Thổ Nhĩ Kỳ ngày 27/8 đã điều thêm 6 xe tăng vào lãnh thổ Syria trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường chiến dịch quân sự nhằm vào nhóm "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng cũng như các tay súng người Kurd tại miền Bắc Syria.
Theo Hãng tin AP, sau khi đoàn xe tăng của Thổ Nhĩ Kỳ tiến vào Syria, nhiều nhân chứng nghe thấy những tiếng nổ lác đác ở khu vực biên giới.
Trước đó, truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ cũng đưa tin trong chiến dịch mang tên "Lá chắn sông Euphrates" nhằm truy quét các phần tử nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại khu vực biên giới, các lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa 50 xe tăng và 380 quân nhân trên thực địa ở Syria sau ba ngày thực hiện chiến dịch.
Ngoài ra, nhật báo Sabah của Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin các máy bay chiến đấu của nước này hôm qua đã tấn công các tay súng thuộc Đơn vị tự vệ nhân dân người Kurd (YPG) ở khu vực cách thị trấn biên giới Jarablus 8km về phía Nam.
Theo phía Thổ Nhĩ Kỳ, cuộc đụng độ với các tay súng thuộc Đơn vị tự vệ nhân dân người Kurd (YPG) vào ngày 27/8 đã khiến 1 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng và 3 người khác bị thương.
Binh sĩ và xe tăng Thổ Nhĩ Kỳ tập kết về biên giới Syria ngày 27/8. (Ảnh: AFP).
Trong khi đó, Đơn vị tự vệ nhân dân người Kurd tuyên bố các tay súng của nhóm đã chạm trán với quân đội Thổ Nhĩ Kỳ ở phía Nam thị trấn biên giới Jarablus nhưng không công bố số lượng thương vong sau cuộc giao tranh.
Trước đó, ngày, 24/8, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã khởi động chiến dịch "Lá chắn sông Euphrates", điều động xe tăng và lực lượng đặc nhiệm tới chiến đấu cùng phe đối lập Syria thân Thổ Nhĩ Kỳ để giành lại thị trấn Jarablus từ tay nhóm Nhà nước Hồi giáo.
Theo Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim, chiến dịch "Lá chắn sông Euphrates" nhằm đảm bảo an ninh biên giới của Thổ Nhĩ Kỳ trước nhóm Nhà nước Hồi giáo và đẩy lùi các đơn vị tự vệ nhân dân người Kurd khỏi khu vực biên giới.
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim nói: "Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không tha thứ cho bất kỳ thực thể của người Cuộc tại khu vực biên giới. Chúng tôi coi đây là một mối đe dọa lớn đối với an ninh quốc gia của chúng tôi".
Các chuyên gia cho rằng, chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ không hẳn nhằm trực tiếp vào nhóm Nhà nước Hồi giáo mà là để ngăn chặn bước tiến của lực lượng người Kurd tại Syria, vốn đang kiểm soát các vùng lãnh thổ rộng lớn dọc biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo các nhà phân tích, quyết định gửi quân tới Syria của Thổ Nhĩ Kỳ là nỗ lực cuối cùng nhằm ngăn chặn cơn ác mộng tồi tệ nhất của họ thành hiện thực, đó là nguy cơ một khu tự trị của người Kurd ở Syria được thành lập.
Thổ Nhĩ Kỳ coi Đơn vị tự vệ nhân dân người Kurd (YPG) là một nhánh của Đảng Công nhân người Kurd (PKK), vốn bị Thổ Nhĩ Kỳ cho là tổ chức khủng bố. Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu cũng cảnh báo rằng họ sẽ phản đối việc thiết lập khu tự trị người Kurd ở phía Bắc Syria.
Người Kurd chiếm khoảng 15% dân số Syria, đã né tránh đứng về phe chính phủ hay phe nổi dậy Syria kể từ khi cuộc xung đột ở quốc gia này bùng nổ hồi tháng 3/2011.
Thay vào đó, họ tập trung xây dựng các thể chế bán tự trị và đến tháng 3/2016 tuyên bố thành lập "khu vực liên bang" gồm "3 bang" ở phía Bắc và Đông Bắc Syria.
Được sự hậu thuẫn của liên minh chống nhóm Nhà nước Hồi giáo do Mỹ dẫn đầu, Đơn vị tự vệ nhân dân người Kurd đã chiến đấu chống lại tổ chức thánh chiến này để giành quyền kiểm soát khoảng 18% lãnh thổ Syria, nơi sinh sống của khoảng 2 triệu người và 60% trong số đó là người Kurd.
Tuy nhiên, 2 trong số 3 "bang" của người Kurd vẫn bị chia tách khỏi bang còn lại bởi vùng lãnh thổ do nhóm Nhà nước Hồi giáo kiểm soát và Thổ Nhĩ Kỳ đã cảnh báo rằng họ sẽ không cho phép Đơn vị tự vệ nhân dân người Kurd đạt được bước tiến nhằm thiết lập một khu tự trị gồm các thị trấn liền kề.
Chính vì thế các cuộc không kích và tấn công bộ binh của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vào nhóm Nhà nước Hồi giáo có thể thực chất là nhằm ngăn chặn người Kurd chiếm thị trấn Al-Bab do nhóm Nhà nước Hồi giáo chiếm đóng để kết nối 2 "bang" Kobane và Afrin của họ.
Điều trớ trêu là Đơn vị tự vệ nhân dân người Kurd đang được Mỹ hậu thuẫn và là một trong những lực lượng chống nhóm Nhà nước Hồi giáo tại Syria hiệu quả nhất.
Trái lại, Thổ Nhĩ Kỳ - đồng minh của Mỹ trong NATO - xem Đơn vị tự vệ nhân dân người Kurd là nhóm khủng bố vì có liên hệ chặt chẽ với Đảng Công nhân người Kurd (PKK) đang đòi ly khai.
Những cuộc xung đột nổ ra giữa Thổ Nhĩ Kỳ và lực lượng người Kurd có thể đưa tình hình tại Syria trở nên khó lường và đe dọa mục tiêu chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo./.