Nguy cơ sốc nhiệt của nhân viên y tế mặc quần áo bảo hộ

K.Chi |

Những ngày qua khu vực Bắc Bộ nắng nóng, nhân viên y tế trên cả nước đang thực hiện công tác chống dịch Covid-19 ngoài áp lực công việc thì nỗi ám ảnh nhất với họ là mặc trên người những bộ quần áo phòng hộ.

Quá trình lấy mẫu ngoài trời có thời điểm nhiệt độ lên tới hơn 40 độ C khiến đội ngũ nhân viên y tế gặp rất nhiều khó khăn.

Điều dưỡng Nguyễn Văn Quyền – Bệnh viện Đại học Y Hà Nội chia sẻ đoàn hỗ trợ của BV Đại học Y Hà Nội lấy mẫu tại khu vực Yên Phong, Bắc Giang. Dù công tác dập dịch cần nhanh chóng nhưng thực sự thời tiết quá nóng bức nên nhân viên y tế rất mệt, nhiều nhân viên kiệt sức. Anh Quyền cho biết hiện mọi người có kế hoạch thực hiện luân phiên để nhân viên y tế có thể nghỉ ngơi một chút.

Anh Quyền cho biết nhân viên y tế làm việc khi thời tiết nắng nóng, cộng thêm bốc hơi của mặt sân bê tông, trời nóng quần áo bảo hộ không tỏa nhiệt khiến mặt ai cũng lấm tấm, quần áo ướt sũng dẫn tới nhiều người sốc nhiệt chóng mặt, mất nước, khó thở. Nhiều người tự nhủ cố gắng lấy hết được số mẫu cần và vượt qua khó khăn của thời tiết này.

Nguy cơ sốc nhiệt của nhân viên y tế mặc quần áo bảo hộ - Ảnh 1.

Hình ảnh nhân viên lấy mẫu xét nghiệm tại Bắc Ninh.


Nhiều nhân viên y tế tâm sự khi thực hiện lấy mẫu dưới cái nắng của mùa hè mồ hôi túa ra chảy xuống cay mắt nhưng lại không thể đưa tay lên lau mồ hôi, cũng chẳng dám thở mạnh vì sẽ bị mờ cặp kính cận. Có cả những vết hằn trên khuôn mặt vì đeo khẩu trang trong nhiều giờ liền và phải mất 3-4 tiếng sau mới hết.

Nguyễn Thị Hoài, TTYT huyện Thuận Thành, Bắc Ninh - minh chứng cho những ngày dài lăn lộn trên từng chiến tuyến chống dịch.

Hoài tâm sự, do bị ngâm trong mồ hôi nhiều giờ mà không được giải phóng nên đến đêm về khi cởi đồ bảo hộ ra chân em trợt loét, sũng nước. Đau, rát lắm nhưng em quấn tạm rồi sáng mai lại đứng dạy đi lấy mẫu tiếp.

PGS. TS. Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng y tế công cộng khẩn cấp chia sẻ, rất nhiều các cán bộ y tế đang thực hiện chống dịch cả ngoài cộng đồng và khu cách ly. PGS Phu cho biết theo quy định khi tiếp xúc trực tiếp với nguồn có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh truyền nhiễm nói chung, và Covid-19 nói riêng, nhân viên y tế cần phải được trang bị đồ bảo hộ để đảm bảo phòng tránh lây nhiễm.

Nguy cơ sốc nhiệt của nhân viên y tế mặc quần áo bảo hộ - Ảnh 2.

Nhân viên y tế sốc nhiệt ngất xỉu.


Nhưng PGS Phu cho biết với tình hình thời tiết nắng nóng khắc nghiệt như hiện nay, để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân viên y tế, cần thiết điều phối lại thời gian làm việc như rút ngắn, hoặc tránh làm vào những thời điểm quá nắng nóng; đồng thời với những nhân viên y tế nếu cảm thấy sức khỏe không tốt nên tạm ngưng, phục hồi sức khỏe rồi tiếp tục công việc, không nên quá gắng sức, có hại cho sức khỏe”.

PGS.TS. Nguyễn Huy Nga, nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế cũng cho biết, nhân viên y tế làm việc cũng cần khoa học, hợp lý, như trong điều kiện nắng nóng cần bố trí nhiều nhân lực hơn để thay đổi nhau trong ca làm việc nhất là khi chống dịch ngoài trời (đến ổ dịch để lấy mẫu, xử lý ổ dịch, điều tra truy vết ca lây nhiễm trong cộng đồng).

Cũng theo ông Nga, với những nhân viên y tế có nhiệm vụ lấy mẫu xét nghiệm, làm trong không gian thoáng, ngoài trời, không phải trong các phòng kín thì không nhất thiết phải mặc các bộ đồ bảo hộ như hiện tại.

Khi thấy người có biểu hiện sốc nhiệt, tốt nhất nên nhanh chóng sơ cứu cho nạn nhân bằng cách:

Chuyển ngay nạn nhân vào nơi râm mát để ngồi nghỉ, nới lỏng quần áo. Sau đó cần tìm nước mát, đổ lên đầu, vẩy nước lên người nạn nhân.

Chườm lạnh bằng khăn mát hoặc khăn đá ở những vị trí có mạch lớn như nách, cổ, bẹn.

Cho nạn nhân uống nước có pha muối.

Nếu nạn nhân hôn mê, không uống được, nôn, sốt cao liên tục kèm theo đau bụng, đau ngực, khó thở, cần nhanh chóng đưa tới cơ sở y tế gần nhất.

Nguy cơ sốc nhiệt của nhân viên y tế mặc quần áo bảo hộ - Ảnh 5.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại