Vai trò đặc biệt của Việt Nam
Rạng sáng ngày 9/3 theo giờ Hà Nội, Bộ trưởng 11 nước thành viên đã ký kết Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) tại thủ đô Santiago, Chile. Hiệp định sẽ chính thức có hiệu lực trong vòng 60 ngày sau khi được ít nhất 6 quốc gia thành viên phê chuẩn. Dự kiến, CPTPP sẽ chính thức có hiệu lực vào cuối năm nay.
Tuy nhiên, để đạt được thành quả ngày hôm nay, các quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam, đã phải rất nỗ lực để vượt qua những khó khăn, thách thức và tìm được tiếng nói chung. Nếu nhắc tới Nhật Bản trong vai trò tiên phong, thúc giục, thương lượng và giải quyết mâu thuận giữa các quốc gia TPP-11 thì Việt Nam cũng được nhớ tới trong vai trò quốc gia tích cực trong suốt quá trình đàm phán.
Vai trò của Việt Nam với TPP được thể hiện rõ nhất bên lề Tuần lễ Cấp cao APEC, diễn ra tại Đà Nẵng, Việt Nam trong tháng 11/2017. Trong vai trò Phó Trưởng ban Thường trực Ban Thư ký Quốc gia APEC, ông Nguyễn Minh Vũ, Vụ trưởng, Bộ Ngoại giao hiểu rõ những nỗ lực Việt Nam đã vượt qua để hồi sinh TPP khỏi thời điểm khó khăn nhất.
Ông Nguyễn Minh Vũ, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Thư ký Quốc gia APEC. Ảnh: Mai Lân
Trong vai trò nước chủ nhà APEC 2017, Việt Nam đã sắp xếp cuộc họp cấp cao nhất giữa các nhà lãnh đạo 11 nước thành viên TPP và được sự đồng ý của tất cả các bên. Tuy nhiên, cuộc họ đã không diễn ra theo kế hoạch bởi sự vắng mặt phút cuối của phía Canada. Đây là điều diễn ra hoàn toàn bất ngờ, nằm ngoài dự tính và gây ra những khó khăn Việt Nam.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau, người vừa có chuyến thăm cấp nhà nước Việt Nam trước khi tới Đà Nẵng dự APEC, đã không tham dự cuộc họp cấp lãnh đạo cao nhất của TPP-11. Lý do phía Canada đưa ra là do trục trặc về mặt kỹ thuật nhưng với không ít người, sự việc báo hiệu một tương lai đen tối với hiệp định thương mại được đánh giá là tiến bộ với khả năng định hình tương lai thương mại thế giới. Việc Mỹ rút lui hồi đầu năm đã một lần khiến TPP chết lâm sàng.
"Việt Nam trao đổi với các thành viên khác của TPP-11, trong đó có Nhật Bản đồng thời đưa ra nhận định sự vắng mặt của Thủ tướng Canada Justin Trudeau không đồng nghĩa với sự rút lui của Canada khỏi TPP-11. Chỉ vài tiếng sau đó, Việt Nam đã phối hợp với Nhật Bản tổ chức cuộc họp cấp Bộ trưởng TPP và Bộ trưởng Canada đã tới tham gia", ông Nguyên Minh Vũ nhớ lại.
Ảnh: Mai Lân
Họp thâu đêm cứu TPP
Cuộc họp cấp Bộ trưởng kéo dài suốt đêm. Kết quả là tuyên bố chung về hợp tác giữa các thành viên TPP-11, trong đó đổi tên TPP-11 thành Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Tuyên bố khẳng định lại tầm quan trọng của kinh tế và chiến lược trong cơ chế này và cam kết tiếp tục những nội dung chính trong đàm phán của TPP, nhấn mạnh đàm phán một hiệp định tiêu chuẩn cao, chống chủ nghĩa bảo hộ và thúc đẩy tự do thương mại trong khuôn khổ TPP.
"Điều này có ý nghĩa quan trọng khi cứu vãn được tiến trình hợp tác TPP đang gặp trắc trở dù đã vượt qua rất nhiều vòng đàm phán. Các thành viên đã làm được điều phi thường khi nỗ lực vượt qua những trở ngại, cứu TPP trong thời gian rất ngắn, trong đó một phần dựa vào nhận định chính xác của Việt Nam về tình hình chung cũng như sự hợp tác chặt chẽ của nước chủ nhà với Nhật Bản, quốc gia có công lớn nhất trong nỗ lực hồi sinh TPP", ông Nguyễn Minh Vũ nhận định.
Theo ông Vũ, CPTPP tạo tín hiệu tích cực với tiến trình liên kết kinh tế khu vực trong bối cảnh châu Á – Thái Bình Dương vẫn được coi là động lực cho tăng trưởng và liên kết kinh tế khu vực. Thành công trong việc duy trì cơ chế CPTPP có ý nghĩa rất tích cực.
Việt Nam được đánh giá cao
Vai trò của Việt Nam với APEC 2017 nói chung và CPTPP nói riêng cũng được rất nhiều quốc gia ca ngợi. Trong cuộc họp báo về số phận TPP diễn ra không lâu sau đó, Bộ trưởng Tái thiết kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi cảm ơn những nỗ lực của Việt Nam trong quá trình đàm phán.
Đăng cai tổ chức APEC trong bối cảnh địa chính trị thế giới có nhiều diễn biến khó lường và thách thức, Việt Nam đã phải nỗ lực rất nhiều để có được một sự kiện thành công. Sự khéo léo cân bằng khác biệt giữa các nền kinh tế và tìm ra công thức về ngôn ngữ để dung hòa giữa một bên là những người ủng hộ tự do hóa thương mại với một bên là quan điểm nước Mỹ là trên hết của Tổng thống Trump giúp Hội nghị ra được tuyên bố chung tại Đà Nẵng.
"APEC tiếp tục cam kết với tự do hóa thương mại và đầu tư, ủng hộ thương mại song phương, chống bảo hộ. APEC ghi nhận tầm quan trọng của các hiệp định thương mại song phương và nhiều bên. Tuy nhiên, song phương phải có vai trò bổ trợ cho các thỏa thuận thương mại đa phương. Dung hòa cả quan điểm của Mỹ với các nước còn lại. Với sự dung hòa đó, cuối cùng thông qua được tuyên bố chung", ông Vũ chia sẻ.