Đến căn phòng trọ nhỏ nằm bên cạnh bệnh viện Nhi Trung ương, chúng tôi tìm gặp bà Nguyễn Thị Hường (SN 1957, trú tại xóm 12, xã Nghi Mỹ, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) cùng cô con gái tên Phúc Liên.
Ấn tượng đầu tiên về bà Hường là một người phụ nữ có gương mặt khắc khổ nhưng vẫn toát lên vẻ hiền hậu, một tay sửa soạn đồ đạc, tay kia ôm chặt con gái. Đứa bé không thể ngồi vững, hết lệch bên nọ lại vẹo bên kia, gương mặt ngờ nghệch nhưng đôi mắt thỉnh thoảng lóe lên những ánh nhìn tinh anh.
Như có phần e dè, bà Hường hướng cặp mắt ngần ngại về phía chúng tôi như thể không muốn nhắc thêm gì về những điều đã qua nữa.
Thế nhưng chỉ sau vài lời hỏi thăm, người phụ nữ khắc khổ ấy không kìm nén được cảm xúc, những dòng tâm sự nghẹn ngào cứ thế được kể mà không còn khoảng cách giữa những người xa lạ.
Bà Hường cùng con gái Phúc Liên - nhân vật khiến nhiều người cảm phục và xúc động
Cuộc gặp gỡ định mệnh của hai mẹ con
Từ nhỏ, bà Hường đã phải trải qua cuộc sống cơ cực. Mẹ bị tai biến, nằm liệt giường, cha không chịu nổi cảnh sống túng quẫn nên bỏ hai mẹ con đi lấy vợ khác.
Đến khi trưởng thành, gặp người thương mình, bà đã tưởng hạnh phúc mỉm cười. Thế nhưng, chỉ chung sống một thời gian, vì chán nản cảnh trong nhà có người đau ốm, người chồng lại bỏ đi khi bà Hường vừa mới sinh con.
Cứ thế, suốt mấy chục năm, người phụ nữ này hầu như không có phút nào được sống cho riêng mình, lúc nào cũng tất tả làm lụng, chăm mẹ, lo cho con. Cuộc sống của ba con người, ba thế hệ lại có thay đổi lớn, có lẽ nhọc nhằn nhiều hơn, sau một lần bà Hường đi viện.
Bà lặng lẽ kể về cuộc đời mình, lâu lâu lại rơi nước mắt vì không kìm được xúc động
Bà tâm sự, năm 2006, khi phát hiện mình bị u hàm, bà khăn gói một mình đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nghệ An làm phẫu thuật. Tình cờ đi qua hành lang khoa sản, bà chứng kiến một sản phụ vừa tử vong trên bàn mổ, còn đứa con đỏ hỏn nằm khóc bên cạnh.
"Bệnh viện bảo có người nhận cháu bé họ mới cho đưa xác mẹ về, nhưng anh chị em họ hàng thì nhất quyết không đón cháu, bảo là có ai nhận nuôi thì cho họ nhận. Lúc đó tôi vào xem, giống như có một cái duyên, đứa bé nhìn tôi một cách cầu cứu.
Bản thân tôi gần như mồ côi bố, chỉ chăm mẹ già bệnh tật thôi chứ bố thì đi lấy người khác. Tôi thấy con người không có tình cảm cha mẹ vô cùng khổ sở, cô đơn, đi ra ngoài xã hội không được người ta coi trọng, bị nhiều người ăn hiếp.
Tôi liền nói với cô đỡ đẻ: "Chị ơi chị cho bé ở đó 1 tuần, tôi khỏi bệnh rồi tôi đưa bé về tôi nuôi". Chị ở khoa sản hỏi tôi có chắc không, tôi khẳng định là chắc chắn.
1 tuần, tôi mổ xong nhưng hàm răng thì đau nhức quá nên phải nhổ thêm 4 cái răng nữa. Các cô bác sĩ như sợ tôi không đủ sức nuôi bé, tiếp tục hỏi tôi có chắc chắn đưa bé về không.
Tôi đáp nhanh: "Cứ để bé đó, ai có điều kiện thì bế bé về nuôi, còn không cứ để tôi nuôi". Mỗi ngày tôi đến 1 lần, hoặc 2 lần cho bé ăn, mua sữa cho bé, thay quần áo, tắm rửa. Hai tuần sau bế bé về".
Thời điểm đó, bà Hường có một cậu con trai đang làm việc trong quân ngũ, nuôi một mẹ già hơn 80 tuổi nằm liệt giường. Dù kinh tế vốn chẳng dư dả, thế nhưng bà Hường vẫn bế bé về, đặt tên là Phúc Liên trong niềm hạnh phúc vô bờ và tràn trề hi vọng.
Bà đón Phúc Liên về nuôi nấng, coi cuộc gặp gỡ đó là một định mệnh
Cô con gái bệnh tật và những hi vọng về tương lai tốt đẹp
Nuôi bé Phúc Liên được hơn 7 tháng thì bà Hường đến bệnh viện xin làm giấy khai sinh cho bé. Theo chỉ dẫn, bà tìm đến nhà người cậu của bé Phúc Liên xin chữ ký để có đủ thủ tục làm giấy khai sinh và giấy chứng nhận con nuôi.
"Oái oăm thay, người cậu này đòi 5 triệu và nói: "Chúng tôi cũng định tìm đến nhà bà rồi đấy. Bà có tiền đưa đây 5 triệu thì chúng tôi ký tên cho mà nuôi. Mà không có thì chúng tôi đưa về bán cháu 10 triệu".
Lúc đó tôi nghẹn ngào đáp: "Cậu ơi cậu đừng làm như thế, bán cháu cho người ta lỡ họ mang bán sang Trung Quốc thì tội cháu lắm. Cậu nuôi thì cậu theo tôi, về nhà tôi mà bế nó về. Cậu không nuôi thì để tôi nuôi chứ đừng bán cháu đi.
Nói thế nào người cậu này cũng không chịu, tôi phải ra ủy ban huyện để trình bày sự việc, mong được giúp đỡ. Ủy ban triệu tập người cậu, nhưng cậu ta vẫn khăng khăng: "Tôi không cho đâu, trả 5 triệu thì tôi ký tên cho mà nuôi. Không có tiền thì tôi không cho, tôi mang về bán đấy".
Sau bao nhiêu sự tác động từ nhiều cơ quan chức năng, hơn 1 tháng sau đó, người cậu này gọi điện gọi cho tôi ra để ký cho bé", bà Hường nghẹn ngào.
Bà từng rất bất lực khi bị người cậu của Phúc Liên đòi 5 triệu đồng mới cho nuôi bé
Nói đến đây, bà lấy tay gạt nước mắt nhìn đứa con đang phải chịu đau đớn trên giường rồi cho hay, số phận trớ trêu, hay thử thách người nghèo khổ. Phúc Liên chưa biết nói, chưa biết cười, không đi lại được, nhận thức mọi việc xung quanh cũng rất chậm.
Thấy vậy, bà bế con đi bệnh viện kiểm tra và chết lặng khi các bác sĩ cho biết, bé bị bại não bẩm sinh, phải tiến hành phẫu thuật để duy trì sự sống
"Năm bé được một tuổi, tôi đưa bé ra bệnh viện nhi Trung ương, bác sĩ bảo não bé phát triển chậm chứ không sao cả. Năm hai tuổi, bé không đứng được, uống sữa cũng khó khăn, tôi lại khăn gói đưa bé ra bệnh viện Nhi, họ nói bé bị giãn não thất nhưng giãn nhẹ, cũng không sao cả.
Sau đó tôi thấy đầu bé to dần, đưa ra viện thì được chuẩn đoán là sốc nước ối. Ca phẫu thuật vào thời điểm đó gần 20 triệu đồng, tôi chạy vạy vay mượn không đủ đành ôm bé về trong nước mắt.
Hơn một năm sau, bệnh tình Phúc Liên theo chiều hướng xấu. Thương bé, tôi dốc hết toàn bộ tiền bạc tích cóp cộng với vay mượn anh em họ hàng được 25 triệu đồng, cho bé đi phẫu thuật với hy vọng bé sớm hồi phục trở lại".
Ca phẫu thuật thành công, thế nhưng do ảnh hưởng căn bệnh, chân tay Phúc Liên teo tóp, co quắp không đi lại được, phải ngồi một chỗ, chỉ có trí óc vẫn tỉnh táo để cảm nhận được mọi chuyện xung quanh. Thế là bà Hường hầu như phải gác mọi công việc để chăm con.
Trải qua phẫu thuật với chi phí tốn kém so với điều kiện của bà Hường nhưng bé Phúc Liên không thể đi lại, và sinh hoạt như những đứa trẻ 11 tuổi khác
"11 năm qua, mỗi năm hai lần tôi lại đưa bé đi khám và chỉnh hình. Năm nay, bé bị sốt, nằm trong bệnh viện tỉnh Nghệ An 10 ngày.
Khi sức khỏe yếu là bé sẽ bị viêm phế khoản. Mà bé đau đớn là phải đưa đi viện liền, như con ruột của mình chứ không hề phân biệt gì hết. Vào bệnh viện tỉnh nghệ An điều trị 10 ngày, tôi tha thiết nói bác sĩ: "Bác ơi bữa nay nó ổn ổn rồi thì bác chuyển ra ngoài Hà Nội để tôi kiểm tra cái van thử xem"
Ra chỉnh hình được 3 ngày thì bé sốt, ho, khó thở nên bác sĩ ở khoa phục hồi chức năng nói rằng: "Không phục hồi được cũng không chết, chứ mà bệnh khó thở, ho nóng này dễ chết". Sau đó lại chuyển bé lên khoa thần kinh để điều trị, nằm ở phòng cấp cứu 2 ngày 1 đêm. May mà giỡ cũng đã ổn định lại rồi", bà Hường tâm sự trong nước mắt.
Nuôi con bệnh tật nhưng gia cảnh khó khăn, cuộc sống của bà chỉ dựa vào 3 sào ruộng bán mặt cho đất bán lưng cho trời. Thậm chí vì lao động quá sức, bà Hường bị nong động mạch vành, thấp tim, hở tim, tắc nghẹt phổi.
Trong khi đó, mỗi tháng, bé Phúc Liên được nhà nước trợ cấp 450.000/tháng, chỉ đủ tiền thuốc thang hằng ngày.
Bà Hường nhận được 270.000 đồng/tháng là tiền nuôi người khuyết tật. Hơn 11 năm qua, chỉ tính riêng chi phí đi bệnh viện của bé Phúc Liên cũng đã lên tới hơn 150 triệu đồng, số tiền quá khổng lồ với một người nghèo khó như bà Hường.
"Ngày xưa tôi bán quán ăn cho trường cấp III nhưng từ khi nuôi bé Phúc Liên thì không làm được gì nữa. Hai mẹ con ở trong căn nhà rộng 30m2, mỗi ngày tôi đi làm ruộng, để bé Phúc Liên ở trong phòng, đóng cửa lại.
Cứ thấy tôi thấy mặc đồ, đội nón, cầm cuốc là bé khóc, không chịu cho tôi đi. Tôi phải dỗ dành: "Con ở nhà đi, mẹ đi làm chứ không đi làm là không có tiền đâu. Ở nhà rồi mẹ sẽ về sớm".
Khi nghe thấy tiếng tôi đi làm về, mở cửa là bé gọi to "mẹ ơi", tôi nựng yêu "Phúc Liên ở nhà trông nhà giỏi hè", thế là bé cười".
Bà Hường vẫn luôn tin tưởng và không ngừng hi vọng vào tương lai tốt đẹp
Suốt 11 năm ròng rã, dù không phải đứa con rứt ruột đẻ ra nhưng bà Hường luôn yêu thương và chăm sóc con hết mực.
Bao nhiêu tiền của làm ra hầu như đều dồn vào chi phí thuốc thang cho Phúc Liên, bản thân bà chỉ dám rau dưa cà muối ăn qua bữa. Có những đêm bé đau quá cứ đập đầu xuống giường, bà Hường lại bế con suốt đêm, xoa đầu cho con bớt đau.
Thế nhưng khi nói về tương lai, ánh mắt bà Hường vẫn lóe lên những hi vọng. Bà nói, sẽ cố gắng chữa trị và chăm sóc bé cho đến khi nhắm mắt xuôi tay, không bao giờ bỏ rơi bé.
Sự cao cả và tình người ấm áp của bà Hường khiến những người có mặt trong căn phòng trọ nhỏ bé rưng rưng nước mắt. Mong rằng, những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với hai mẹ con, như cái cách mà họ nương tựa vào nhau đầy hi vọng.