Người Nhật: Người Việt Nam đã suy nghĩ cân bằng hơn giữa cái cũ và cái mới

Ngọc Diệp |

Một người Nhật từng có 14 năm sống ở Hà Nội chia sẻ quan điểm thú vị của ông về Hà Nội, người Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung cách đây 30 năm và hiện tại.

Mới đây, cộng đồng người Việt Nam đã rất ngạc nhiên và thích thú với bộ ảnh về Hà Nội của thập niên 1990 do nhân viên một công ty sản xuất đồng thời là nhiếp ảnh gia người Nhật có tên Yuichi Kobayashi ghi lại.

Trong khoảng thời gian ngắn được chia sẻ trên trang cá nhân của ông, bộ ảnh đã nhận được hàng nghìn lượt chia sẻ và yêu thích, những người đã và đang sống ở Hà Nội cảm thấy rất hạnh phúc khi được nhìn lại Hà Nội cách đây gần 3 thập kỷ.

Trong bộ ảnh của ông người ta thấy lại được nhiều địa điểm, nhiều con phố cũ với những cửa hàng cửa hiệu mà giờ đây sau 3 thập kỷ đã không còn bóng dáng nữa. Không ít người đã tìm thấy lại được những con ngõ xưa nơi gia đình họ sinh sống.

Phóng viên BizLIVE đã có cuộc phỏng vấn nhanh với ông Yuichi Kobayashi về lý do ông chụp bộ ảnh, lưu trữ chúng và tình yêu cũng như cảm nhận của ông với Hà Nội.

Tại sao ông lại ở Hà Nội từ những năm 1994,1995, ông cảm nhận thế nào về Hà Nội khi đó và điều gì đã khiến ông quyết định ghi lại nhiều bức hình và video?

Tôi đến Hà Nội lần đầu tiên vào đầu năm 1995 để khởi đầu công việc kinh doanh, sau đó, trong khoảng 1 năm tháng nào tôi cũng bay từ Nhật sang Hà Nội bởi có công việc phải giải quyết. Từ năm 1996, tôi bắt đầu sống ở Hà Nội. Tôi sống ở Hà Nội suốt từ năm 1996 đến năm 2000. Sau đó từ năm 2007 tôi lại được giao đảm nhiệm công việc ở Hà Nội và lần này tôi sống ở Hà Nội thêm 10 năm nữa.

Những ngày đầu đến Hà Nội, tôi cảm nhận không gian Hà Nội khá tối bởi khi đó thời tiết nhiều khi ảm đạm còn các tòa nhà không được tu sửa nhiều. Thế nhưng tôi thích khuôn mặt tươi cười nồng ấm của người Hà Nội, tôi bắt đầu thích Hà Nội.

Khi ấy, người Hà Nội chưa giàu. Thế nhưng dù cuộc sống còn khó khăn, họ luôn cư xử rất ấm áp và tương trợ lẫn nhau, tôi cảm thấy cuộc sống giàu tình người. Khi tôi đi bộ dọc trên các con phố của Hà Nội, tôi cảm thấy người ta rất gần gũi với nhau. Và đó là một lý do khiến tôi thích Hà Nội. Tôi cũng ấn tượng rằng người dân rất yêu và tự hào vì đất nước mình.

Mỗi con phố của Hà Nội đều có những hàng cây cao lâu năm tuổi. Khi tôi nghĩ về các thành phố thủ đô trên khắp thế giới, tôi không nhớ được có nhiều thành phố có những hàng cây đẹp như ở Hà Nội. Nhiều người nói rằng Hà Nội bẩn và ồn ào, tôi không nghĩ vậy. Với tôi, Hà Nội cho đến tận bây giờ vẫn đẹp với nhiều hàng cây đẹp dọc các con phố cũng như nhiều tòa nhà cũ được bảo tồn.

Chụp ảnh là thú vui của tôi lúc rảnh rỗi, mỗi khi có thời gian, tôi đi khắp phố chụp ảnh. Tôi cũng ghi lại nhiều đoạn video về Hà Nội để giới thiệu Hà Nội đến các nhân viên của tôi.

Theo quan điểm của ông, Hà Nội nên cố gắng gìn giữ những giá trị gì, kiến trúc, văn hóa hay phong tục tập quán; ông nghĩ sao về Hà Nội hiện đại và theo ông có điều gì mà người Hà Nội và người Việt Nam nên làm để hướng tới tương lai?

Cuộc sống của người Hà Nội giờ đây đã giàu có hơn rất nhiều. Tôi nghĩ người Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung cần nghĩ đến việc cân bằng sự phát triển cho tương lai. Họ cần nhìn vào bài học của các nước phát triển và rút ra kinh nghiệm cho chính mình.

Việt Nam đang cố gắng theo kịp các nước phát triển. Tôi không nói rằng điều đó không tốt. Thế nhưng tôi nghĩ Việt Nam cần cố gắng giữ gìn lợi thế nguyên bản của Việt Nam và sử dụng nó để cạnh tranh với các nước khác trên thế giới.

Ví dụ như kỹ năng và năng lực trong ngành chế tạo có thể coi như một lợi thế. Thế nhưng hoạt động quản lý chất lượng – chi phí – vận chuyển (QCD) vẫn còn thấp hơn chuẩn của thế giới.

Trong ngành ô tô chẳng hạn, tôi được biết rằng ô tô “Made in Vietnam” đã được sản xuất tại Việt Nam, đó là tin tốt. Thế nhưng theo cá nhân tôi, đó chỉ là lắp ráp tại Việt Nam. Tôi nghĩ rằng việc sản xuất được phụ tùng chuẩn có thể mang đến sức mạnh quan trọng cho Việt Nam trong tương lai (đặc biệt trong ngành ô tô).

Hệ thống giáo dục Việt Nam cần phải nghĩ cách tăng được năng lực sản xuất phụ tùng đi cùng với đó là hoạt động quản lý chất lượng – chi phí – vận chuyển (QCD). Việc sản xuất với kỹ năng chuẩn xác có thể coi như lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trên thế giới.

Hoặc nhìn vào lĩnh vực công nghệ thông tin, nhiều công ty công nghệ thông tin Việt Nam nhận đơn đặt hàng từ nước ngoài để thiết kế phần mềm. Việt Nam là một trong những nước nổi tiếng nhất thế giới về thiết kế phần mềm.

Thế nhưng ngành công nghệ thông tin Việt Nam không nên chỉ dừng lại ở thiết kế phần mềm theo đơn đặt hàng. Ngành công nghệ thông tin cần mang đến cơ chế xử lý công việc hiệu quả cho các nhà máy, công sở, ngành nông nghiệp… Công nghệ thông tin là một trong những công cụ giúp tăng hiệu quả công việc. Và với riêng Việt Nam, tôi nghĩ nguồn lực con người sẽ giúp Việt Nam tiếp tục có sức cạnh tranh trong tương lai.

Ông có thể chia sẻ đôi chút về cuộc sống hiện tại của ông ở Nhật, ông có kế hoạch đến Việt Nam trong tương lai hay không?

Tôi đã quay lại trụ sở công ty tại Nhật để làm việc từ 2 năm trước. Nếu tôi có cơ hội, tôi sẽ trở lại Hà Nội để làm việc với người Việt Nam. Số lượng người Việt Nam tại Nhật đang ngày một đông dần. Tôi tin họ sẽ mang được nhiều kinh nghiệm quý báu từ Nhật để về xây dựng đất nước Việt Nam. Hiện tại tôi cũng đang kết bạn với một số người Việt Nam tại Nhật.

Khi tôi đăng tải hình ảnh và video về Hà Nội lên mạng Internet, tôi rất bất ngờ với sự yêu thích quá lớn của người Việt. 5 hoặc 10 năm trước đây, tôi cảm nhận rằng người Việt không quan tâm đến những điều cũ như bây giờ. Nhiều người thậm chí còn nói với tôi: “Tôi không thích những điều cũ. Những thứ cũ chỉ toàn thứ không tốt và tôi không quan tâm”.

Nhưng giờ đây, nhiều người nói với tôi rằng họ vô cùng hạnh phúc khi nhìn lại được nhiều con phố cũ nơi lưu giữ kỷ niệm đẹp của ngày xưa. Rõ ràng người Việt đang thay đổi, họ cân bằng tốt hơn giữa suy nghĩ về cái cũ và cái mới, điều đó không có ở thời điểm cách đây 5,10 năm.

Dưới đây là một số bức hình trong bộ ảnh của kỹ sư người Nhật Yuichi Kobayashi

Người Nhật: Người Việt Nam đã suy nghĩ cân bằng hơn giữa cái cũ và cái mới - Ảnh 1.

Phố Bà Triệu năm 1995

Người Nhật: Người Việt Nam đã suy nghĩ cân bằng hơn giữa cái cũ và cái mới - Ảnh 2.

Phố Hàng Dầu năm 1999

Người Nhật: Người Việt Nam đã suy nghĩ cân bằng hơn giữa cái cũ và cái mới - Ảnh 3.

Phố Hàng Gai năm 1999

Người Nhật: Người Việt Nam đã suy nghĩ cân bằng hơn giữa cái cũ và cái mới - Ảnh 4.

Phố Hàng Gai năm 1999

Người Nhật: Người Việt Nam đã suy nghĩ cân bằng hơn giữa cái cũ và cái mới - Ảnh 5.

Xe bus ở Hà Nội năm 1997

Người Nhật: Người Việt Nam đã suy nghĩ cân bằng hơn giữa cái cũ và cái mới - Ảnh 6.

Hồ Gươm năm 1999

Người Nhật: Người Việt Nam đã suy nghĩ cân bằng hơn giữa cái cũ và cái mới - Ảnh 7.

Hồ Gươm năm 1999

Người Nhật: Người Việt Nam đã suy nghĩ cân bằng hơn giữa cái cũ và cái mới - Ảnh 8.

Ông Yuichi Kobayashi

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại