Người từ 70 tuổi dùng giấy tờ gì để đi xe buýt miễn phí?

THU DUNG |

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Hà Lê Ân - phó giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM - cho biết người từ 70 tuổi trở lên có thể xuất trình căn cước công dân (CCCD), hộ chiếu, thẻ hội viên người cao tuổi để được miễn vé xe buýt.

Người từ 70 tuổi dùng giấy tờ gì để đi xe buýt miễn phí? - Ảnh 1.

Người già có thể sử dụng thẻ hội viên người cao tuổi đi xe buýt miễn phí - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Theo ông Ân, người từ 70 tuổi trở lên, có nhu cầu làm thêm thẻ đi xe buýt miễn phí thì chuẩn bị bản sao giấy tờ tùy thân, 2 tấm ảnh thẻ nộp về địa chỉ 102 Ký Con, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TP.HCM (điện thoại liên hệ: (028) 38.294.705).

Trước đó, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP tổ chức phát hàng trăm thẻ xe buýt miễn phí cho người già ở TP Thủ Đức. Lãnh đạo trung tâm này cho biết sắp tới sẽ mở rộng việc cấp thẻ ở các quận, huyện khác.

Đơn vị cũng đang phối hợp cùng nhiều địa phương khảo sát, đánh giá chất lượng, nhu cầu đi xe buýt của người dân, từ đó đưa ra các biện pháp giải quyết khó khăn, thúc đẩy phát triển ngành xe buýt, thu hút người dân trở lại với phương tiện giao thông công cộng này. Trong đó, người già, người khuyết tật, học sinh - sinh viên là những nhóm đối tượng rất được quan tâm phục vụ.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Trần Thị Út (70 tuổi) - một người dân TP Thủ Đức - cho biết những năm qua ngành xe buýt đã nâng cao chất lượng dịch vụ khiến người dân hài lòng hơn.

Tuy nhiên, theo bà, vẫn còn một vài bất tiện của xe buýt đối với người già.

Cụ thể, hầu hết người già đi xe buýt đều từng gặp trường hợp đang lên, xuống xe thì tài xế cho xe chạy. Lên xe xuất trình giấy tờ đi xe buýt miễn phí thì tiếp viên tỏ thái độ khó chịu.

Bà Út kể lại: "Cách đây hai tháng, tôi đi tuyến số 8 (Bến xe quận 8 - ĐH Quốc gia TP.HCM). Vừa lên xe, tôi lấy giấy chứng minh nhân dân ra thì tiếp viên nữ liền nói "Chạy thì ế mà toàn người già đi miễn phí, học sinh đi giảm giá". Tôi thoáng buồn và thất vọng vì điều đó".

Cũng theo bà Út, hiện giờ các tuyến xe buýt chạy chưa thật sự hợp lý. Nhiều tuyến ít người đi nhưng lịch chạy dày, trong khi vài tuyến khách có nhu cầu đi thì thời gian chạy hạn chế.

"Tôi hay đi tuyến buýt 141 (KDL BCR - Khu chế xuất Linh Trung) có tài xế, tiếp viên vui vẻ, nhiệt tình nhưng tuyến buýt này quá ít chuyến, thời gian chạy chuyến cuối cùng là 19h15.

Có lần, tôi đi công việc về trễ không kịp đón buýt về phải đi xe ôm bất tiện. Ở trạm chờ, mấy hành khách khác cũng hụt hẫng vì không đón được buýt, đành chọn loại xe khác về nhà", bà Út nói.

Người già là mục tiêu của nạn móc túi

Trên xe, tệ nạn trộm cắp, móc túi còn hoành hành, ám ảnh hành khách, nhất là với người già.

"Tôi từng gặp trường hợp bà cụ 72 tuổi đi xe buýt để bán vé số nhưng bị móc hết tiền. Đến lúc bà cụ phát hiện ra bị rạch túi thì tên móc túi đã nhanh chân nhảy xuống trạm. Bà cụ chỉ biết bất lực ngồi khóc. Những hành khách trên xe thấy vậy đã quyên góp mỗi người một ít giúp đỡ bà cụ" - một người dân ở Thủ Đức cho biết.

Trung tá Nguyễn Đào Minh Huy (Phòng cảnh sát hình sự PC02 Công an TP.HCM) chia sẻ người dân tự ý thức bảo vệ mình trước mọi nguy cơ móc túi ở đám đông.

Khi đi xe buýt, người dân xếp một hàng, hạn chế chen chúc, chủ động đeo giỏ xách, ba lô ngược lên phía trước và luôn chú ý quan sát. Trường hợp bị móc túi thì lập tức báo tài xế, trình báo công an phường để được hỗ trợ giải quyết.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại