Người Nhật đã âm thầm chuẩn bị cho "ngày ô nhục" của nước Mỹ ở Trân Châu Cảng như thế nào?

Thủy Thu |

"Máy bay của chúng ta đậu trên mặt đất đã bị họ cho phát nổ rồi", Tổng thống Mỹ khi đó là Franklin D.Roosevelt nhắc đi nhắc lại việc Trân Châu Cảng bị tấn công với cấp dưới.

Kế hoạch 10 năm

Trân Châu Cảng là hải cảng trên đảo O'ahu, thuộc quần đảo Hawaii. Phần lớn cảng và khu vực xung quanh đều thuộc cảng quân sự nước sâu của hải quân Mỹ. Đây cũng là trung tâm chỉ huy của Hạm đội Thái Bình Dương.

Từ năm 1898, Mỹ bắt đầy xây dựng nơi này thành trung tâm quân sự quan trọng kiểm soát khu vực Thái Bình Dương.

Khoảng thời gian từ năm 1919 đến 1922, quân đội Mỹ lần lượt xây dựng các căn cứ tàu ngầm và không quân. Tại đây, Mỹ đã biên chế 94 tàu chiến các loại, trong đó có bốn tàu sân bay.

"Trân Châu Cảng là cửa ngõ tại Thái Bình Dương của Mỹ, mở cửa Trân Châu Cảng thì có thể nhìn thấy kho báu trên lục địa Mỹ", báo đảng Trung Quốc Nhân dân nhật báo bình luận.

Theo báo này, Trân Châu Cảng luôn là địa điểm được hải quân Nhật Bản để mắt tới. Bởi trên thực tế, kể từ sau chiến tranh Nga-Nhật, Tokyo đã dần coi Washington là một đối thủ tiềm năng.

"Từ năm 1931, sinh viên tốt nghiệp Học viện hải quân Nhật Bản đều phải trả lời câu hỏi: "Theo bạn nên tấn công Trân Châu Cảng như thế nào?", Nhân dân nhật báo viết.

Tờ này dẫn lời Đại tướng hải quân Nhật Bản - Đô đốc Isoroku Yamamoto đồng thời cũng là người chỉ huy trận Trân Châu Cảng cho biết:

"Trong chiến tranh Nhật-Mỹ, quân đội Nhật Bản đầu tiên sẽ thực hiện chiến lược: Tiến hành tấn công dũng mãnh, phá vỡ hạm đội chính của đối phương, khiến hải quân và người dân Mỹ không thể trợ giúp...".

Tháng 6/1941, tướng Isoroku Yamamot đã đề xuất phương án trên với Bộ chiến tranh Nhật Bản tuy nhiên đề xuất này đã gặp phải nhiều ý kiến trái chiều từ nội bộ.

Một số người nghi ngờ tính khả thi của kế hoạch với lý do hạm đội đồ sộ có tầm hoạt động 3500 hải lý lẽ nào lại không bị phát hiện.

"Nếu Nhật Bản có được thiên thời, tác chiến tại Hawaii nhất định sẽ thành công, nếu thất bại giữa chừng thì có thể bỏ kế hoạch tác chiến này", Yamamot đáp trả khi được hỏi về tính khả thi của kế hoạch.

Theo Nhân dân nhật báo, tướng Nhật đã chọn thời gian tấn công Trân Châu Cảng là 13h chiều ngày 7/12/1941 - theo giờ Bờ Đông nước Mỹ.

Sau đó, ông đã thông báo cho Đại sứ Nhật ở Mỹ rằng: Đầu tiên, phải liên lạc với Ngoại trưởng Mỹ vào khoảng 10h20 sáng cùng ngày - đây là thời điểm máy bay Nhật cất cánh từ tàu sân bay. Sau đó, Đại sứ Nhật sẽ đặt lịch gặp mặt Ngoại trưởng Mỹ vào đúng 13h chiều - đây là thời điểm máy bay Nhật thả quả bom đầu tiên xuống Trân Châu Cảng.

Đến ngày 7/12, khoảng 12h32 giờ bờ Đông cũng là 7h02 giờ Hawaii, một binh sĩ quan sát Radar tại đảo O'ahu - đảo quan trọng thuộc quần đảo Hawaii báo cáo với thượng cấp, phát hiện một đại đội máy bay đang bay rất nhanh về hướng căn cứ quân sự Mỹ tại khu vực này.

Theo báo Trung Quốc, vị thượng cấp này đã trấn an binh sĩ quan sát Radar và cho rằng, đại đội máy bay này là máy bay Mỹ cất cánh từ Lục địa?!.

"Khoảng 20 phút sau, số máy bay được coi là "máy bay nhà" đã thả bom như mưa xuống Trân Châu Cảng", báo Trung Quốc viết.

Người Nhật đã âm thầm chuẩn bị cho ngày ô nhục của nước Mỹ ở Trân Châu Cảng như thế nào? - Ảnh 1.

Tàu USS West Virginia đang bốc cháy. (Ảnh: Library of Congress)

Thu dọn tàn cục

15h chiều Washington, Thiếu tướng - Tư lệnh hạm đội thiết giáp hạm thứ nhất hải quân Mỹ Chester William Nimitz mở radio đài CBS (Mỹ) theo dõi chương trình ca nhạc tại nhà riêng. Tuy nhiên, thông tin ông nghe được không phải là âm nhạc mà là giọng nói gấp gáp của phát thanh viên: "Hôm nay, quân đội Nhật Bản đã tập kích Trân Châu Cảng".

Dường như không kịp nghe câu thứ hai, tướng Nimitz vội vàng mặc quân phục, đi thẳng đến Bộ tư lệnh hải quân. Một tiếng sau, ông được một chiếc xe chạy với tốc độ cao đưa tới Nhà Trắng.

"Máy bay của chúng ta đậu trên mặt đất đã bị họ cho phát nổ rồi", Tổng thống Franklin D.Roosevelt nhắc đi nhắc lại trước mặt Nimitz.

Báo đảng Trung Quốc cho biết, Tổng thống Mỹ khi đó đã rất tức giận và không ngừng chỉ trích Thiếu tướng - Tư lệnh hạm đội Trân Châu Cảng Husband Edward Kimmel.

Bởi hai tuần trước khi xảy ra sự việc, tướng Kimmel đã nhận được thông báo khẩn của Bộ hải quân, yêu cầu ông cảnh giác với hành động của Tokyo. Cơ quan Lục quân Mỹ cũng đồng thời phát đi thông báo nhắc nhở, "chiến tranh có thể ập đến bất ngờ, hoạt động tấn công có thể xảy ra".

Tuy nhiên tướng Kimmekhi đó vẫn cho binh sĩ nghỉ ngơi thường lệ vào ngày Chủ nhật 7/12 và lệnh triển khai tất cả máy bay quân sự ở sân bay trung tâm bởi ông cho rằng, hoạt động tấn công nói trên có thể là hành vi gây rối của Nhật kiều trên đảo O'ahu.

Sau khi sự việc xảy ra, Tổng thống Roosevelt đã vô cùng tức giận điều Thiếu tướng Nimitz thay thế chức vụ của Kimmel.

"Anh đến Trân Châu Cảng, thu dọn tàn cục, sau đó ở lại đến khi chiến tranh kết thúc hãy trở về", Nhân dân nhật báo dẫn lời Tổng thống Roosevelt nói với Nimitz.

Trận Trân Châu Cảng là một đòn tấn công quân sự bất ngờ được Hải quân Nhật Bản thực hiện nhằm vào căn cứ hải quân của Mỹ tại Trân Châu Cảng thuộc tiểu bang Hawaii vào sáng Chủ Nhật 7/12/1941, dẫn đến việc Washington sau đó quyết định tham gia vào hoạt động quân sự trong Chiến tranh thế giới thứ hai.

Chỉ trong vòng hai giờ, đợt tấn công của Nhật Bản đã phá hủy 4 tàu chiến và gần 190 phi cơ, gây hư hại 4 tàu, làm hơn 2.000 lính Mỹ thiệt mạng, khoảng 1.200 người bị thương.

Trong bài phát biểu trước quốc hội một ngày sau đó, Tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt gọi ngày 7/12/1941 là "ngày sẽ sống mãi trong nỗi ô nhục".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại