Người ủng hộ Clinton thân mến, kiểm lại phiếu cũng chẳng ích gì đâu

Thi Anh |

Giáo sư Mỹ phân tích khả năng Clinton "lật ngược thế cờ" nhờ kiểm lại phiếu bầu.

Joshua A. Douglas là giáo sư chuyên về luật bầu cử và quyền bỏ phiếu tại Đại học Luật (Đại học Kentucky). Ông cũng đóng góp và tình nguyện tham gia vào chiến dịch tranh cử của Hillary Clinton.

Dưới đây là phần lược dịch bài viết đăng tải trên CNN của Douglas về cuộc bầu cử Mỹ ở giai đoạn này, khi mà Donald Trump tuyên bố "có gian lận bầu cử", còn ứng viên đảng Xanh Jill Stein thì hối thúc kiểm lại phiếu.

---

Tuyên bố vô căn cứ của Trump rằng "có hàng triệu người bỏ phiếu bất hợp pháp" và nỗ lực kiểm lại phiếu ở các bang chiến trường của Jill Stein đang làm mất đi cái hay trong nền dân chủ Mỹ, vốn được thế giới coi trọng. Đó là: Người thắng khiêm tốn nhận vinh quang, còn kẻ thua thì rộng lòng nhận thất bại.

Hoàn toàn không có bằng chứng nào cho thấy hiện tượng gian lận bầu cử ở quy mô rộng, chứ đừng nói tới hàng triệu cử tri bất hợp pháp. Hành động này làm giảm bớt uy lực của vị trí Tổng thống khi Tổng thống đắc cử cứ vin vào những luận điệu ấy. Mặc dù không ảnh hưởng tới kết quả cuối cùng, Trump đã thua (Clinton) khi tính số phiếu phổ thông.

Những cáo buộc gian lận bầu cử hay mua chuộc phiếu bầu mà không có căn cứ sẽ gây ra những hỗn loạn không cần thiết và tập trung chú ý vào một điều nguy hiểm. Đó là nghĩ xem chúng ta cần làm gì để sửa chữa những vấn đề bầu cử vốn không tồn tại.

Tương tự như vậy, việc kiểm lại phiếu bầu ở Wisconsin, Michigan và Pennsylvania khá tai hại bởi nó khiến người ta tin rằng có gì đó sai trái mà không có bằng chứng nào, cũng không có cơ may nào để thay đổi kết quả.

Cái tin ứng viên đảng Xanh Jill Stein đề nghị kiểm lại phiếu ở Wisconsin và sau đó sẽ tới Michigan, Pennsylvania đã nhen nhóm hy vọng mong manh trong lòng người ủng hộ Hillary Clinton, rằng có một khả năng nào đó Donald Trump sẽ không trở thành Tổng thống kế tiếp của nước Mỹ.

Giờ đây, khi chiến dịch của bà Clinton tuyên bố tham gia vào nỗ lực của đảng Xanh, hi vọng ấy lại càng mạnh mẽ.

Nhưng phải nói thẳng: Họ nên từ bỏ hy vọng ấy đi!

Không một cơ may nào các cuộc kiểm lại phiếu ở Wisconsin, Michigan và Pennsylvania có thể thay đổi vị trí dẫn đầu của Trump, với con số cách biệt tới hàng nghìn, chứ không phải hàng trăm, ở cả 3 bang. Trump giành được nhiều hơn bà Clinton 27.000 phiếu ở Wisconsin, khoảng 11.000 ở Michigan và hơn 68.000 ở Pennsylvania.

Đây không phải là Florida năm 2000. Vào đêm bầu cử năm 2000, George W. Bush dẫn trước Al Gore 1.784 phiếu bầu ở Florida, tương đương chỉ 0,031% trong tổng số 5,8 triệu cử tri đi bỏ phiếu tại đó.

Sau khi kiểm lại phiếu - hoạt động đã bị Tòa án Tối cao Mỹ đình lại - Bush đã thắng ở Florida với cách biệt 537 phiếu. Nếu tòa án cho phép kiểm lại phiếu thì mức chênh lệch cũng không thay đổi là bao.

Đây cũng không phải là Washington năm 2004, khi công tác kiểm lại phiếu khiến kết quả đảo ngược. Thành viên đảng Dân chủ Christine Gregoire đã giành chiến thắng trước thành viên đảng Cộng hòa Dino Rossi với cách biệt 129 phiếu, dù trước đó ông Gregoire đã thua 261 phiếu vào đêm bầu cử.

Đây cũng không phải Minnesota năm 2008, khi Al Franken (đảng Dân chủ) lật ngược tình thế, thắng Norm Coleman (đảng Cộng hòa) 225 phiếu nhờ kiểm lại phiếu bầu.

Tất cả những lần kiểm lại phiếu ấy đều có một điểm chung: Tỷ lệ cách biệt chỉ là vài trăm, chứ không phải vài nghìn. Số lượng phiếu thay đổi sau khi kiểm lại cũng rất thấp.

Trong vòng 15 năm qua, chỉ có 3 lần kiểm lại phiếu khiến kết quả bị đảo ngược. Đó là cuộc tranh cử Thống đốc năm 2004 (chuyển đổi 390 phiếu), cuộc bầu cử Thượng viện Mỹ năm 2008 (chuyển đổi 440 phiếu) và cuộc bầu cử chuyên viên kiểm toán tại Vermont năm 2006 (chuyển đổi 239 phiếu).

FairVote, một tổ chức độc lập vận động cải cách bầu cử đã thống kê như sau: Từ năm 2000 đến 2012, chỉ có 22 cuộc kiểm lại phiếu toàn bang được tiến hành, và tỷ lệ dao động chỉ là 0,026%.

Người ủng hộ Clinton hoàn toàn có thể băn khoăn, nếu máy móc bị tin tặc tấn công thì sao, nếu cuộc bầu cử đúng là bị sắp đặt thì sao. Buồn cười ở chỗ chính Trump lại là người rêu rao rằng cuộc bầu cử bị dàn xếp từ trước khi nó diễn ra và người ủng hộ Clinton thì công kích Trump vì ông ta không chịu nói xem mình có công nhận kết quả hay không.

Nghiêm túc mà nói thì không có bằng chứng nào cho thấy cuộc bầu cử bị "hack", đúng như luật sư của Clinton, Marc Elias, đã kết luận. Tất nhiên, khi Stein đã bắt đầu kiểm lại phiếu bầu, thì Clinton và luật sư của bà hoàn toàn có thể tham gia. Nhưng người ủng hộ bà thì không nên lấy đó làm dấu hiệu cho rằng cuộc bầu cử vẫn đang được xem xét.

Chuyện kiểm lại phiếu bầu ở Wisconsin, Michigan và Pennsylvania sẽ không làm vơi bớt nỗi sợ cho người ủng hộ Clinton, những người vẫn chưa dám tưởng tượng đến ngày Trump làm Tổng thống.

Những cáo buộc nguy hiểm của Trump về cử tri bất hợp pháp cũng không làm nên điều gì ngoài khuấy đảo dư luận một cách không cần thiết, ở thời điểm mà đáng ra ông ta nên nỗ lực để đoàn kết đất nước.

Nhưng ít nhất, những hành động này có lẽ sẽ khiến chính trị gia ở các bên phải xem xét lại quy trình bầu cử. Dù muốn hay không, Donald Trump vẫn sẽ là Tổng thống kế tiếp của chúng ta. 

Hi vọng rằng khi ông ta tranh cử lần thứ hai trong 4 năm tới, chúng ta sẽ có một hệ thống bầu cử chắc chắn hơn, khiến việc bỏ phiếu dễ dàng hơn, thuận tiện hơn, ít thao tác hơn và dễ xác minh hơn.

Đó là cách gần nhất để đi tới chiến thắng mà Clinton và người ủng hộ bà có thể trông đợi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại