Người vô gia cư và hành động khiến nhiều người phải cúi mặt xấu hổ

Ngân Hà |

“Giấy rách phải giữ lấy lề”, đừng vì nghèo khổ mà đánh mất tự trọng và lương tri – bài học tuy đơn giản nhưng nhiều người lại không làm được.

Từ chối nhận trợ cấp từ chính sách nhân đạo

 "Vào một tối trời mưa phùn ở Tokyo, tôi về nhà hơi trễ. Trên đường về tôi gặp một ông lão cao tuổi đang đi chiếc xe đạp cũ kỹ, đằng sau xe chở một túi to chất đầy vỏ đồ hộp đã dùng hết. 

Trong đầu tôi bỗng hiện lên cảnh ngày mai khi mọi người vứt đồ đã dùng xong vào thùng rác, ông lão già nua này sẽ nhanh chóng tới thu lượm ve chai, cũng giống như khi ông tìm đến các nhà hàng để thu lượm vỏ đồ hộp người ta thải ra.

Hôm nay có lẽ là ngày hiếm hoi mà ông lão may mắn khi kiếm được nhiều vỏ lon như vậy. Ông ấy là một người lang thang không nhà cửa, không nơi nương tựa. Theo một số liệu thống kê, Tokyo có khoảng 2.000 người vô gia cư như ông.

Hè năm ngoái, tôi có dịp đến thăm bến tàu Edogawa tại Tokyo, là dịp để ngắm nhìn "nhà" của người vô gia cư. Mỗi khi có mưa, xung quanh bến tàu lại khá sạch sẽ, cạnh đó có một mảnh đất công để không, nên những người vô gia cư chọn trú ngụ tại đây.

Nhà của họ đơn sơ với tấm nilon dày màu xanh da trời che phủ ở trên. Ai cũng có một cái giường nhỏ, một chiếc vô tuyến, nồi cơm nhỏ và vài đồ dùng lặt vặt khác.

Hàng ngày người vô gia cư ở Tokyo đi lượm ve chai tại các ga tàu điện, nhặt báo do người khác đọc xong ném vào thùng rác hoặc vứt luôn ở ghế ngồi. Đa phần người vô gia cư đều đã cao tuổi, số ít ở lứa tuổi trung niên.

Họ có thể từng là nhân viên văn phòng, tự doanh hoặc chủ doanh nghiệp nhỏ, nhưng vì một lý do nào đó, cuộc đời họ đi theo lối rẽ này để sống trên đường phố. Ông lão cho biết hiện giờ ông hài lòng về cuộc sống thong dong không ràng buộc của mình.

Người vô gia cư và hành động khiến nhiều người phải cúi mặt xấu hổ - Ảnh 1.

Người nghèo ở Nhật từ chối nhận trợ cấp của chính phủ dù đó là quyền lợi chính đáng, chỉ vì không muốn trở thành gánh nặng của người khác (Hình minh họa)

Chính phủ Nhật Bản có chính sách đãi ngộ đặc biệt cho người nghèo gọi là "trợ cấp nhân sinh". Người nghèo không đủ điều kiện sinh tồn có thể đến chính quyền địa phương để xin trợ cấp dưới chính sách này. 

Theo một nguồn tin, tại Tokyo, chính sách "trợ cấp nhân sinh" hàng tháng sẽ hỗ trợ người vô gia cư hay người nghèo 120.000 Yên (khoảng 22 triệu đồng), đủ để trang trải cuộc sống ở mức tối thiểu.

Tuy nhiên nhiều người dân Nhật Bản đã từ chối nhận trợ cấp từ chính sách nhân đạo bởi vì họ cảm thấy làm vậy mình sẽ mất đi lòng tự trọng hay nhân phẩm của bản thân. 

Hơn nữa, họ không muốn chiếm mất khoản tiền của những người thật sự cần nó hơn mình, trong khi bản thân còn có thể tự kiếm sống được."

Từ chuyện của "người" mà ngẫm đến "ta"

Từ cách cư xử của người Nhật, chúng ta cũng cần xem lại tư duy bấy lâu nay in hằn trong tâm trí của một bộ phận người Việt, đó là đem cái nghèo ra làm...khiên.

Nghèo không phải là một cái tội nhưng dùng sự nghèo khổ của mình để trục lợi, đem sự nghèo khổ ra biện minh cho hành động gây hại đến người khác là rất đáng trách.

Một số người đang lợi dụng cái nghèo để câu kéo sự thương hại, lòng trắc ẩn của người khác nhằm trục lợi cho bản thân. Hãy nhớ lại câu chuyện từng khiến dư luận xôn xao về những cái chết thương tâm do xe chở tôn sắc nhọn gây nên. 

Qua sự việc, có rất nhiều người lên án việc sử dụng phương tiện thô sơ chở hàng cồng kềnh gây chết người, nhưng cũng có không ít cư dân mạng lên tiếng bảo vệ những người chở tôn với lý do...họ nghèo.

Người vô gia cư và hành động khiến nhiều người phải cúi mặt xấu hổ - Ảnh 2.

Đừng đem cái nghèo ra làm khiên đỡ cho những hành động không đúng (Hình minh họa)

Nhưng trước khi để lòng thương cảm khiến bạn mù quáng bao che cho hành động rõ ràng là sai ấy hãy xem Facebooker Hong Thu Nguyen đưa ra quan điểm của mình:

"- Nhà mình có trồng một cây bàng rất to, đầy bóng mát, trưa nào các chị bán ve chai cũng ngồi lại đó để ăn cơm, nghỉ trưa. Ngày nào về nhà cũng phải dọn lá bánh chưng, vỏ bắp, rác rến mà các chị ăn xong rồi xả ra đó. 

Một hôm, tranh thủ nghỉ trưa về nhà và gặp các chị nằm la liệt trước cửa, mình bảo: "Các chị tập trung ở đây cũng được nhưng ăn uống xong thì phải dọn dẹp, đừng ngày nào cũng vứt rác trước của nhà tôi như thế". 

Mọi người vâng dạ xong, ngày hôm sau và cả những hôm sau nữa, "mèo lại hoàn mèo".

– Hôm rồi đi chợ Tân Mỹ mình nhìn thấy có một anh trung niên còm cõi nghèo khổ bán mấy bó rau cải. Thấy ảnh tồi tội nên ghé vào mua hai mớ cải xanh, về mở ra thì hỡi ơi rau ở bên trong thối gần hết. Chả tiếc mười mấy nghìn, chỉ tiếc cái tình mình đặt không đúng chỗ. {...}

Đừng gõ phím biện minh đó là người nghèo để tội nghiệp, để bào chữa, để xin tha thứ.

Không người nghèo nào có quyền làm phiền người khác bằng sự vô ý thức của mình.

Không người nghèo nào có quyền làm mất niềm tin của người khác bằng sự lừa gạt của mình.

Cũng không có người nghèo nào có quyền cướp đi mạng sống của người khác bằng việc làm ăn ẩu thả của mình.

Đừng bênh vực họ, ai cũng cần phải chịu trách nhiệm về hành động của mình".

Quan điểm này dường như đã thức tỉnh rất nhiều người. Bởi lẽ, nghèo không thể là cái khiên để mang ra chống đỡ, để bào chữa cho hành vi vi phạm pháp luật.

Hay một hành động khác mà giới trẻ chúng ta không ít lần gặp phải, đó là việc một số bạn trẻ khi ra rạp xem phim thường quay lén các bộ phim mới phát hành để về đăng lên mạng cho những ai "không có điều kiện đi xem". 

Các bạn bao biện rằng hành động của mình xuất phát từ lòng tốt, vì muốn các bạn nghèo, không có tiền vẫn được xem phim.

Nhưng bạn có biết rằng, hành động "tốt" của bạn lại khiến các công ty phát hành phim thiệt hại rất nặng nề cả về doanh thu lẫn uy tín, kéo theo đó là nhiều người và cả khán giả xem phim chân chính bị ảnh hưởng. 

Không những thế, bản thân bạn cũng có thể bi đối diện với pháp luật nếu bị phát hiện.

Do đó, đừng đem cái nghèo ra để làm lí do bao biện cho hành vi trái phép của mình.

Giống như những người già ở Nhật Bản, họ nghèo, nhưng lại từ chối nhận trợ cấp của chính phủ dù đó là quyền lợi chính đáng, chỉ vì không muốn trở thành gánh nặng của người khác.

Ngày ngày họ đi đến nhặt rác tại các bến tàu điện ngầm để kiếm sống và góp phần làm sạch các nơi công cộng.  

Họ muốn khẳng định rằng mình không phải là một gánh nặng, họ muốn được nhìn nhận, dù trong hoàn cảnh khốn khó như thế nào là một con người có nhân phẩm và sống tự trọng.

Vậy mà ở Việt Nam, mặc dù ở nhiều nơi, một số hộ dân dù còn rất khó khăn vẫn xin rút khỏi danh sách hộ nghèo, trong khi đó, một số nơi vẫn còn tình trạng "chạy" hộ nghèo. Dù không thực sự nghèo nhưng họ lại muốn được "phong danh hiệu" nghèo để hưởng các chế độ, ưu đãi.

Dù nghèo vật chất, nhưng đừng "nghèo" ý chí và lòng tự trọng. Bởi lẽ lòng tự trọng của con người là một phẩm chất cao quí, là viên ngọc sáng trong cuộc sống.  Lòng tự trọng với ánh hào quang chói lọi của nó sẽ trở thành lương tri con người.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại