Người dân khốn đốn
Ngày 1/4 vừa qua, phát biểu trước Quốc hội, ông Huỳnh Thành, ĐBQH tỉnh Gia Lai cho rằng, Thủy điện An Khê - Ka Nak là “công trình sai lầm thế kỷ”, hủy hoại môi trường; gây hạn hán và ngập lụt nghiêm trọng, ảnh hưởng đến hàng triệu người ở hai tỉnh Gia Lai và Phú Yên.
Trao đổi với chúng tôi, ông Ksor Phước, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư tỉnh ủy Gia Lai cho biết, đúng là từ khi công trình thủy điện An Khê - Ka Nak đi vào hoạt động đã khiến cho người dân phía hạ lưu của Gia Lai khốn đốn.
Thủy điện An Khê - Kanak. Ảnh: VTV
Cụ thể, từ khi công trình này được xây dựng, nước của dòng sông Ba chảy qua Gia Lai đã bị chặn để chuyển về dòng sông Côn (Bình Định).
Việc chuyển dòng nước từ sông Ba sang sông Côn đã khiến cho phía hạ lưu sông Ba vào mỗi mùa khô bị cạn kiệt, ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân phía hạ lưu. Còn vào mùa mưa lũ thì người dân sống trong sự nơm nớp lo sợ thủy điện xả lũ bất ngờ.
Theo ông Phước, trong giai đoạn ông làm Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai trước năm 2002, đã có đề xuất về việc xây dựng công trình thủy điện này, tuy nhiên, ông cũng như các lãnh đạo tỉnh lúc đó không đồng ý.
"Tuy nhiên, sau này, tôi ra Trung ương công tác (từ 2002, ông Phước ra Trung ương được phê chuẩn làm Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc của Chính phủ - PV) thì không hiểu vì lý do gì lãnh đạo tỉnh khi đó lại ký đồng ý cho việc xây công trình này", ông Phước nói.
Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai cũng nêu rõ, với những hệ lụy nghiêm trọng của công trình này gây ra thì cần có sự khắc phục nhanh chóng kịp thời mà ở đây theo ông, trước hết, phải giảm diện tích hồ chứa nước của thủy điện xuống.
"Nếu cứ tăng xả nước như hiện nay thì chỉ là xả về phía Bình Định chứ không phải về cho Ayun Pa của Gia Lai. Ở đây, tôi cho rằng cần giảm chiều cao của mặt đập hồ tích nước ở phía Bình Định để nước có thể chảy tự nhiên được.
Khi nước chảy tự nhiên được thì không lo tình trạng hạn hán như hiện nay. Còn chắc chắc điều này sẽ khiến giảm hiệu quả kinh tế của thủy điện nhưng theo tôi cần phải làm để giảm bớt hệ quả xấu đến người dân", ông Phước nêu rõ.
Hậu quả nhiều năm
Ông Huỳnh Thành, Phó đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai cũng cho hay, những hệ lụy của "công trình sai lầm thế kỷ" này đã kéo dài nhiều năm nay.
Nhưng năm nay thì khốc liệt hơn do hiện tượng El nino, thể hiện quá sức chịu đựng của đồng bào, nhiều bữa nay không có nước.
Ông Thành cũng cho biết, khi nhà máy bắt đầu ngăn dòng, dưới hạ lưu nhà máy không có nước nên đã kiến nghị nhà máy phải trả nước xuống để có dòng nước chảy dưới hạ nguồn.
Nhưng do lợi ích phát điện nên có khi người ta xả, có khi không nên gây ra bức xúc liên tục và năm nào cũng vậy.
Rắc rối đầu tiên là khi xây dựng công trình chuyển hẳn nước về sông Côn (Bình Định) mà trên thế giới không có nước nào chuyển nước hết; không có nước nào dám chặn thẳng dòng sông này chuyển qua dòng sông khác đâu.
Chỉ có Việt Nam mình là làm thế này, gây hậu quả lâu dài nhiều năm sau không khắc phục được.
"Việc xây dựng Thủy điện An Khê – Ka Nak đã chuyển hướng một dòng sông lớn đang nuôi sống hàng triệu dân như vậy trên thế giới không bao giờ có.
Trong khi chỉ cần công trình có tác động đến trăm nghìn người dân đã phải chú ý, chưa nói đến hàng triệu dân. Từ đó mà tôi nói đó là sai lầm. Từ sai lầm này đã dẫn đến phải chạy theo giải quyết hậu quả”, ông Thành nói rõ.
Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam báo cáo về tình hình xây dựng, vận hành Hồ chứa thủy điện An Khê - Kanak thời gian vừa qua.
Từ đó, đề xuất giải pháp để bảo đảm nguồn nước phục vụ cuộc sống nhân dân vùng hạ lưu sông Ba (thuộc tỉnh Gia Lai và Phú Yên) và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/4/2016./.