dân hai miền Nam - Bắc Triều Tiên, mà cả thế giới mong chờ. Vì ai cũng hiểu, tầm quan trọng của cuộc gặp này có thể quyết định sự thành công hay thất bại của Hội nghị Thượng đỉnh Liên Triều, quyết định cả đến tương lai của bán đảo Triều Tiên.

Tôi xin được chia sẻ câu chuyện của chính tôi. Ngày 24/5, khi đọc tin Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố huỷ bỏ Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều, tôi buồn đến lặng người.

Tôi từng là Đại sứ Việt Nam lại Triều Tiên (1992 - 1996), cũng từng là lưu học sinh Việt Nam tại Bình Nhưỡng, từng sống ở đất nước đó nhiều năm trời, được người dân Triều Tiên giúp đỡ rất nhiều, nên tôi luôn có tình cảm đặc biệt với đất nước ấy, trong bất cứ hoàn cảnh nào, luôn cầu mong và luôn hy vọng sẽ có sự thay đổi để đem lại một cuộc sống khác cho nhân dân Triều Tiên.

Nguyên Đại sứ VN tại Triều Tiên: Dù thượng đỉnh Mỹ Triều kết thúc hoàn hảo, tôi có lẽ cũng không được thấy hai miền thống nhất - Ảnh 3.

Tôi năm nay đã 77 tuổi, nghỉ hưu đã lâu và đã 22 năm qua chưa quay lại Triều Tiên, nhưng không một tin tức nào về bán đảo Triều Tiên mà tôi bỏ lọt.

Sau khi thông tin về Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều có thể bị huỷ bỏ, tôi có ăn trưa với một số bạn bè của tôi – các nhà ngoại giao Hàn Quốc. Họ nói, họ cũng có chung cảm xúc ấy với tôi: Rất đau buồn và rất thất vọng.

Bạn bè tôi, có không ít người đã khóc vào cái ngày Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In nắm tay Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un bước qua đường ranh giới chia cắt hai miền hơn một tháng trước. Những đứa trẻ Hàn Quốc được nghỉ học để theo dõi sự kiện không dễ có trong lịch sử.

Người Hàn Quốc và người Triều Tiên đã chờ đợi thời khắc lịch sử đó như thế nào, thì cũng chờ đợi Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều này như thế, và sự đau buồn của họ khi hội nghị có nguy cơ bị huỷ bỏ là điều rất dễ hiểu.

Nhưng có một điều đặc biệt là, dù là thời khắc khó khăn nhất đó, tôi và những người bạn Hàn Quốc của mình đều có chung một niềm tin mãnh liệt: Bằng cách nào đó, Hội nghị này sẽ vẫn diễn ra,  không phải ngày 12/6 thì sẽ là một ngày khác trong tương lai gần.

Bởi vì thiện chí của Mỹ, của Triều Tiên và của Hàn Quốc cho cuộc gặp này là quá lớn, bởi vì cơ hội cho bán đảo Triều Tiên trong cuộc gặp này là quá quý giá.

Và cuối cùng, cho đến hôm nay chúng ta có thể khẳng định không còn gì ngăn cản cuộc gặp lịch sử này nữa.

Đó thực sự là một tin tức tốt lành cho tất cả!

Tô Lan Hương: Cái gì đã khiến ông có niềm tin đặc biệt đó, khi mà truyền thông thế giới đều nhận định rất bi quan sau tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump?

Đại sứ Dương Chính Thức: Có một điều khiến tôi có niềm tin vào Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ Triều lần này, vì những thiện chí và nỗ lực phi thường đến từ cả hai bên, vì những quyết tâm trước đó mà cả hai nước đã thể hiện.

Cần phải nhấn mạnh lại rằng, chưa từng có một cuộc gặp nào giữa Tổng thống Mỹ đương nhiệm và nhà lãnh đạo cao nhất của Triều Tiên trong lịch sử. Các đời Tổng thống Mỹ trước đó từ đời Bill Clinton đến Geogre W.Bush và Obama đều né tránh các cuộc gặp gỡ với Triều Tiên.

Cho đến giờ, chỉ có hai cựu  Tổng thống Mỹ là ngài Bill Clinton và ngài Jim Carter là đến Triều Tiên khi không còn đương chức. Nên chắc chắn rằng, không dễ dàng để có cuộc gặp này!

Tôi tin rằng, quá trình sắp xếp, đàm phán cho Hội nghị Thượng đỉnh 12/6 đã phải được Mỹ và Triều Tiên xúc tiến trong một thời gian dài, thông qua những kênh liên lạc của họ.

Việc Tổng thống Donald Trump cử Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo sang Bình Nhưỡng là một trong những dấu hiệu thể hiện sự nghiêm túc và thiện chí đó từ Mỹ.

Nhưng đó chỉ là những khía cạnh được công khai. Còn quá trình đàm phán bí mật để thống nhất về địa điểm, về thời gian hai bên gặp nhau, về những nội dung đàm phán, về mong muốn của hai bên, tất cả chắc chắn đã được Mỹ và Triều Tiên tiến hành trong những buổi đàm phán mà chúng ta không được chứng kiến.

Nguyên Đại sứ VN tại Triều Tiên: Dù thượng đỉnh Mỹ Triều kết thúc hoàn hảo, tôi có lẽ cũng không được thấy hai miền thống nhất - Ảnh 4.

Tổng thống Donald Trump và Nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã đi được những bước dài tiến lại gần nhau trước khi Hội nghị thượng đỉnh chính thức bắt đầu.

Chỉ khi những nội dung quan trọng của cuộc đàm phán đã được thống nhất về cơ bản trong những cuộc tiếp xúc tiền hội nghị,  thì ngày đàm phán mới được ấn định và được công bố ra bên ngoài, theo đúng các quy tắc lễ tân ngoại giao. Nên có thể hiểu rằng, cho đến thời điểm này, Tổng thống Donald Trump và Nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã đi được những bước dài tiến lại gần nhau trước khi Hội nghị thượng đỉnh chính thức bắt đầu.

Một điều nữa khiến tôi có niềm tin, là những tín hiệu tích cực từ Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In, khi mà họ đã cùng nhau bày tỏ thiện chí trong những thời điểm khó khăn nhất. Nếu như nhà lãnh đạo Triều Tiên thể hiện một thái độ hết sức bình tĩnh, nhún nhường, khác với những phản ứng dữ dội thường thấy, thì Tổng thống Hàn Quốc- sau lời tuyên bố của Trump chỉ vài ngày đã có một cuộc gặp đầy bất ngờ với ông Kim Jong Un. Hai cuộc gặp liên tiếp chỉ cách nhau một tháng, chứng tỏ rằng tất cả các bên đều đang làm mọi thứ có thể để có cuộc gặp này.

Nguyên Đại sứ VN tại Triều Tiên: Dù thượng đỉnh Mỹ Triều kết thúc hoàn hảo, tôi có lẽ cũng không được thấy hai miền thống nhất - Ảnh 5.

Tô Lan Hương: Trong hơn 1 tháng vừa qua, nhà lãnh đạo trẻ của Triều Tiên - ông  Kim Jong Un đã đưa thế giới đi hết từ bất ngờ này đến bất ngờ khác bởi phong thái ngoại giao thoải mái, bởi thái độ vui vẻ và những hành động bất ngờ, như việc ông bất ngờ mời Tổng thống Mon Jae In bước sang lãnh thổ Triều Tiên - một tình huống hoàn toàn nằm ngoài kịch bản lễ tân của Hội nghị Liên Triều; hay sự mềm mỏng trước những tuyên bố  khá nặng nề của Tổng thống Donald Trump.

Ông đã từng được tiếp xúc với hai nhà lãnh đạo cũ của Triều Tiên, ông có lẽ khá hiểu phong cách ngoại giao của họ. Vậy đâu sẽ là lý do khiến Chủ tịch Kim Jong Un thay đổi như thế?

Đại sứ Dương Chính Thức: Thái độ của Chủ tịch Kim Jong Un trong thời gian qua khiến tôi càng tin một điều này: Triều Tiên thực sự mong có hoà bình, thực sự cần hoà bình, và thực sự muốn Hội nghị Thượng đỉnh Liên Triều và Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều diễn ra.

Không phải là Hàn Quốc - vốn luôn bày tỏ thiện chí qua các kênh ngoại giao,  Triều Tiên mới là những người thực sự khát khao có được không khí hoà bình ổn định hơn cả vào thời điểm này. Vì Triều Tiên đã khó khăn về kinh tế đến mức khó còn sức để gượng lâu hơn được nữa.

Nguyên Đại sứ VN tại Triều Tiên: Dù thượng đỉnh Mỹ Triều kết thúc hoàn hảo, tôi có lẽ cũng không được thấy hai miền thống nhất - Ảnh 6.

Ảnh: Reuters

Nói gì thì nói, những năm qua dù luôn ở trong tình trạng chiến tranh với Triều Tiên, nhưng Hàn Quốc đã vươn lên từ một nước nghèo trở thành một trong những quốc gia có nền kinh tế phát triển nhất châu Á. Việc căng thẳng với Triều Tiên không phải là cản trở lớn với miền Nam.

Nhưng nếu còn căng thẳng thì ngược lại, không có cơ hội nào cho ông Kim Jong Un và cho đất nước Triều Tiên của ông để đưa Triều Tiên ra khỏi tình trạng khó khăn về kinh tế.

Hơn 20 năm qua, khi đặt mục tiêu phát triển vũ khí hạt nhân, Triều Tiên đã đi ngược lại xu hướng phi hạt nhân hoá của thế giới. Để theo đuổi mục đích này bằng mọi giá, Triều Tiên đã phải đối mặt với sự cô lập, bao vây và cấm vận từ Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, từ Mỹ, từ Hàn Quốc, từ Nhật Bản...

Khi mà tất cả các nguồn lực tập trung vào vũ khí hạt nhân, khi mà cả đất nước đều bị cấm vận, bao vây, ai cũng có thể thấy sự sa sút mỗi ngày trong đời sống của nhân dân Triều Tiên. Dù rằng bao năm qua Triều Tiên luôn cố gắng gồng lên để thể hiện rằng mình vẫn đứng vững, vẫn có thể tự lực cánh sinh và đời sống người dân vẫn ổn. Nhưng tôi nghĩ họ sống được là vì không còn cách nào, không còn lựa chọn để được sống tốt hơn.

Tôi rời Bình Nhưỡng từ năm 1996, 22 năm qua không quay lại. Nhưng rất nhiều bạn bè tôi có cơ hội sống và làm việc ở Triều Tiên sau này đều nói về sự khó khăn và sa sút mỗi ngày của nền kinh tế Triều Tiên. Con trai tôi học đại học ở Bình Nhưỡng và cũng từng có một nhiệm kỳ ngoại giao ở đây cũng nhận xét tương tự. Sự thay đổi theo hướng tiêu cực về kinh tế là điều mà những ai sống ở Triều Tiên đều có thể nhìn thấy. Là người lãnh đạo Triều Tiên, ông Kim Jong Un càng hiểu điều đó rõ hơn ai hết.

Trong những năm qua, dưới ảnh hưởng từ lệnh cấm vận của LHQ, người dân Triều Tiên phải sống dựa vào sự viện trợ từ bên ngoài rất nhiều. Tất cả các nước là thành viên của Hội đồng Bảo an LHQ đều không thể giúp Triều Tiên. Trong khi, chúng ta phải nhìn nhận một thực tế của thế giới bây giờ: Không một ai cho không ai cái gì. Bất cứ quốc gia nào cũng phải nhìn vào lợi ích của họ, vào những gì họ có thể có được khi quan hệ với một đất nước khác. Đó là lý do Triều Tiên ngày càng bị xa lánh. Bản thân Triều Tiên cũng hiểu điều đó. Lệnh cấm vận từ Mỹ và LHQ đã khiến Triều Tiên không còn đường lùi về kinh tế.

Nguyên Đại sứ VN tại Triều Tiên: Dù thượng đỉnh Mỹ Triều kết thúc hoàn hảo, tôi có lẽ cũng không được thấy hai miền thống nhất - Ảnh 7.

Cho nên việc đối thoại với Hàn Quốc, giải toả căng thẳng với Mỹ, hay việc dỡ bỏ cấm vận của cộng đồng quốc tế sẽ là cách để tạo điều kiện cho nền kinh tế Triều Tiên phát triển. Hội nghị Thượng đỉnh  Liên Triều và Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều sẽ là cơ hội không thể tốt hơn.

Cần phải lưu ý rằng, ở những kỳ Đại hội đảng trước, mục tiêu của Triều Tiên là quân sự, là vũ khí hạt nhân. Nhưng ở kỳ Đại hội đảng gần đây nhất, Triều Tiên đã nhắc đến mục tiêu kinh tế - song song với mục tiêu quân sự, và từ "kinh tế" được đặt trước từ "quân sự". Tôi hiểu điều đó có nghĩa là trọng tâm của Triều Tiên đã thay đổi. Cũng như họ đã sẵn sàng đón nhận những thay đổi.

Tô Lan Hương: Một quốc gia đã sẵn sàng phát triển vũ khí hạt nhân bằng mọi giá, đánh đổi tất cả những thứ mình có, từ kinh tế đến ngoại giao, chấp nhận đối đầu với những cường quốc mạnh nhất, ông thực sự tin rằng họ đang thay đổi mục tiêu của mình, chấp nhận từ bỏ cả chương trình vũ khí hạt nhât mà họ đã phải trả một cái giá rất đắt mới đạt được?

Đại sứ Dương Chính Thức: Tại sao lại không thể?

Đúng là thời Chủ tịch Kim Jong Il đã đặt mục tiêu phát triển vũ khí hạt nhân bằng mọi giá. Và thực tế là sau những vụ thử hạt nhân liên tiếp năm 2017, dù thế giới có muốn công nhận hay không đi chăng nữa  thì Triều Tiên cũng đã là một quốc gia hạt nhân. Họ coi như đã hoàn thành mục tiêu của mình và đã đến lúc bước sang giai đoạn khác là phát triển kinh tế.

Thật ra Triều Tiên vốn từng có tham vọng rất lớn về kinh tế. Trong thời kỳ lãnh đạo của Chủ tịch Kim Nhật Thành, ông còn có tham vọng  phát triển Triều Tiên thành một quốc gia mạnh mẽ về kinh tế, lấn át miền Nam rồi sau đó thống nhất, thu phục miền Nam bằng sức mạnh kinh tế.

Nhưng sau đó phe XHCN sụp đổ. Kinh tế Triều Tiên suy yếu đi rất nhiều. Thấy rằng mình không còn thế mạnh để phát triển kinh tế, nhưng lại cần một quân bài để phòng thủ đất nước và tạo vị thế cho mình với quốc tế, đó là lý do Triều Tiên chọn vũ khí hạt nhân.

Nguyên Đại sứ VN tại Triều Tiên: Dù thượng đỉnh Mỹ Triều kết thúc hoàn hảo, tôi có lẽ cũng không được thấy hai miền thống nhất - Ảnh 8.

Nếu thành công, ông Kim Jong Un sẽ tạo được một dấu ấn hoàn toàn khác so với cha và ông nội mình. (Ảnh: Reuters)

Bản thân Nhà lãnh đạo Kim Jong Un có lẽ cũng có áp lực với việc sẽ phải thể hiện thế nào để thoát khỏi cái bóng của cha và ông nội. Một người là lãnh tụ lập ra đất nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, một người đã đưa Triều Tiên trở thành quốc gia hạt nhân, thế thì ông Kim Jong Un - nếu muốn tạo dấu ấn về vai lãnh đạo của mình trong lịch sử đất nước - có lẽ sẽ không có lựa chọn nào tốt hơn là đưa Triều Tiên thoát khỏi sự bao vây, cấm vận về kinh tế, biến Triều Tiên thành một quốc gia vừa giàu có, vừa hùng mạnh về quân sự.

Nếu thành công, ông Kim Jong Un sẽ tạo được một dấu ấn hoàn toàn khác so với cha và ông nội mình.

Hơn nữa, cứ cho rằng trong tình huống xấu nào đó nếu như các bên không thực hiện cam kết, thì Triều Tiên với những kỹ thuật hạt nhân đã tích luỹ sẽ có thể dễ dàng quay trở lại chương trình hạt nhân của mình. Họ không thực sự đánh đổi quá nhiều trong chuyện này như nhiều người nhầm tưởng.

Nguyên Đại sứ VN tại Triều Tiên: Dù thượng đỉnh Mỹ Triều kết thúc hoàn hảo, tôi có lẽ cũng không được thấy hai miền thống nhất - Ảnh 9.

Tô Lan Hương: Liên tiếp hai Hội nghị Thượng đỉnh Liên Triều và Mỹ - Triều diễn ra trong chưa đầy 2 tháng, nhiều nhà quan sát về Đông Bắc Á cho rằng hai cuộc gặp này sẽ là bước ngoặt lịch sử với bán đảo Triều Tiên, là cơ hội để hai miền thống nhất...

Đại sứ Dương Chính Thức: Dĩ nhiên cả thế giới đều đặt nhiều hy vọng vào kết quả của hai cuộc gặp này, nhưng vẫn phải tỉnh táo phân tích để thấy rằng sẽ cần có những điều kiện nhất định, những chất xúc tác cũng như sự thiện chí hơn nữa từ cả hai bên thì những thoả thuận mà Triều Tiên và Hàn Quốc đã đạt được ở Bàn Môn Điếm tháng 4 vừa qua mới trở thành thực tế, chứ không phải là những giấc mơ trên giấy của người dân hai miền Triều Tiên như những lần trước.

Đây là lần thứ 3 diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều. Hai lần trước, những thoả thuận tương tự cũng đã đạt được, nhưng cuối cùng đều không đi đến đâu.

Lần này thì như tôi nói lúc nãy, tôi tin rằng Triều Tiên cần thay đổi. Việc nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un bất ngờ mời Tổng thống Hàn Quốc bước sang lãnh thổ Triều Tiên rồi sau đó cùng nắm tay nhau vào Bàn Môn Điếm đã thể hiện thông điệp của Triều Tiên: Họ đã sẵn sàng cho sự thay đổi ấy.

Nguyên Đại sứ VN tại Triều Tiên: Dù thượng đỉnh Mỹ Triều kết thúc hoàn hảo, tôi có lẽ cũng không được thấy hai miền thống nhất - Ảnh 10.

Cuộc gặp gỡ lịch sử giữa 2 nhà lãnh đạo Kim Jong Un và Moon Jae-in (Ảnh: Reuters)

Nhưng tất cả những thoả thuận, cam kết mà Hội nghị Thượng đỉnh Liên Triều đã đạt được sẽ chỉ được thực hiện nếu như Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều thành công và hai bên thống nhất được ở những điểm quan trọng nhất.

Vì vậy, dù  Hội nghị Thượng đỉnh Liên Triều là hội nghị có tính biểu tượng cao, đem lại nhiều cảm xúc và ấn tượng tốt đẹp nhưng Thượng đỉnh Mỹ-Triều, về một khía cạnh nào đó, lại có tầm quan trọng hơn rất nhiều cho các vấn đề của bán đảo Triều Tiên.

Vì sao tôi nói như vậy?

Vì kể cả khi đã đạt được những thoả thuận rất tích cực trong Hội nghị Thượng đỉnh Liên Triều và mong muốn cụ thể nó bằng hành động, bán đảo Triều Tiên vẫn còn một vấn đề quan trọng cần giải quyết đó là lệnh trừng phạt, cấm vận của LHQ.

Nếu LHQ và Mỹ không xoá bỏ cấm vận, thì Hàn Quốc cũng không thể bày tỏ thiện chí với Triều Tiên như đã thoả thuận nếu không muốn vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an. Và Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều sẽ phải giải quyết bài toán đó. Nếu bài toán đó không có đáp số, thì cũng không có đáp số cho bất cứ bài toán nào khác ở bán đảo Triều Tiên.

Tô Lan Hương: Và đó có phải một bài toán khó...

Đại sứ Dương Chính Thức: Một bài toán khó nhưng không phải không giải được nếu như tất cả các bên cùng cố gắng.

Nguyên Đại sứ VN tại Triều Tiên: Dù thượng đỉnh Mỹ Triều kết thúc hoàn hảo, tôi có lẽ cũng không được thấy hai miền thống nhất - Ảnh 11.

Cái khó nhất của Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều, theo tôi chính là vấn đề lòng tin mà các bên dành cho nhau.

Mục đích của Mỹ và Triều Tiên khi đến với Hội nghị Thượng đỉnh lần này rất khác nhau. Mỹ muốn cuộc gặp này giải quyết được vấn đề vũ khí hạt nhân, thực hiện được phi hạt nhân hoá trên bán đảo Triều Tiên, để Triều Tiên không còn là một mối đe doạ về hạt nhân với Mỹ. Và khi đạt được thoả thuận đó, thì Mỹ mới chấp nhận xoá bỏ lệnh trừng phạt với Triều Tiên. Còn Triều Tiên thì muốn được gỡ bỏ lệnh cấm vận  từ Mỹ và LHQ.

Vì mục đích khác nhau như thế, cuộc đàm phán này sẽ chỉ có kết quả thực sự khi và chỉ khi nó đáp ứng được mong muốn và yêu cầu của các bên:

Thứ nhất, Mỹ đạt được mục đích phi hạt nhân hoá. Triều Tiên sẽ phải chấp nhận huỷ bỏ hoàn toàn, huỷ bỏ có kiểm chứng vũ khí hạt nhân.

Thứ hai, Mỹ phải cam kết không đe doạ và dỡ bỏ các lệnh trừng phạt. Và khi Mỹ dỡ bỏ trừng phạt thì LHQ cũng phải dỡ bỏ lệnh trừng phạt.

Nhưng vấn đề của hai bên chính là, Mỹ sẽ nghi ngờ về cam kết huỷ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, còn Triều Tiên thì lo sợ nếu không có vũ khí hạt nhân, họ không còn gì để làm đối trọng với Mỹ trong tình huống xấu.

Trong một cuộc gặp như này, cái mà hai bên cần là lòng tin. Và muốn có được lòng tin đó khi hai bên không có thế mạnh ngang nhau, thì nước nào mạnh hơn nên là nước dang tay ra trước. Theo thông lệ, kẻ mạnh hơn chính là kẻ nên làm việc đó,  trong trường hợp này, kẻ đó chính là Mỹ.

Thật ra, khi bước vào Hội nghị Thượng đỉnh lần này, thứ mà Triều Tiên có chỉ là sự thiện chí. Họ không có một điều gì để có thể ngang bằng, bình đẳng với Mỹ trên bàn đàm phán. Nhưng Mỹ sẽ phải có niềm tin vào thiện chí với Triều Tiên.  Căn cứ vào những thông điệp ngoại giao mà Triều Tiên đưa ra trong thời gian qua, niềm tin đó hoàn toàn có cơ sở.

Nguyên Đại sứ VN tại Triều Tiên: Dù thượng đỉnh Mỹ Triều kết thúc hoàn hảo, tôi có lẽ cũng không được thấy hai miền thống nhất - Ảnh 12.

Tô Lan Hương: Thượng đỉnh Liên Triều đã thành công, Thượng đỉnh Mỹ - Triều sắp diễn ra trong một, hai ngày tới, và trong suốt hơn một tháng qua, người ta nói rất nhiều về tương lai thống nhất của bán đảo Triều Tiên. Ông có nghĩ rằng tương lai đó sẽ đến chỉ sau hai cuộc gặp? Và nếu có, thì liệu đó có phải là tương lai gần như sự lạc quan của không ít người?

Đại sứ Dương Chính Thức: Việc thống nhất đất nước là mong muốn của toàn thể nhân dân hai miền Nam - Bắc Triều Tiên trong nhiều chục năm qua. Nhưng thống nhất khi nào, thống nhất bằng cách nào lại là chuyện khác. Người Hàn Quốc và người Triều Tiên ý thức rất rõ việc này.

Từ thời ông Kim Nhật Thành còn làm Chủ tịch đã rất nhiều lần nêu ra chuyện thống nhất. Thống nhất hai miền luôn là khát vọng của Chủ tịch Kim Nhật Thành. Rất nhiều lần khát vọng đó được thể hiện bằng hành động!

Năm 1950, Chủ tịch Nhật Thành phát động chiến tranh với hy vọng thống nhất hoàn toàn bán đảo Liên Triều. Kim Nhật Thành thực ra đã suýt làm được việc đó. Chỉ trong một thời gian ngắn, quân đội của ông Kim Nhật Thành đã chiếm được hầu hết lãnh thổ miền Nam, chỉ còn khu vực Busan, cho đến khi Mỹ can thiệp, đánh bật Triều Tiên trở lại miền Bắc và cuối cùng phân chia ranh giới hai miền như bây giờ.

Nguyên Đại sứ VN tại Triều Tiên: Dù thượng đỉnh Mỹ Triều kết thúc hoàn hảo, tôi có lẽ cũng không được thấy hai miền thống nhất - Ảnh 13.

Đại sứ Dương Chính Thức. Ảnh: Tiến Tuấn.

Thời kỳ chiến tranh chống Mỹ ở Việt Nam, Triều Tiên từng định áp dụng chiến lược chiến tranh như ở Việt Nam. Năm 1967-1968, Triều Tiên đã  đã  đào đường hầm xuyên từ miền Bắc vào miền Nam để tấn công Hàn Quốc nhưng cũng không thành. Vì đặc điểm của  bán đảo Triều Tiên khác với Việt Nam, nên cuối cùng tất cả những nỗ lực đó của Triều Tiên đều không thành.

Sau năm 1970, Triều Tiên đã thay đổi chiến lược. Đến giờ này hai miền mới có 3 cuộc gặp thượng đỉnh. Nhưng những cuộc gặp cấp cao thì đã là lần thứ 4. Vì thực tế là năm 1972, Chủ tịch Kim Nhật Thành đã cử người em trai ruột của mình xuống phía Nam để đàm phán với người đại diện miền Nam do Tổng thống Park Chung Hee cử. Lúc đó hai bên đã ký được một tuyên bố chung Nam Bắc năm 1972, tính đến chuyện thành lập một Nhà nước liên bang với hai chế độ.

Cũng có những thời điểm, Chủ tịch Kim Nhật Thành muốn biến miền Bắc trở thành một quốc gia hùng mạnh về kinh tế để dùng sức mạnh kinh tế thống nhất miền Nam.

Tôi kể ra tất cả các sự kiện trên để thấy rằng khát vọng thống nhất luôn tồn tại trong mọi con người ở hai miền Nam - Bắc Triều Tiên.

Những cuộc gặp Thượng đỉnh giữa hai miền đều bàn đến câu chuyện thống nhất. Hội nghị Thượng đỉnh Liên Triều tháng 4/2018 lại một lần nữa nhắc tới vấn đề đó.

Nghĩa là nguyện vọng thống nhất thì vẫn còn, luôn luôn còn. Hình thức thống nhất thì chưa rõ. Nhưng đến bao giờ  thống nhất thì không ai biết được.Và tôi có thể chắc chắn một điều, đó nhất định không phải là câu chuyện của tương lai gần.

Nguyên Đại sứ VN tại Triều Tiên: Dù thượng đỉnh Mỹ Triều kết thúc hoàn hảo, tôi có lẽ cũng không được thấy hai miền thống nhất - Ảnh 14.

Nói về câu chuyện thống nhất, thời kỳ tôi sang Hàn Quốc, tiếp xúc với người dân Hàn Quốc, người Hàn Quốc nói rằng: Chúng tôi cũng muốn thống nhất, muốn sống hoà bình, vui vẻ với nhau, nhưng ngược lại chúng tôi cũng không muốn đánh đổi cuộc sống hoà bình, sung túc này, để lấy một cuộc sống khổ sở hơn khi hai miền thống nhất. Bởi như vậy thống nhất như thế là vô nghĩa.

Thành ra, khi hai miền còn khác nhau về trình độ phát triển kinh tế - văn hoá, khi khoảng cách phát triển giữa hai nước cách biệt đến mức đó, thì không thể thống nhất được vì bây giờ nếu thống nhất thì Triều Tiên sẽ là gánh nặng lớn của Hàn Quốc. Mà câu chuyện đó không thể chỉ là câu chuyện của một vài năm, mà sẽ là câu chuyện của nhiều chục năm.

Tô Lan Hương: Với kinh nghiệm của ông, với sự hiểu biết của ông về bán đảo Triều Tiên, ông nghĩ đâu sẽ là "kịch bản" thống nhất khả dĩ nhất và dễ xảy ra nhất - nếu có - cho hai miền Triều Tiên? Liệu kịch bản đó có giống với kịch bản của hai miền Nam - Bắc Việt Nam, hay hai vùng Đông Đức - Tây Đức, hay sẽ là một kịch bản khác phù hợp nhất cho bán đảo Triều Tiên?

Đại sứ Dương Chính Thức: Thống nhất theo mô hình của Việt Nam chắc có lẽ sẽ cực kì khó xảy ra, bởi bối cảnh tình hình quốc tế bây giờ đã rất khác. Đặc điểm của bán đảo Triều Tiên và Việt Nam cũng khác nhau.

Kịch bản thống nhất của Đông Đức và Tây Đức cũng rất khó. Vì Đông Đức và Tây Đức thống nhất trong thời gian rất nhanh. Mà trước khi nước Đức thống nhất,  Đông Đức vốn là quốc gia khá phát triển về khoa học kỹ thuật, sự phát triển của hai miền nước Đức không chênh lệnh nhau quá nhiều. Tuy nhiên sau khi thống nhất, Đông Đức vẫn tạo ra một gánh nặng lớn cho Tây Đức. Nên bây giờ, nếu hai miền Triều Tiên áp dụng cách thống nhất của nước Đức cũng cực kỳ khó. Nên Hàn Quốc và Triều Tiên, nếu có thống nhất  sẽ thống nhất theo một kịch bản khác.

Có thể sẽ vẫn là thống nhất trong hoà bình như nước Đức, nhưng tốc độ thì không thể thần tốc như thế. Sẽ cần một quá trình dài,  để hai miền Triều Tiên xóa bỏ dần sự chênh lêch trong phát triển kinh tế, sự khác biệt trong văn hoá sau nhiều chục năm chia cách.  Đến lúc đó, việc thống nhất mới dễ dàng thực hiện được.

Với tôi, kịch bản hợp lý nhất cho hai miền Nam - Bắc Triều Tiên là:

-Giảm bớt và đi đến chấm dứt những đối đầu về quân sự.

-Tăng cường giao lưu hợp tác về kinh tế, sau đó là về văn hoá để giảm độ vênh giữa hai miền.

-Về chính trị, có lẽ phải chấp nhận tôn trọng thực thể hai nhà nước, hai chế độ như hiện nay. Bởi sẽ rất khó có kịch bản hai quốc gia này thống nhất dưới cùng một chế độ.

Dù thế nào, đó không thể là câu chuyện của tương lai gần. Như tôi, một người yêu bán đảo Triều Tiên tha thiết, luôn mong đến ngày hai miền thống nhất, nhưng đến tuổi này, tôi cũng không đủ lạc quan để nuôi hy vọng mình sẽ được nhìn thấy ngày đó, dù cho Hội nghị Thượng đỉnh Liên Triều và Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều có kết thúc hoàn hảo thế nào đi chăng nữa.  

Cảm ơn Đại sứ về cuộc trò chuyện này!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại