Nguy cơ thương vụ S-400 giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đổ vỡ

Mai Nguyên |

Thương vụ vũ khí hệ thống phòng không S-400 giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đang đứng trước nguy cơ “đổ bể” sau những tuyên bố “nước đôi” của Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu trong chuyến thăm Mỹ gần đây về các lựa chọn khác nhau của Ankara…

Tới Washington, ông Mevlut Cavusoglu tuyên bố Ankara sẵn sàng mua hệ thống phòng không Patriot của Mỹ và rằng nếu Lầu Năm Góc cung cấp hệ thống tên lửa phòng không mới nhất này cho Thổ Nhĩ Kỳ, Ankara sẽ không mua S-400 của Nga. Với tuyên bố này, giới chuyên gia Nga cũng không dám chắc chắn hoàn toàn thương vụ S-400 Nga-Thổ sẽ được thực hiện.

Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đã đạt được thỏa thuận về S-400 vào tháng 12 năm ngoái. Theo đó, việc chuyển giao hệ thống phòng không hiện đại này sẽ bắt đầu từ năm 2020. Tuy nhiên, sau các cuộc thảo luận giữa hai bên, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết, Moscow sẵn sàng đẩy nhanh quá trình sản xuất và chuyển giao S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Vậy nhưng việc thực thi thỏa thuận này không đơn giản do vấp phải sự cản trở của Mỹ. Bộ Ngoại giao Mỹ đã khuyến cáo Thổ Nhĩ Kỳ rằng, cần tính tới các rủi ro khi có những nhượng bộ chiến lược với Moscow. Bộ này còn đe dọa thỏa thuận (S-400) với Nga có thể khiến Mỹ phải áp đặt lệnh trừng phạt lên chính đồng minh là Thổ Nhĩ Kỳ.

Một trong các biện pháp mà Washington cân nhắc đó là khả năng ngừng việc bán vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ. Ý định này được các nhà lập pháp tại Hạ viện Mỹ đề xuất trong dự thảo Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng quốc gia.

Dự thảo yêu cầu Bộ Quốc phòng Mỹ cung cấp cho Quốc hội bản báo cáo về mối quan hệ giữa Washington và Ankara. Trong thời gian chờ đợi bản báo cáo hoàn thành, Mỹ sẽ tạm thời chặn việc bán các trang bị quốc phòng quan trọng cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Đề xuất trên đang khiến kế hoạch của Thổ Nhĩ Kỳ mua hơn 100 chiếc máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ gặp khó khăn. Ý định của Thổ Nhĩ Kỳ mua các tên lửa Patriot của Mỹ cũng gặp rào cản tương tự.

Trên thực tế, theo các điều khoản của Đạo luật chống đối thủ của Mỹ thông qua cấm vận (CAATSA), với việc mua vũ khí từ Moscow, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải chịu lệnh trừng phạt của Washington.

Tuy nhiên, bất chấp những đe dọa từ Washington và những rạn nứt trong khối NATO mà Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên, Ankara đã tỏ ra quyết tâm thực hiện bằng được hợp đồng trị giá 2,5 tỷ USD mua S-400 của Nga.

Thổ Nhĩ Kỳ còn tuyên bố sẽ đáp trả nếu Mỹ ngừng bán vũ khí cho nước này vì quyết định của Ankara mua vũ khí từ Nga.

Mới đây nhất, đáp lại kế hoạch của Mỹ nhằm ngăn chặn việc bán F-35 của Ankara, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan còn khuyến cáo đồng minh Washington nên hành xử giống như một đối tác chiến lược hơn là đặt ra các rào cản pháp lý cho các giao dịch vũ khí của Thổ Nhĩ Kỳ.

Trước đó, trên kênh truyền hình CNN Turk, Ngoại trưởng Mevlut Cavusoglu tuyên bố "điều Mỹ cần làm là bỏ qua chuyện này".

"Thổ Nhĩ Kỳ là đất nước độc lập… Nói chuyện với một quốc gia như vậy với tư cách bề trên, quyết định những gì chúng tôi có thể và không thể mua không phải là một cách tiếp cận đúng đắn và không phù hợp với liên minh của chúng tôi", ông Mevlut Cavusoglu nhấn mạnh, đề cập tới thực tế cả Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ đều là thành viên của NATO.

Nhưng theo giới phân tích đánh giá, động thái cứng rắn của Thổ Nhĩ Kỳ là nhằm gây sức ép để Washington tiếp tục bán vũ khí cho mình và buộc Mỹ phải nhượng bộ trong một số vấn đề khác.

Theo ông Semyon Bagdasarov, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Trung Đông và Trung Á, trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ đang cần giải quyết "vấn đề người Kurd", hợp đồng S-400 có thể là một trong những "công cụ" để Ankara ép buộc người Mỹ không ủng hộ lực lượng dân quân người Kurd nữa.

Chuyên gia này còn dự báo khả năng, ngay sau khi Thổ Nhĩ Kỳ giành được điều mình mong muốn, trước mắt là biên giới Syria không có người Kurd, Ankara sẽ hủy hợp đồng S-400.

Trong khi đó, các chuyên gia quân sự cho rằng, hợp đồng S-400 mang bản chất chính trị. Vì xét về mặt kỹ thuật quân sự, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu đã bị phụ thuộc vào công nghệ quân sự phương Tây và việc chuyển sang một hệ thống mới, một tư duy quân sự mới sẽ là một bước phát triển không hợp lý.

Tuy nhiên, cũng cần phải tính tới khả năng Ankara đang muốn thoát dần khỏi sự phụ thuộc bó buộc nói trên và đang tìm cách đa dạng hóa kho vũ khí của mình để cải thiện năng lực quốc phòng. Trong nỗ lực đó, Nga được coi sẽ là một trong những đối tác phù hợp với Ankara.

Không chỉ thương vụ S-400 của Nga với Thổ Nhĩ Kỳ bị Mỹ cản trở. Hiện kế hoạch mua S-400 của Ấn Độ và Qatar cũng đang gặp khó khăn do sức ép tương tự từ Mỹ.

Kế hoạch mua S-400 của Ấn Độ được cho là sẽ gây rủi ro cho thỏa thuận mà nước này đã có với Mỹ về việc chuyển giao các máy bay không người lái Predator. Trong khi đó, Qatar cũng đã nhận được những cảnh báo cứng rắn từ nước láng giềng Arab Saudi, một đồng minh của Mỹ ở khu vực, về ý định của nước này mua S-400.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại