Người Việt "bỏ đói" đời sống tinh thần: Thực trạng chung của nhiều người trong chúng ta?

Nguyễn Hằng |

Phải chăng vì người trẻ mải mê với thành tích, người lớn lo chạy theo đời sống vật chất nên đã bỏ qua những hoạt động văn hóa, vốn cần thiết cho tinh thần như thức ăn cho thân thể?

Những năm 80 khi là sinh viên ở châu Âu, tôi thường thèm thuồng đi qua cửa nhà hát lung linh dưới ánh đèn, nườm nượp người vào xem trong những bộ váy dạ hội, áo complet đẹp rực rỡ như mô tả buổi dạ hội đầu tiên của Kitty trong tác phẩm bất hủ Anna Karenina của Lev Tolstoj.

Chỉ dám nhìn thôi vì vé quá đắt và vì không có trang phục đẹp để vào nhà hát. 

Đến các công sở, tôi lại nghe các nhân viên bàn nhau chuyện đặt mua vé vào nhà hát từ hàng tháng trước, háo hức mỗi khi có ca sĩ hay chương trình opera mới nhưng phải ngượng ngùng tránh đi vì không biết gì về chủ đề họ đang nói.

Khi ấy tôi tự nhủ sau này có tiền, tôi dứt khoát phải mua vé đi xem cho biết. Lúc ấy mỗi lần về nhà tôi rất thương cảm cho người Việt. Nhìn trên đường phố phương Tây, con người đi lại với gương mặt bình an, thoải mái còn trên đường phố Việt Nam là những gương mặt người lam lũ, buồn rầu.

Tôi tha thiết mong đến ngày đời sống khấm khá để được thấy lại nụ cười, vẻ bình an trên gương mặt người Việt và để các sinh hoạt văn hóa tinh thần không còn chỉ gói gọn trong vài bộ phim Nga chủ yếu với đề tài chiến tranh mà cũng không sao mua được vé.

Sau Đổi mới, đời sống kinh tế bắt đầu khá hơn, các chương trình hòa nhạc, nhạc kịch đã xuất hiện nhiều hơn ở Việt Nam và không chỉ giới hạn cho người trong ngành như trước.

Nhưng bước vào nhà hát, tôi rất thất vọng vì sự ăn mặc, cư xử luộm thuộm của người Việt, tương phản với sự trang trọng của các khách nước ngoài.

Những người nghe hòa nhạc mặc nguyên quần áo đi làm hoặc đồ bộ nhàu nát, hút thuốc thả tàn xuống sàn nhà hát bóng lộn, thản nhiên trò chuyện trong khán phòng trước sự thờ ơ của các nhân viên. Trong khung cảnh đó, khó có thể thưởng thức được âm nhạc, nghệ thuật đỉnh cao.

Hy vọng xem nhạc kịch ở châu Âu sẽ khác, nhưng tôi phát hiện ra rất khó tìm được đồng hương cùng sở thích. 

Người Việt bỏ đói đời sống tinh thần: Thực trạng chung của nhiều người trong chúng ta? - Ảnh 1.

Nhu cầu về đời sống tinh thần tăng cao. Hình minh họa.

Đến các địa điểm du lịch, tôi thường gặp người Việt ở các trung tâm mua sắm nhưng rất hiếm khi gặp người Việt ở các bảo tàng, địa điểm văn hóa hoặc nếu có cũng chỉ đến chụp ảnh rồi đi.

Sự chi tiêu của người Việt cho đồ xa xỉ làm kinh ngạc nhiều người dân phương Tây, chứng tỏ kinh tế của Việt Nam đã tiến bộ rất nhiều trong thời gian qua.

Tuy nhiên đời sống văn hóa tinh thần không phát triển tương ứng. Nếu thời bao cấp, sách báo, phim ảnh vô cùng hiếm hoi nhưng đa phần dân chúng đều mong mỏi được tham gia, bất kể tuổi tác hay thu nhập.

Một cuốn sách hay sẽ được mượn đến cũ nát và mọi người sôi nổi bàn tán về bộ phim mới ra ngoài rạp, so sánh nó với những cảnh đời xung quanh. 

Sách báo, phim ảnh lúc ấy không chỉ để giải trí mà thực sự là món ăn tinh thần nhưng do số lượng hạn chế và đời sống vật chất quá thấp nên không phát huy được tác dụng.

Trái lại, vào thời mở cửa, thu nhập của người dân tăng lên nhưng đến các rạp chiếu phim hay ra hàng sách, ta sẽ thấy chủ yếu là thanh niên đến với mục đích giải trí. Chính vì vậy, các kiệt tác văn học, những cuốn phim có nội dung nghiêm túc chiếm tỷ lệ rất nhỏ ở Việt Nam.

Thậm chí khi tôi hỏi lớp với cả trăm sinh viên hàng đầu Việt Nam, cũng chỉ có 2, 3 em có đọc sách, còn lại là toàn đọc truyện tranh. Rất nhiều bạn được coi là trí thức mới ngoài 30 nhưng rất ngạc nhiên khi thấy tôi mở sách ra đọc:

"Chị vẫn còn đọc sách cơ à? Trước kia em cũng thích lắm nhưng từ khi lập gia đình thì..."

Người Việt bỏ đói đời sống tinh thần: Thực trạng chung của nhiều người trong chúng ta? - Ảnh 2.

Không ít những người trẻ tuổi ở Việt Nam đã đánh mất thói quen đọc sách và lý do của việc này là bận rộn với cuộc sống cơm áo gạo tiền.

Không ít bạn tỏ ra kinh ngạc khi thấy vợ chồng tôi vẫn đều đặn đến rạp xem phim và hỏi, tôi làm sao có thời gian?

Thời gian của tôi không nhiều hơn các bạn, nhưng nếu chỉ đi làm rồi về đi ngủ tôi cảm thấy thiếu thiếu chút gì đó, thấy đời sống của mình tầm thường đi, trở nên buồn chán, mệt mỏi, như con bò chỉ đi cày rồi về chuồng ngủ.

Hơn nữa, vợ chồng con cái hằng ngày mỗi người mỗi việc, như xa lạ dần đi với nhau. Những giờ phút cùng đi xem phim, nghe nhạc... sẽ làm mọi người thấy đỡ nhàm chán, có thêm nhiều điều để chia sẻ và gần gũi nhau hơn.

Rất nhiều ngày đi làm về mệt mỏi, bực bội vì những cạnh tranh không lành mạnh trong công việc, tưởng muốn gục xuống ngủ luôn nhưng vì đã trót mua vé nên phải đi qua nửa thành phố đến nhà hát, vừa đi vừa oán mình tự mua việc vào thân.

Nhưng sau vài giờ đắm chìm trong các bài hát, vở kịch, tinh thần trở nên thoải mái, mọi muộn phiền giảm đi rất nhiều và lần sau lại tiếp tục lên đường. Thấy tôi chia sẻ về những buổi biểu diễn, nhiều bạn cũng hỏi thông tin nhưng rất hiếm người theo.

Nhịp sống công nghiệp, sự phát triển của ti-vi, internet, các trò giải trí mới như game online giữ chân mọi người ở nhà, ngày càng xa rời với sinh hoạt văn hóa, tinh thần.

Phải chăng vì vậy, dù đời sống tăng lên rất nhiều nhưng đi trên đường, chúng ta vẫn chỉ nhìn thấy những gương mặt cau có, mệt mỏi, ra chỗ công cộng chỉ nghe thấy những lời than về đời sống đắt đỏ, bất an, nếu có vui vẻ cũng chỉ là những lời dô dô chúc tụng nhau chứ không nhìn thấy sự bình an, thanh thản.

Phải chăng vì người trẻ mải mê với học hành theo thành tích, người lớn lo chạy theo đời sống vật chất nên đã bỏ qua những hoạt động văn hóa, vốn cần thiết cho tinh thần như thức ăn cho thân thể?

Gần đây, có một bài báo gây nhiều tranh luận của nhà báo Mỹ Linh, chị nói: "Tôi nghĩ kiến thức nghề nghiệp chỉ chiếm 50%, phần còn lại là những tri thức khác nữa của nhân loại".

Và chị thất vọng vì thấy du học sinh đáng yêu, năng động, biết kiếm tiền để phụ cha mẹ hoặc tích lũy cho bản thân nhưng ít khi chú ý đến các hoạt động tinh thần.

Và chị tự hỏi: "Phải chăng nỗi ám ảnh về cái nghèo và những năm tháng trí thức ít được coi trọng đã khiến nhiều bậc cha mẹ quên gói ghém trong hành trang du học của con tinh thần ấy?"

Nhìn sang các nước láng giềng Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore... xuất phát điểm như chúng ta nhưng đã thay đổi rất nhiều.

Trong buổi biểu diễn quyên góp cho quỹ Thiện Nhân và Những người bạn vừa qua, chúng ta được chứng kiến một màn biểu diễn hợp xướng rất tuyệt vời của những người Hàn Quốc đang làm việc ở Việt Nam.

Bình thường họ là những ông chủ, những công chức bận rộn, uống soju như nước lã, nhưng trên sân khấu họ xuất hiện rất chỉnh chu trong bộ complet trắng như tuyết và hát nhạc cổ điển rất chuyên nghiệp.

Người Việt bỏ đói đời sống tinh thần: Thực trạng chung của nhiều người trong chúng ta? - Ảnh 3.

Người Việt vẫn còn rất bận lòng về đời sống vật chất. Hình minh họa.

Qua Thượng Hải, tôi chứng kiến người dân đủ mọi lứa tuổi xếp hàng dài dằng dặc dưới trời nắng để được vào xem Bảo tàng Thượng Hải, nơi trưng bày các di sản văn hóa, nghệ thuật của Trung Quốc.

Phải chăng những kiến thức, giá trị thu thập được từ những món ăn tinh thần ấy đã đem đến những sản phẩm Hallyu, những chiến lược kinh doanh chinh phục cả thế giới, giúp họ bứt phá trở thành những cường quốc?! Bao giờ người Việt bớt lo lắng về vật chất để chăm chú nuôi dưỡng tâm hồn?

Những kiến thức trên được trích từ cuốn sách "Born to be happy? – Sống để hạnh phúc?" do Alphabooks mua bản quyền từ tác giả Nguyễn Hoàng Ánh. Cuốn sách là một chuỗi những cuộc trò chuyện của cô Nguyễn Hoàng Ánh về nỗi bất an của xã hội này: Trăn trở làm người, tìm ra được giá trị của bản thân, và mục đích chúng ta sống. Sách đã được phát hành trên toàn quốc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại