Tuy nhiên, điều không ngờ tới là ngay những tập đầu tiên lên sóng, phim đã nhận ý kiến trái chiều vì sử dụng nhiều ngôn ngữ tục, tạo hình nhân vật có phần "làm quá" và ngập tràn cảnh bạo lực.
Một cảnh trong “Người phán xử tiền truyện”. Ảnh: TL
Bị chê nhưng vẫn gây “sốt”
Mức độ quan tâm của khán giả với “Người phán xử tiền truyện” thể hiện ngay ở định lượng trên website xem phim của VTV. Những ngày đầu lên sóng, trang web này thường xuyên bị quá tải, theo thống kê từ ê-kíp thực hiện thì nhiều thời điểm phim thu hút hơn 100.000 người xem cùng lúc, tên phim cũng lọt top những từ khóa tìm kiếm phố biến nhất trên Internet.
Sau sự cố nghẽn mạng ngay từ tập 1, đến tập 2 một đội kỹ thuật riêng của đơn vị phát hành đã được huy động để cải thiện tình hình, phục vụ khán giả xem phim.
Nếu phim “Người phán xử” có ba đạo diễn thì phần “tiền truyện” này do đạo diễn Khải Anh đảm nhận.
Chuyện khán giả so sánh phần “tiền truyện” bị “lép vế”, mờ nhạt so với phim chính vốn không phải điều đáng ngạc nhiên bởi đây chỉ là phần sản xuất thêm, lý giải sự hình thành đế chế Phan Thị và một số biến cố của nhân vật. Tuy nhiên, câu hỏi lớn hơn đang được đặt ra là: Nếu ê-kíp phim định tri ân khán giả thì có nhất thiết phải sản xuất một phần “minh họa” này không?
Ngoài những phản hồi cho rằng “Người phán xử tiền truyện” đầy bạo lực, ngôn ngữ suồng sã, nhạy cảm thì nhiều ý kiến còn cho rằng phần kịch bản của tiền truyện sơ sài, không tương xứng để “minh họa” cho phim gốc.
Nhã Phương xuất hiện cùng "đội quân" Người phán xử
Trước đó, diễn viên Việt Anh - người đóng vai Phan Hải - đã có cảnh báo không khuyến khích khán giả dưới 18 tuổi xem phim. Diễn viên Việt Anh nhận định, khán giả nên “đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng”, không thể cứ tò mò vào xem rồi lại đề nghị dừng đăng tải vì quá bạo lực, không có tính giáo dục, làm ảnh hưởng đến thế hệ trẻ, chửi thề quá nhiều.
“Theo dõi phần “tiền truyện” chỉ thấy một bề nổi đầy ồn ào, bạo lực mà không thấy sự sâu sắc, thâm thúy phù hợp với việc lý giải cho sự hình thành một đế chế của ông trùm. Tôi cho rằng, ê-kíp phim đã làm một việc thừa và loạt phim này đơn thuần chỉ mang tính “câu view”. Phim “Người phán xử” được mua kịch bản từ nước ngoài sau đó chuyển thể.
Kịch tính của loại kịch bản này là không diễn biến theo tuyến tính. Một nhân vật có thể đột nhiên xuất hiện, mang sẵn thân phận là ông trùm hay giang hồ, trí thức… sau đó theo diễn biến tâm lý, xung đột mới dần hé mở. Thậm chí, còn có những bí mật mãi là bí mật, điều đó làm nên cái hay.
Theo dõi tiền truyện, chủ yếu là cảnh giang hồ “huyết chiến” với nhau, ai cũng xăm trổ song đó chỉ là một phần nổi không đáng kể của thế giới ngầm dưới tay “ông trùm” mà phim đã không thể hiện được cuộc chiến ngầm ấy”, một khán giả bình luận.
“Người phán xử tiền truyện” gồm 4 tập, mỗi tập phim có thời lượng khoảng 30 phút. Đạo diễn - NSƯT Đỗ Thanh Hải, Giám đốc sản xuất của bộ phim cho biết: “Người phán xử” là phim mua bản quyền nước ngoài nên ngay cả “tiền truyện” của bộ phim, đơn vị sản xuất cũng phải trao đổi chặt chẽ với phía sở hữu bản quyền.
Khán giả xem theo nhu cầu!
Trước những ý kiến trái chiều về “Người phán xử ngoại truyện”, diễn viên Việt Anh chia sẻ: “Cá nhân tôi thấy đây là sự khác biệt giữa phần phát trên truyền hình với phát trực tuyến trên Internet.
Chính điểm khác biệt này tạo nên màu sắc và sức hấp dẫn riêng của bản online”. Nam diễn viên đóng vai con trai “ông trùm” Phan Quân cũng nói thêm: “Tính thẩm mỹ của một bộ phim phải được đánh giá trên tổng thể phim chứ không qua một vài câu thoại được”.
Một diễn viên đóng vai giang hồ trong phim cho rằng từ lời ăn tiếng nói, cử chỉ, hành động của nhân vật nếu có thô tục, bỗ bã thì cũng để sát với thực tế, như vậy nhân vật mới có sức sống. Về phần NSND Hoàng Dũng, ông thận trọng bày tỏ, vì phim chỉ phát online nên kịch bản có phần “thoải mái” hơn một chút so với bản phát truyền hình.
Nếu phần “tiền truyện” này phát trên truyền hình chắc chắn mọi thứ sẽ được tiết chế lại. “Việc cho vài câu thoại có phần hơi “văng tục” là để cho nó gần với cuộc sống hơn và người xem cũng cảm giác đời hơn. Nếu phát hành online mà tiết chế quá sẽ mất thật đi.
Ngoài đời người ta còn nói bậy kinh khủng hơn nhiều mà nếu để nhân vật nói văn hoa quá sẽ giả tạo lắm. Trong phim, không phải nhân vật nào cũng “chửi thề” và không phải cảnh nào cũng thanh trừng nhau. Những nhân vật như Lương Bổng, Phan Quân… có nói bậy hoặc đánh nhau đâu”, NSND Hoàng Dũng nói.
Nếu NSND Hoàng Dũng hay diễn viên Việt Anh phản hồi khá chừng mực thì diễn viên Doãn Quốc Đam - người đóng vai Trần Tú nhận xét rằng, những khán giả đang “ném đá” phim đã quá nghiêm trọng vấn đề khi quy chụp rằng chỉ qua bốn tập phim này mà “làm ảnh hưởng đến một thế hệ”.
Diễn viên Doãn Quốc Đam giải thích, thứ nhất là phim phát kênh online, khán giả xem theo nhu cầu, ngay từ đầu ê-kíp đã đưa ra cảnh báo không khuyến khích đối tượng dưới 18 tuổi.
Thứ hai, so với những bộ phim, clip hoặc hiện thực đời sống đang diễn ra hằng ngày hằng giờ thì có “ti tỉ thứ” còn nguy hiểm hơn “Người phán xử tiền truyện”. Nam diễn viên bày tỏ, việc “làm ảnh hưởng đến cả một thế hệ” đầu tiên ở cách giáo dục trẻ em trong mỗi gia đình, sau đó là nhà trường, xã hội, không nên đổ lỗi cho phim ảnh.
Trao đổi với báo giới, đại diện ê-kíp phim “Người phán xử” cho biết: “Chúng tôi luôn ghi nhận những ý kiến, góp ý, khen chê của khán giả và có sự điều chỉnh thích hợp.
Trong tương lai, chúng tôi cũng có dự định sản xuất những bộ phim nội dung giải trí, chỉ có trên web của nhà đài, nhưng sự thực thì webdrama sẽ chỉ phát triển được nếu tình hình bản quyền được cải thiện hơn”.
Diễn viên Việt Anh cho biết, anh và ê-kíp đã dự báo trước sẽ có nhiều ý kiến trái chiều về phần “tiền truyện” nên không bất ngờ sau phản ứng từ một số khán giả. Nam diễn viên cùng thừa nhận, bản thân rất áp lực vì trước đó bộ phim đã thành công, tạo được dấu ấn tốt.
“Việc phát sóng phần “tiền truyện” trên nền tảng internet là một nhân tố giúp êkíp thực hiện có thể phóng khoáng trong sáng tác, từ đó tạo nên những đột phá so với phiên bản truyền hình. Những chi tiết này nhằm mục đích làm cho mạch phim trở nên mềm mại, hài hước và giúp khán giả không thấy căng thẳng, mệt mỏi.
Chưa kể, phim còn có nhiều nhân vật mới khả thú vị, mang đến sự mới mẻ, kịch tính trong đó có diễn viên Vân Dung. Nhân vật của Vân Dung có cảnh va chạm, xô xát với Phan Hải. Tôi tin rằng đây sẽ là phân đoạn thú vị nhất của tiền truyện”, diễn viên Việt Anh nói.