Vụ nhảy lầu tự tử ở trụ sở Facebook: Là người Trung Quốc, làm việc chăm chỉ nhưng lại bị quản lý chèn ép, đối xử bất công

Bảo Nam |

Nhân viên 38 tuổi đã nhảy xuống tự tử từ lầu 4 của trụ sở Facebook vừa qua được biết tới là người chăm chỉ, sẵn sàng làm việc tới 1-2 giờ đêm nhưng hay bị chèn ép, lợi dụng bởi cấp quản lý phía trên.

Hôm 19/9 vừa qua, tại trụ sở Facebook ở MenloPark, vịnh San Francisco, một người đàn ông đã nhảy xuống từ tầng 4 của một tòa nhà văn phòng và chết tại chỗ. Sự việc xảy ra vào khoảng 11h30 phút sáng và theo điều tra của cảnh sát, đây là

Theo China Business Daily, người tự tử tên là Trần Cần, 38 tuổi, người Trung Quốc. Theo hồ sơ trên trang LinkedIn, Trần Cần tốt nghiệp Đại học Chiết Giang năm 1999, sang Mỹ để học thạc sĩ tại Đại học Nam California năm 2011 và gia nhập vào công ty Facebook vào tháng 3/2018.

"Tôi thường làm việc ngoài giờ cho đến 1 hoặc 2 giờ đêm, có lúc cãi nhau với sếp"

Các nhân viên đang làm việc trên Facebook ngày hôm đó nói rằng vụ việc không gây ra nhiều tác động lớn. Phía công ty khá im lặng và nhiều người không biết về sự việc này. Một nhân viên cho biết vị trí tự sát của Trần Cần là một tòa nhà cao tầng mới xây của Facebook, nên khá ít người biết tới.

Theo các thông tin trên hồ sơ LinkedIn, Trần Cần ở lại Mỹ từ sau khi tốt nghiệp khoa khoa học máy tính tại Đại học Nam California. Sau đó anh bắt đầu vào làm cho một số công ty công nghệ lớn và thường nhảy việc hai năm một lần. Trước khi gia nhập Facebook, anh làm việc cho nhà cung cấp thiết bị Internet Cisco và công ty tư vấn Ryzlink.

Theo thông tin từ trang Facebook cá nhân, Trần Cần gia nhập vào mạng xã hội này từ những ngày đầu tiên. Trong những năm sống ở Mỹ, cuộc sống hàng ngày của anh xoay quanh các sở thích cá nhân như đi bộ đường dài, trượt tuyết và các môn thể thao ngoài trời khác.

Vụ nhảy lầu tự tử ở trụ sở Facebook: Là người Trung Quốc, làm việc chăm chỉ nhưng lại bị quản lý chèn ép, đối xử bất công - Ảnh 2.

Hình ảnh từ Facebook của Trần Cần.

Theo chia sẻ từ phía gia đình, công việc của Trần Cần thời gian trước khi anh tự tự là "vô cùng tuyệt vọng". Trong 6 tháng gần đây, anh rất bận rộn với các dự án của công ty. Người đàn ông này thường xuyên phải ở lại làm thêm giờ cho tới 1-2 giờ đêm.

Một đồng nghiệp của anh cho biết vào ngày định mệnh, Trần Cần đã có một cuộc cãi vã gay gắt trong văn phòng của người quản lý trực tiếp. Có người nghe thấy sếp anh hét lên: "Đi ra ngoài" và Trần Cần đáp lại rằng: "Thật không công bằng". Ngay sau đó, anh đã nhảy từ tầng cao nhất của tòa nhà xuống. Một người quen của anh nói rằng dù Trần Cần đã làm việc ở Mỹ được 8 năm, nhưng anh ta vẫn chưa có "thẻ xanh". Người đàn ông Trung Quốc này chỉ có visa theo chế độ làm việc và anh ta phải hỗ trợ gia đình rất nhiều về kinh tế.

Hiện tại, gia đình Trần Cần đã thuê một luật sư để đệ đơn kiện.

Cựu nhân viên Facebook tiết lộ: "Ông chủ của Trần Cần đã không giữ lời hứa"

Vào ngày 23/9, Patrick Shyu, cựu giám đốc công nghệ người Nhật Bản, người vừa rời Facebook, đã chia sẻ thông qua một video trên YouTube về các thông tin liên quan tới cái chết của Trần Cần. Ông cũng cho biết người nhân viên Trung Quốc này đã phải làm việc cả ngày lẫn đêm, nhưng vẫn bị đánh giá là có hiệu suất kém và thậm chí là đuổi việc.

Vụ nhảy lầu tự tử ở trụ sở Facebook: Là người Trung Quốc, làm việc chăm chỉ nhưng lại bị quản lý chèn ép, đối xử bất công - Ảnh 3.

Patrick Shyu trong video chia sẻ về cái chết của Trần Cần và môi trường làm việc khắc nghiệt bên trong Facebook.

Trong video, Shyu chỉ trích văn hóa cạnh tranh tàn khốc của công ty và áp lực cao liên quan đến nó. Theo Shyu, quản lý của Trần Cần đã không giữ lời hứa, đưa ra đánh giá thấp hơn những gì đáng ra anh phải được nhận trong bảng xếp hạng năng lực của quý gần nhất.

"Việc bị xếp hạng thấp khiến anh ta không thể thay đổi nhóm. Nếu không thể thay đổi nhóm, Trần Cần sẽ được đưa vào diện PIP (cần làm việc chăm chỉ hơn), điều đó có nghĩa là anh ta có khả năng bị sa thải. Anh ta không có thẻ xanh, chỉ có visa làm việc và sa thải có nghĩa là khả năng ở lại Mỹ cũng bị đe dọa", Shyu nói.

"Mặc dù tôi không muốn nói về điều đó, nhưng các nhân viên của Facebook đã tìm đến tôi và hy vọng rằng tôi có thể nói thay họ. Vì họ đã bị quản lý của công ty cấm chia sẻ về vấn đề này", Shyu nói thêm.

Shyu đã làm việc trong vai trò kỹ sư phần mềm tại Google và Facebook. Ông hiện là một ngôi sao trên YouTube, chủ yếu sản xuất các video tiết lộ câu chuyện dấu kín về đời sống của các lập trình viên. Hiện tại, tài khoản YouTube của ông có hơn 500.000 người đăng ký. Ông nói rằng nguồn thông tin của mình đến từ chính các nhân viên đang làm việc tại các công ty lớn, những người muốn chia sẻ câu chuyện của mình nhưng cần được giấu danh tính.

Người Trung Quốc tại Facebook lên tiếng đòi sự thật

Theo CNBC, vào ngày 26/9 vừa qua, trước động thái phản ứng quá đơn giản và mang tính công thức của Facebook, gần 200 người Trung Quốc đã tập trung tại trụ sở của mạng xã hội này để yêu cầu "Công lý cho Trần Cần" (Justice for Qin). Một số người đã hô khẩu hiệu, kêu gọi người đứng đầu trụ sở Facebook trả lời các thắc mắc của mọi người và điều tra vấn đề một cách công khai.

Vụ nhảy lầu tự tử ở trụ sở Facebook: Là người Trung Quốc, làm việc chăm chỉ nhưng lại bị quản lý chèn ép, đối xử bất công - Ảnh 4.

Ảnh chụp từ video biểu tình của cộng đồng người Trung Quốc tại trụ sở Facebook.

Nhĩ Dương, một trong những tình nguyện viên tổ chức cuộc biểu tình, nói: "Facebook cần cho chúng tôi biết những gì đã xảy ra với anh ấy", đồng thời cáo buộc Facebook về một môi trường làm việc tồi tệ.

Một người phụ nữ tham gia cuộc biểu tình nói rằng: "Trần Cần là trụ cột của gia đình và sẽ không dễ dàng tự sát. Đó chắc chắn là một quyết định rất khó khăn". Một người phụ nữ khác có mặt tại hiện trường nói rằng nguyên nhân của cuộc này nhằm "đưa sự thật ra ánh sáng và cho các kỹ sư của chúng tôi một môi trường làm việc tốt hơn", cũng như "khuyến khích sự giúp đỡ về vật chất cho gia đình Trần Cần".

"Đã một tuần kể từ khi vụ việc xảy ra. Hầu như không có báo cáo nào từ các phương tiện truyền thông địa phương ở Mỹ và gần như không có thông tin nào có thể được tìm thấy trên Facebook", một người đàn ông chia sẻ. Ông cũng cáo buộc Facebook đã "kiểm soát truyền thông" và có ý định ngăn chặn sự lây lan trong dư luận từ vụ tự tử của Trần Cần.

Ngoài các cuộc tụ họp tại chỗ yêu cầu Facebook phản hồi, các nhóm người Trung Quốc khác cũng đang thiết lập tài khoản trên Twitter và các trang mạng xã hội để tạo ra tiếng nói ngày càng mạnh mẽ hơn.

Theo CNBC, sau cuộc biểu tình vào ngày 26/9, người phát ngôn của Facebook đã lên tiếng nói rằng công ty rất buồn về vụ tự tử của nhân viên và cho biết trong thời gian này, "chúng tôi đang làm hết sức mình để hỗ trợ gia đình và những người thân yêu của anh ấy". Phát ngôn viên của Facebook cũng cho biết công ty sẽ thuê một chuyên gia phòng chống tự tử "đẳng cấp thế giới" để hướng dẫn theo dõi và "cung cấp hỗ trợ phòng ngừa tinh thần và tự tử cho tất cả nhân viên".

Tham khảo CNBC, 163.com

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại