Theo bà Thủy, các cơ quan liên quan có số liệu đầy đủ và sẵn sàng cung cấp cho cử tri về việc các điểm bán hàng phục vụ khách Trung Quốc trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh “bán các sản phẩm cao hơn giá trị thực gấp vài chục, thậm chí hàng trăm lần”.
“Có 8 cửa hàng ở TP. Móng Cái và 16 ở TP. Hạ Long đều do người Việt Nam đứng tên, nhưng trên thực tế hoàn toàn do người Trung Quốc điều hành từ Trung Quốc, chứ không có mặt tại Quảng Ninh” - bà Thủy cho biết.
“Họ trích từ những khoản lãi siêu khủng từ việc bán hàng để trả cho các Cty lữ hành Trung Quốc và sau đó cty lữ hành Trung Quốc trả chi phí cho các Cty lữ hành Việt Nam. Vì thế mới có chuyện các công ty lữ hành Trung Quốc quỵt tiền của các công ty lữ hành Việt Nam”.
PV trước đó đã có một loạt bài điều tra công phu về các điểm bán hàng này cùng những chiêu trò kinh doanh, kiếm lời siêu khủng bất chính của các điểm bán hàng, các công ty lữ hành mà đứng sau là một số người Trung Quốc, với sự tiếp tay của một số đối tác trong nước.
Theo bà Vũ Thị Thu Thủy, quá trình điều tra cho thấy, các điểm bán hàng này hoạt động cực kỳ tinh vi. Hàng hóa được niêm yết giá và công dụng bằng tiếng Việt, ghi xuất xứ từ Trung Quốc, nhưng hướng dẫn viên và người bán hàng nói với khách Trung Quốc không biết tiếng Việt rằng, các mặt hàng này đều được sản xuất tại Việt Nam, có siêu công dụng: Chữa bệnh, chăm sóc sắc đẹp…
“Lẽ ra một mặt hàng giá thực chỉ 5 triệu đồng thì họ bán tới 50 triệu đồng, nhưng lại thanh toán bằng đồng Nhân dân tệ ngay tại cửa hàng hoặc bằng các thẻ tín dụng. Tuy nhiên, thẻ tín dụng đó lại không đúng với thẻ của điểm bán hàng đã đăng ký thanh toán với ngân hàng, mà là tài khoản của ông chủ Trung Quốc” - bà Thủy chia sẻ với các đại biểu.
“Hàng hóa sau đó được giao tận nhà, nhưng thực tế là hàng lấy tại Trung Quốc để giao cho khách, nên khách cứ tưởng được phục vụ tận tình, nhưng họ đang dùng bàn tay của các DN Việt Nam để lừa gạt khách Trung Quốc. Sau đó khách phát hiện ra bị lừa thì đã muộn nhưng họ không trách các công ty lữ hành Trung Quốc, người Trung Quốc mà quay lại trách Việt Nam, lên các mạng xã hội phê phán du lịch Việt Nam. Đấy là phương hại vô cùng lớn và lâu dài”.
Thời gian qua, các lực lượng chức năng của Quảng Ninh cũng đã xử lý nhiều trường hợp, nhưng hành lang pháp lý của Việt Nam chưa đồng bộ, chưa đầy đủ và thẩm quyền của chính quyền địa phương còn vô cùng hạn chế để điều tiết một ngành kinh tế tổng hợp như du lịch. Để tiếp tục làm sạch môi trường du lịch đón khách đường bộ Trung Quốc, bà Thủy cho biết sẽ tiếp tục đánh mạnh vào các mắt xích quan trọng, gồm cơ sở bán hàng và công ty lữ hành, các HDV.
Đồng thời kiên trì đề nghị bộ, ngành TƯ ủy quyền cho Quảng Ninh cấp phép cho các công ty lữ hành hoạt động đón khách đường bộ Trung Quốc tại Quảng Ninh để dễ kiểm soát và xử lý. Phải làm được những vấn đề trên mới xử lý được gốc gác gây lũng đoạn thị trường. Hơn nữa, cũng cần có sự phối hợp của các địa phương bởi hiện nay, sau khi Quảng Ninh ra tay mạnh mẽ, một số điểm bán hàng đã chuyển sang Hải Dương và Bắc Ninh.