Ngày 20/12, sau hơn 3 tuần xét xử và nghị án, TAND TP HCM tuyên bị cáo Trần Phương Bình (59 tuổi, cựu Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á) 20 năm tù về tội "Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và án chung thân về tội "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản". Tổng hợp hình phạt là án chung thân.
Bị cáo Nguyễn Thị Kim Xuyến (cựu Phó tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á) bị tuyên mức án 18 năm tù về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và 20 năm tù về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng". Tổng hợp hình phạt là 30 năm tù.
Bị cáo Phan Văn Anh Vũ (43 tuổi, Vũ "nhôm") lãnh 17 năm tù về tội "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản". Tổng hợp bản án 8 năm tù trước đó, Vũ "nhôm" phải chịu tổng cộng 25 năm tù. Ngoài ra, 24 bị cáo đồng phạm lãnh 2 năm tù cho hưởng án treo đến 16 năm tù.
HĐXX nhận định bị cáo Trần Phương Bình với vai trò cựu Tổng giám đốc kiêm Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị, Chủ tịch Hội đồng Tín dụng Ngân hàng Đông Á liên tiếp để xảy ra hoạt động thua lỗ, thao túng hoạt động của ngân hàng và chỉ đạo nhân viên thực hiện hàng loạt hành vi sai phạm trong suốt thời gian dài, gây thiệt hại hơn 3.608 tỷ đồng.
"Ông Trần Phương Bình là bị cáo chủ mưu, đề ra các chủ trương rồi chỉ đạo lôi kéo các nhân viên Ngân hàng Đông Á thực hiện hàng loạt sai phạm. Hậu quả hành vi gây ra là nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến hoạt động ngân hàng nên bị cáo phải nhận mức án nghiêm khắc nhất" - HĐXX nêu.
Trần Phương Bình và Phan Văn Anh Vũ.
Bị cáo Phan Văn Anh Vũ có hành vi ký chứng từ nộp khống 200 tỷ đồng để mua cổ phần của DAB, sau đó chiếm đoạt. Quá trình điều tra và tại tòa, Vũ không nhận tội, khẳng định mượn tiền ông Bình là quan hệ dân sự. Tuy nhiên, ông Bình không thừa nhận cho Chủ tịch Công ty Bắc Nam 79 mượn tiền mà hướng dẫn viết và ký giấy tờ khống.
Tại phiên xử, Vũ cũng nhiều lần cho rằng bản thân bị cơ quan điều tra vi phạm tố tụng khi ép cung, dụ cung. Tiếp đó, bị cáo Vũ trích dẫn một loạt lời khai trùng lặp của Trần Phương Bình và Nguyễn Đức Vinh (Trưởng phòng ngân quỹ Hội sở Ngân hàng Đông Á).
Tuy nhiên, HĐXX cho rằng điều này là không có cơ sở. Bởi bị cáo Bình, Vinh đều xác nhận điều tra viên, kiểm sát viên không có hành vi khủng bố tinh thần, cơ quan điều tra có cho bị cáo xem lại lời khai và biên bản đối chất.
"Phan Văn Anh Vũ đã nộp tiền khắc phục hậu quả hơn 203 tỷ đồng, gia đình đông con, con còn nhỏ... HĐXX sẽ xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo nhưng không thể dưới khung hình phạt mà VKS đề nghị mới đủ sức răn đe những người muốn có hành vi tương tự" - HĐXX trình bày.
Bị cáo Nguyễn Thị Kim Xuyến khai không được bàn bạc với Trần Phương Bình trong việc mua cổ phiếu ngân hàng Đông Á. Về số tiền 40 tỷ được chuyển qua nhiều tài khoản, bị cáo cho rằng không chiếm đoạt, đã chuyển về lại bằng cổ phiếu cho ngân hàng.
HĐXX nhận định bị cáo Xuyến đóng vai trò giúp sức tích cực cho ông Trần Phương Bình, gây thiệt hại hơn 1.500 tỷ đồng. Bị cáo Xuyến được cân nhắc giảm án do quá trình công tác có nhiều bằng khen, huân chương
HĐXX nhận định hầu hết các bị cáo còn lại đều thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng truy tố, phù hợp với lời khai tại cơ quan điều tra và hồ sơ chứng cứ trong vụ án. Các bị cáo này hầu hết vì tin tưởng, làm theo chỉ đạo của cấp trên dẫn đến thực hiện hành vi sai phạm.
Riêng bị cáo Nguyễn Thị Ái Lan (nguyên Trưởng phòng Nguồn vốn Hội sở Ngân hàng Đông Á) bị truy tố tội Cố ý làm trái, giúp sức cho Trần Phương Bình gây thiệt hại 820 tỷ. Bị cáo này không thừa nhận cáo buộc này, nhưng tòa cho rằng lời khai của các bị cáo khác đủ cơ sở chứng minh Lan tham gia chi lãi suất ngoài và kinh doanh ngoại hối trái phép.
Các bị cáo phải bồi thường thiệt hại gốc và lãi phát sinh
Về trách nhiệm dân sự, HĐXX tuyên buộc các bị cáo gây thiệt hại cho Ngân hàng Đông Á phải bồi thường. Theo đó, ông Bình bồi thường 3.568 tỷ đồng, bà Xuyến liên đới bồi thường 1.574 tỷ và 40 tỷ chiếm đoạt cá nhân.
Ông Phạm Văn Phước (cựu Giám đốc Công ty cổ phần lương thực Nam Định) phải bồi thường 9,2 tỷ đồng, Nguyễn Hồng Ánh (cựu cán bộ Công an TP HCM) phải bồi thường 53 tỷ. Riêng Vũ "nhôm" có trách nhiệm trả lại 13,4 triệu USD của Ngân hàng Đông Á và 90,5 tỷ được xác định còn nợ trong việc mua cổ phần.
Ngoài số tiền thiệt hại gốc, các bị cáo còn phải bồi thường lãi suất phát sinh tính tới thời điểm khởi tố vụ án. Trong quá trình điều tra và xét xử, Vũ "nhôm" đã bồi thường hơn 203 tỷ đồng, ông Trần Phương Bình đã khắc phục hơn 5 tỷ đồng, Nguyễn Hồng Ánh đã khắc phục 500 triệu đồng,...
Để đảm bảo thi hành án, tịch thu toàn bộ cổ phần đang bị kê biên đứng tên ông Bình và người thân. Đồng thời, thu hồi các khoản tiền được xem là vật chứng của vụ án nhằm khắc phục thiệt hại cho Ngân hàng Đông Á.
Các bị cáo nghe tòa tuyên án.
Đối với khoản tiền 13,4 triệu USD được HĐXX được xác định là tang vật vụ án, đến nay chưa xác định được Vũ sử dụng vào mục đích nào, có dấu hiệu của một hành vi phạm tội khác, do đó tòa kiến nghị cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ, nếu đủ cơ sở sẽ xử lý theo quy định pháp luật.
Ngoài ra, HĐXX ghi nhận kiến nghị của VKS về việc tiếp tục điều tra làm rõ vai trò của Võ Thị Kim Anh (nguyên Trưởng phòng Kế toán Hội sở Ngân hàng Đông Á), Trần Huy Nam (nguyên Giám đốc Ngân hàng Đông Á chi nhánh Nam Định) vì có dấu hiệu tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước", "Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản".
Bên cạnh đó, VKS cũng kiến nghị làm rõ vai trò, trách nhiệm của NHNN khi chấp nhận cho tăng vốn điều lệ nhiều lần; cơ quan Thanh tra giám sát NHNN TP HCM tiến hành thanh kiểm tra 13 lần nhưng không phát hiện sai phạm.
Vũ "nhôm" nhiều lần kêu oan
Trong quá trình điều tra và xét xử, Vũ "nhôm" nhiều lần kêu oan, không thừa nhận cáo buộc chiếm đoạt 203 tỷ của Ngân hàng Đông Á. Vũ khẳng định số tiền này là vay mượn dân sự với cá nhân ông Trần Phương Bình, hoàn toàn không biết tiền của ngân hàng. Ngày 4/12, Vũ đã nhờ gia đình nộp lại 203 tỷ đồng cho Cục Thi hành án Dân sự TP HCM để hoàn trả lại cho ông Bình.
Trong khi đó, ông Trần Phương Bình và các bị cáo thuộc cấp thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng quy kết. Cựu giám đốc Ngân hàng Đông Á Nguyễn Thị Kim Xuyến cũng thừa nhận tội nhưng phủ nhận việc chiếm đoạt 40 tỷ đồng của ngân hàng.
Trong lời nói sau cùng, ông Trần Phương Bình tỏ ra rất ân hận về hành vi phạm tội của mình. Cựu Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á khẳng định bản thân không tham lam, tư lợi mà chỉ mong muốn tìm cách đưa ngân hàng vượt qua khó khăn nên đã thực hiện hành vi chưa phù hợp, sai phạm pháp luật.
"Bị cáo thật lòng gửi lời xin lỗi chân thành đến cổ đông và nhân viên cán bộ Ngân hàng Đông Á. Bị cáo thấy mình có lỗi với gia đình, với vợ vì đã sử dụng tên tuổi để mua cổ phần ngân hàng...
Bị cáo xin phép được cúi đầu xin lỗi 25 bị cáo. Bị cáo tự nguyện kiếp sau, kiếp sau nữa làm thân trâu ngựa để chuộc lỗi" - Trần Phương Bình nghẹn ngào.
Trong khi đó, Ngân hàng Đông Á yêu cầu ông Bình bồi thường hơn 3.600 tỷ đồng cùng 70.000 lượng vàng; liên đới trách nhiệm với Nguyễn Hồng Ánh (cựu cán bộ công an) bồi thường 1.200 lượng vàng và lãi phát sinh. Ngoài ra, ngân hàng này cũng buộc các bị cáo khác phải trả lại tiền chiếm đoạt. Trong đó, phía nhà băng yêu cầu Vũ trực tiếp bồi thường 292 tỷ đồng gồm gốc lẫn lãi.
Trong vụ án này, ông Trần Phương Bình bị cáo buộc 2 hành vi "Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản" gây thất thoát 2.057 tỷ đồng và "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế..." gây thiệt hại 1.551 tỷ đồng
Cụ thể, ông Trần Phương Bình đã chỉ đạo cấp dưới xuất quỹ chi sai nguyên tắc 1.160 tỷ đồng để mua 74,2 triệu cổ phần Ngân hàng Đông Á, xuất quỹ 497,8 tỷ đồng để mua 13,9 triệu USD chuyển cho Vũ "nhôm" và mua cổ phần Ngân hàng Đông Á. Cựu Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á cũng bị cáo buộc chiếm đoạt 358,8 tỷ đồng của ngân hàng để sử dụng cá nhân.
Ngoài ra, ông Trần Phương Bình bị cáo buộc chỉ đạo thuộc cấp thực hiện 9 hành vi sai phạm khác: xuất quỹ chi lãi ngoài sai nguyên tắc 467,8 tỷ đồng; 53,3 tỷ đồng để tất toán khoản vay của Nguyễn Hồng Ánh; tất toán khống 2,4 tỷ đồng khoản vay của Nghiêm Thị Hồng; thu khống 31,2 tỷ đồng thanh toán tiền hợp đồng mua trước quyền nhận tiền bán chứng khoán; xuất khẩu vàng trái phép gây thiệt hại 611,6 tỷ đồng, kinh doanh ngoại hối trái phép làm ngân hàng Đông Á thiệt hại 384,8 tỷ đồng.