Người ủng hộ ông Trump dọa làm loạn lễ nhậm chức, vì sao đến ngày lại "mất hút"?

Nguyễn Thái |

Buổi lễ nhậm chức của ông Biden diễn ra suôn sẻ và không có sự cố an ninh nào xảy ra dù trước đó, giới chức an ninh cảnh báo về nguy cơ bạo lực từ những người ủng hộ ông Trump.

Theo NBC News, 2 tuần kể từ khi xảy ra vụ bạo loạn tại tòa nhà quốc hội Mỹ hôm 6/1, các cơ quan thực thi pháp luật của địa phương, bang và liên bang lo ngại rằng, các phần tử cực đoan cánh hữu ủng hộ ông Trump có thể làm loạn lễ nhậm chức của ông Biden bằng hành động bạo lực.

Nhưng lo ngại của giới chức an ninh không xảy ra khi ông Trump rời Nhà Trắng và ông Biden tuyên thệ nhậm chức và chính thức trở thành Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ.

Chỉ có một người biểu tình ủng hộ ông Trump đứng bên ngoài tòa nhà chính phủ ở bang New York, nơi được tăng cường lực lượng an ninh trong thời gian diễn ra lễ nhậm chức.

"Tôi đã ra đây với hy vọng được tham gia cùng một đám đông người biểu tình ôn hòa ủng hộ chính nghĩa", Mark Leggiero, người ủng hộ ông Trump duy nhất tới tòa nhà chính phủ bang New York, nói.

Người ủng hộ ông Trump dọa làm loạn lễ nhậm chức, vì sao đến ngày lại mất hút? - Ảnh 1.

Mark Leggiero, người ủng hộ ông Trump duy nhất, tới tòa nhà chính phủ bang New York. Ảnh: AP

Người ủng hộ ông Trump dọa làm loạn lễ nhậm chức, vì sao đến ngày lại mất hút? - Ảnh 2.

Vài người ủng hộ ông Trump xuất hiện ở tòa nhà chính phủ bang Missouri. Ảnh: Getty

Bên ngoài tòa nhà chính phủ bang Pennsylvania ở thành phố Harrisburg, phóng viên NBC News cũng chỉ ghi nhận một người biểu tình ủng hộ ông Trump xuất hiện.

Tại bang California, một nhóm nhỏ người biểu tình cố vượt qua hàng rào an ninh và hô vang khẩu hiệu bên ngoài tòa nhà chính phủ được bảo vệ nghiêm ngặt ở thành phố Sacramento. Nhưng họ có vẻ là những nhà hoạt động không ủng hộ ông Trump.

Ở những nơi được cho là "thành trì" ủng hộ ông Trump như Oklahoma, người ủng hộ ông Trump cũng không xuất hiện.

Người ủng hộ ông Trump dọa làm loạn lễ nhậm chức, vì sao đến ngày lại mất hút? - Ảnh 3.

Một người ủng hộ ông Trump đứng ngoài tòa nhà chính phủ bang Washington. Ảnh: Getty

Lý giải về điều này, Brian Higgins, cựu cảnh sát trưởng hạt Bergen, bang New Jersey, nói: "Thông điệp được cơ quan thực thi pháp luật đưa ra trước lễ nhậm chức của ông Biden là rất rõ ràng: Sẽ có hàng nghìn cảnh sát và binh sĩ bảo vệ các tòa nhà chính phủ. Tôi dám chắc đây là một lý do khiến người biểu tình ủng hộ ông Trump không xuất hiện và quấy phá như trước".

Theo các nguồn thực thi pháp luật, một yếu tố khác dẫn đến việc người ủng hộ ông Trump không gây náo loạn trong lễ nhậm chức của ông Biden là các vụ bắt giữ chóng vánh của Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) và Bộ Tư pháp với các phần tử bạo loạn ủng hộ ông Trump, những người có liên quan tới vụ bạo loạn hôm 6/1 tại Điện Capitol.

Hôm 20/1, ông Trump cùng phu nhân chính thức rời Nhà Trắng. Cặp đôi cùng tham dự lễ chia tay ở căn cứ quân sự Andrews trước khi lên Không Lực Một trở về bang Florida. Sau đó vài tiếng, ông Biden đã tuyên thệ nhậm chức, trở thành Tổng thống Mỹ thứ 46.

Ông Trump kêu gọi người Mỹ đoàn kết, tránh bạo lực

Ông Trump đã kêu gọi người Mỹ đoàn kết và tránh các hành động bạo lực, sau khi bị Hạ viện bỏ phiếu luận tội ông vì cáo buộc kích động bạo lực dẫn đến vụ bạo loạn tại tòa nhà Quốc hội Mỹ hôm 6/1.

"Tôi lên án hành vi bạo lực mà chúng ta đã chứng kiến tại tòa nhà quốc hội Mỹ. Đám đông gây bạo loạn đi ngược lại những gì tôi tin tưởng và không đại diện cho những người ủng hộ Tổng thống. Không một người ủng hộ nào của tôi cổ vũ cho bạo lực chính trị", ông Trump nói trong một video.

Trong bài phát biểu chia tay, ông Trump một lần nữa nhắc đến vụ bạo loạn tại tòa nhà quốc hội Mỹ: "Tất cả người Mỹ đều hãi hùng và bạo lực chính trị là điều không bao giờ có thể dung thứ".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại