Từ lâu, ASEAN đã là điểm đến của nhiều doanh nghiệp nước ngoài do lợi thế lao động giá rẻ, nhưng giờ đây các công ty trong khu vực đang nổi lên bằng chính khả năng của mình.
Sau khi tích lũy đủ vốn và năng lực, những công ty lớn nhất trong khu vực tiến hành đầu tư chiến lược sang các nước khác, giúp tăng tính hội nhập của khu vực. Trước đây, việc đầu tư sang thị trường ASEAN chủ yếu do các công ty của phương Tây và Nhật Bản thực hiện.
Theo báo cáo đầu tư ASEAN, giá trị của các thương vụ đầu tư xuyên biên giới giữa các công ty trong khối tăng lên mức kỷ lục gần 24 tỷ USD vào năm 2016, tăng 12% so với năm trước đó. Hơn nữa, đầu tư nội khối chiếm khoảng 25% tổng đầu tư vào các nước ASEAN.
Xu hướng này tiếp tục trong năm 2017. Việt Nam, Phillipines và Indonesia chứng kiến đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng mạnh. Ông Rodrigo Chaves, Giám đốc ngân hàng Thế giới tại Indonesia bình luận: "Một môi trường kinh doanh tốt hơn đang thu hút thêm đầu tư nước ngoài cũng như đầu tư công".
Phần lớn các thương vụ đầu tư xuyên quốc gia đến từ các công ty của Singapore, Malaysia và Thái Lan.
Đó đều là những quốc gia có nền kinh tế phát triển hơn cả trong khu vực. Tập đoàn TCC Group của Thái, thông qua công ty con hàng đầu là ThaiBev, đã mua được gần 54% cổ phần của Sabeco vào hồi tháng 12/2017. Thương vụ này đem lại cho Việt Nam 4,8 tỷ USD.
Tuy nhiên, Nikkei cũng đánh giá các doanh nghiệp Việt Nam đang thu hẹp khoảng cách với các doanh nghiệp khác trong khu vực.
Năm nay, Tập đoàn Viettel thành lập công ty liên doanh điện thoại di động ở Myanmar với các đối tác địa phương.
Theo tuyên bố của Tập đoàn vào tháng 01/2017, Viettel sẽ đầu tư 2 tỷ USD vào dự án này. Công ty tại Myanmar dự kiến bắt đầu cung cấp dịch vụ theo kế hoạch phát triển thị trường của hãng, tập trung vào khu vực nông thôn.
Ngoài ra, Vinamilk cũng chi gần 10 triệu USD đầu năm 2017 để mua đứt Công ty Angkor Dairy Products của Campuchia.
Vinamilk mua lại cổ phần từ BPC Trading và sở hữu toàn bộ 100% cổ phần của hãng sữa Campuchia. Do đó, Vinamilk có thể kiểm soát hoạt động kinh doanh và xây dựng sự hiện diện của mình trên thị trường nước bạn.
Ngoài Việt Nam, các công ty của một số quốc gia khác như Myanmar, Campuchia và Lào không tham gia đầu tư xuyên biên giới. Nikkei nhận định có lẽ phải mất vài năm nữa họ mới có đủ điều kiện để thực hiện đầu tư ở các nước láng giềng.
Một xu hướng kinh doanh đáng chú ý khác ở ASEAN là ngày càng có nhiều công ty trong khu vực tiến hành thâu tóm hoạt động kinh doanh của các công ty thuộc các phát triển.
Gã khổng lồ trong ngành bán lẻ của Thái là Central Group làm khuấy động thị trường trong năm 2016 bằng việc mua lại hệ thống siêu thị Big C Việt Nam từ tay hãng bán lẻ Groupe Casino của Pháp.
Thương vụ này trị giá 1 tỷ euro (1,19 tỷ USD). Hơn 40 siêu thị và 30 trung tâm thương mại đã về tay người Thái. Năm 2016, Tập đoàn TCC của Thái cũng chi 655 triệu euro mua lại Metro Việt Nam.