Người Mỹ "thờ ơ" trước khoản nợ công hơn 20 nghìn tỉ USD: Ai sẽ trả giá?

Tiến sĩ Terry F. Buss |

Nếu xếp 20 nghìn tỉ thành 1 cọc gồm toàn đồng 1 USD thì cọc tiền này có thể cao tới 2.238.423 km, tương đương 6 lần khoảng cách từ trái đất đến mặt trăng.

Khoản nợ của chính phủ Mỹ đã vượt mức 20 nghìn tỉ USD, và các quan chức có vẻ không hề bận tâm. Nhưng họ không nên thờ ơ như vậy!

Có thể khoản nợ khổng lồ này không nhận được nhiều sự quan tâm bởi ít ai nhận thức được con số 20 nghìn tỉ USD lớn đến nhường nào. Theo website www.nationaldebtclocks.org (Trang web thể hiện thông tin trực quan về số nợ của nước Mỹ - ND), nếu xếp 20 nghìn tỉ thành 1 cọc gồm toàn đồng 1 USD thì cọc tiền này có thể cao tới 2.238.423 km, tương đương 6 lần khoảng cách từ trái đất đến mặt trăng.

Người Mỹ thờ ơ trước khoản nợ công hơn 20 nghìn tỉ USD: Ai sẽ trả giá? - Ảnh 1.

Tính đến ngày 8/2/2018, khoản nợ công của chính phủ Mỹ đã xấp xỉ 20,5 nghìn tỉ USD. Nếu chia bình quân đầu người, thì mỗi công dân Mỹ (từ trẻ sơ sinh cho tới người đã nghỉ hưu) đang phải gánh khoản nợ công 63.217 USD. Còn nếu chia bình quân cho đối tượng người lao động đóng thuế, thì trung bình mỗi người đang phải gánh 170.400 USD nợ công chính phủ.

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hàng năm của Mỹ là 19,6 nghìn tỉ USD. Do đó khoản nợ công của Mỹ hiện nay xấp xỉ 107% tổng giá trị của các hàng hóa và dịch vụ mà nước này sản xuất trong một năm. Lãi suất của số nợ hiện nay là 185 tỉ USD.

Khoản nợ khổng lồ này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, bao gồm các khoản chi tiêu quá mức của chính phủ liên bang, kinh tế chậm tăng trưởng, và chính phủ không thu đủ thuế. Chính phủ Mỹ chi khoảng 4 nghìn tỉ USD mỗi năm, nhưng thâm hụt từ khoảng 600 đến 700 tỉ USD. Tất nhiên những khoản thâm hụt thuế - tức thâm hụt ngân sách này cũng được tính vào nợ công.

Tình hình của chính phủ Nhật Bản còn tồi tệ hơn Mỹ. Hiện nay chính phủ Nhật đang nợ 9,5 nghìn tỉ USD, tương đương 250% GDP của quốc gia này. Pháp cũng trong tình trạng tương tự như Mỹ với khoản nợ 2,2 nghìn tỉ USD, tương đương 99% GDP. Tình hình của Đức có vẻ sáng sủa hơn, với khoản nợ 2,5 nghìn tỉ USD, tương đương 69% GDP. Trung Quốc là quốc gia đang nợ ít nhất so với tổng sản phẩm quốc nội: 4,7 nghìn tỉ USD, tương đương 43% GDP.

Người Mỹ thờ ơ trước khoản nợ công hơn 20 nghìn tỉ USD: Ai sẽ trả giá? - Ảnh 2.

Quả thật Mỹ đang nợ một khoản tiền khổng lồ, nhưng việc khoản nợ này gia tăng còn đáng lo ngại hơn. Lần cuối cùng nợ công của Mỹ lên đến 100% GDP là từ hồi Thế Chiến II.

Từ khi ông Obama bắt đầu nhiệm kỳ Tổng thống năm 2009 đến khi ông rời nhiệm sở vào tháng 1/2017, khoản nợ công của Mỹ đã tăng lên gần gấp đôi, từ 10,6 nghìn tỉ USD lên đến 19 nghìn tỉ USD. Khoản tiền này còn lớn hơn tổng số nợ công mà nước Mỹ phải gánh dưới thời của tất cả những vị lãnh đạo tiền nhiệm cộng lại.

Sau khi phải đối mặt với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, ông Obama đã nỗ lực xoa dịu tình hình bằng gần 1 nghìn tỉ USD nhờ cắt giảm các khoản thuế, gia hạn trợ cấp thấp nghiệp, và tăng các khoản chi tiêu trong nước, bao gồm đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Ông Obama chỉ dành một khoản chưa đến 900 tỉ USD cho các cuộc chiến ở Trung Đông.

Người Mỹ thờ ơ trước khoản nợ công hơn 20 nghìn tỉ USD: Ai sẽ trả giá? - Ảnh 3.

Ông Obama chỉ dành một khoản chưa đến 900 tỉ USD cho các cuộc chiến ở Trung Đông. Ảnh: AP

Trong 2 nhiệm kỳ từ năm 2001 – 2008, Tổng thống George W. Bush đã khiến khoản nợ công tăng thêm 5 nghìn tỉ USD, trong đó chỉ riêng chính sách cắt giảm thuế và khoản chi tiêu quân sự tại Afghanistan của ông Bush đã tiêu tốn hơn 2 nghìn tỉ USD.

Ông Obama và ông Bush cũng phải đối mặt với những khoản chi tiêu "bắt buộc" khổng lồ cho ngân sách An sinh Xã hội (ASXH) và chương trình Medicare – tức quỹ hưu trí và chương trình bảo hiểm y tế dành cho người cao tuổi ở Mỹ. Ngân sách dành cho 2 chương trình này là 2,5 nghìn tỉ USD, chiếm 62% tổng chi tiêu chính phủ liên bang. Hai vị Tổng thống tỏ ra khá thận trọng khi đặt hạn mức chi tiêu cho ngân sách quân sự ở khoảng 1 nghìn tỉ USD.

Mức thâm hụt ngân sách (thâm hụt thuế so với tổng chi tiêu chính phủ) thời Tổng thống Obama được coi là "kỉ lục" tại Mỹ. Trong 8 năm tại nhiệm, ông Obama đã phải đối mặt với khoản thâm hụt lên đến 6,7 nghìn tỉ USD, nhiều hơn hẳn so với khoản thâm hụt 3, 3 nghìn tỉ của ông Bush trong 8 năm.

Người Mỹ thờ ơ trước khoản nợ công hơn 20 nghìn tỉ USD: Ai sẽ trả giá? - Ảnh 4.

Tất cả những khoản nợ công và thâm hụt trong năm 2017 đều có từ thời cựu Tổng thống Obama, chứ không phải của ông Trump. Những vị Tổng thống kế nhiệm thường phải gánh vác các vấn đề tài chính do người tiền nhiệm gây ra. Vậy ông Trump sẽ làm gì để giải quyết khoản nợ công khổng lồ này?

Khi còn tranh cử Tổng thống, ông Trump đã hứa hẹn sẽ giảm số nợ công bằng cách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và cắt giảm các khoản chi tiêu lãng phí của chính phủ. Ông Trump cũng hứa sẽ chấm dứt các cuộc chiến tranh ở nước ngoài và xóa bỏ thâm hụt thương mại, đồng thời cam kết sẽ giảm mạnh và cải cách thuế, cũng như xóa bỏ các quy định tốn kém của chính phủ liên bang.

Tổng thống Trump đã loại trừ các quy định của nhà nước khiến doanh nghiệp phải tiêu tốn khoảng 26 tỉ USD trong năm 2017.

Ông Trump cũng đã cắt giảm khoảng 1/3 số chương trình quốc gia – ví dụ như ngân sách của Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) và Bộ Ngoại giao - nhưng ông chủ Nhà Trắng vẫn buộc phải tăng cường đầu tư Quốc phòng. Ông Trump hy vọng việc hủy bỏ chương trình bảo hiểm y tế của ông Obama (Obamacare) sẽ góp phần tiết kiệm ngân sách, nhưng có vẻ điều này không mấy khả thi.

Người Mỹ thờ ơ trước khoản nợ công hơn 20 nghìn tỉ USD: Ai sẽ trả giá? - Ảnh 5.

Obamacare là chương trình bảo hiểm y tế do ông Obama khởi xướng. Ảnh: Reuters

Ông Trump đã tuyên bố sẽ không can thiệp đến quỹ ASXH hay ngân sách dành cho chương trình Medicare.

Gần đây, Quốc hội Mỹ đã thông qua dự luật cắt giảm thuế và cải cách thuế cho các cá nhân và tập đoàn nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế. Nếu mức tăng trưởng kinh tế tăng từ 3% lên 5%, thì Quốc hội Mỹ dự tính khoản thu mới này có thể bù vào phần thuế được cắt giảm. Các chuyên gia ước tính tổng giá trị thuế được cắt giảm là từ 1-1,5 nghìn tỉ USD.

Ngày 8/2 vừa qua, Quốc hội Mỹ đã chấp nhận tăng khoản ngân sách thâm hụt thêm 500 tỉ USD, đồng thời nâng mức trần vay nợ đối với Cục Dự trữ Liên bang để ngăn chặn nguy cơ chính phủ nước này phải đóng cửa thêm lần nữa. Các nghị sĩ đảng Cộng hòa muốn tăng ngân sách quốc phòng, còn nghị sĩ Dân chủ lại muốn chính phủ đầu tư nhiều hơn cho các chương trình trong nước. Hiện tại, tất cả mọi người đều đang khá hài lòng với việc gia tăng ngân sách nhà nước!

Mặc dù những động thái của chính phủ hứa hẹn sẽ giúp giảm thâm hụt ngân sách, tạp chí Forbes nhận định những chính sách này cũng có nguy cơ gây thâm hụt thêm 700 triệu USD trong vài năm tới. Do đó, dù mất đi vài trăm tỉ USD từ cắt giảm thuế, thì thâm hụt ngân sách vẫn chỉ tăng chưa đầy 1 nghìn tỉ USD mỗi năm. Sau khi chính phủ quyết định gia tăng mức chi tiêu trong tháng Hai vừa qua, khoản nợ công sẽ tăng lên 1,1 nghìn tỉ USD.

Rất nhiều chuyên gia, và thậm chí cả Quốc hội Mỹ đã chán nản trước tình hình này và cho rằng nợ công chính phủ tăng thêm 1 nghìn tỉ USD hàng năm là "chuyện bình thường". Cá nhân tôi cho rằng, một khi Tổng thống Trump và Quốc hội Mỹ đã chấp nhận tăng 1 nghìn tỉ USD nợ công mỗi năm, thì họ cũng sẽ chẳng hề nao núng nếu khoản nợ ấy tăng thêm chút nữa.

Người Mỹ thờ ơ trước khoản nợ công hơn 20 nghìn tỉ USD: Ai sẽ trả giá? - Ảnh 6.

Có thể trả lời ngắn gọn là các đảng phái chính trị của Mỹ và các cử tri đại diện đều có mong muốn chi tiêu vượt xa khả năng chi trả của họ. Việc cố gắng cắt giảm chi tiêu luôn dẫn đến đấu đá chính trị dữ dội giữa những người được hưởng lợi và những người phải chịu thiệt, nhưng cuối cùng thì các khoản nợ và thâm hụt vẫn tiếp tục chồng chất.

Ngay cả những thành viên "Đảng Trà" (ND: Tea Party – những người theo chủ nghĩa bảo thủ tài chính) trong Quốc hội, những người được bầu để giảm chi tiêu và nợ chính phủ đã "góp phần" gia tăng nợ công và thâm hụt ngân sách.

Hãy cùng phân tích hai chương trình ASXH và Medicare. Cả hai chương trình này đang khiến thâm hụt và nợ công gia tăng và vẫn chưa có dấu hiệu ngừng lại. Đến năm 2034, dự đoán quỹ ASXH chỉ có thể chi trả 80% phúc lợi từ các khoản thuế, và hiện tại quỹ này đang thiếu 6 nghìn tỉ USD. Điều khiến tình hình tệ hơn nữa là chính phủ hiện nay đang phải mượn tiền từ quỹ ASXH, mà quỹ này lại phải mua trái phiếu chính phủ. Do đó hiện tại chính phủ đang nợ tiền của chính mình. Có ai thấy bất ổn trong hệ thống này không?

Trong bất cứ trường hợp nào, những người phải đóng tiền cho quỹ ASXH suốt thời gian lao động sẽ không muốn phúc lợi của mình bị cắt giảm hoặc xóa bỏ. Cách duy nhất để can thiệp vào những chương trình này là Quốc hội Mỹ thông qua đạo luật để thay đổi. Tuy nhiên, phần lớn dân số Mỹ là người cao tuổi và lựa chọn của họ có ảnh hưởng lớn đến kết quả bầu cử. Không đảng chính trị nào và hầu như chẳng chính trị gia nào muốn "gặp rắc rối" với nhóm người quyền lực này.

Nếu chính phủ không thể động đến quỹ ASXH và Medicare, thì họ chỉ có thể nhắm tới những chương trình "tự định" để cắt giảm thâm hụt ngân sách.

Các đảng phái chính trị có quan điểm khác nhau khi đề xuất cách cắt giảm chi tiêu hoặc tái phân bổ ngân sách nhà nước. Trong khi đảng Cộng hòa muốn cắt giảm chi tiêu trong nước, thì đảng Dân chủ lại muốn tăng khoản này. Đảng Cộng hòa ưu tiên chi tiêu quốc phòng, nhưng đảng Dân chủ lại muốn giảm chi tiêu quốc phòng để tập trung vào các chương trình trong nước.

Như đã nói phía trên, giải pháp duy nhất cho tình thế tiến thoái lưỡng nan này là chiều lòng tất cả, đồng nghĩa với việc nợ công gia tăng.

Nếu tính gộp cả chương trình ASXH và Medicare trong ngân sách nhà nước, thì ngân sách Quốc phòng chiếm 16% tổng ngân sách, còn nếu chỉ tính những chương trình tự định, thì ngân sách Quốc phòng chiếm đến 57%. Ai cũng hy vọng chiến tranh mau kết thúc để dùng số tiền dành cho Quốc phòng vào các chương trình khác.

Không may là, các cuộc chiến không bao giờ kết thúc nhưng số tiền đổ vào đó lại thường xuyên được tái phân bổ. Một khi tiền được tái phân bổ, thì sau này các khoản đó sẽ không mấy khi được cắt giảm: Khi người ta đã quen dùng "đồ miễn phí", họ sẽ chẳng đời nào chịu buông!

Năm 2011, Quốc hội đã thông qua Đạo luật Quản lý Ngân sách (BCA), theo đó "mức trần" cho chi tiêu quốc phòng là không quá 1 nghìn tỉ USD, và điều này đã ảnh hưởng trầm trọng đến tiềm lực quân sự Mỹ. Ví dụ, khoảng 20.000 binh lính đã buộc phải rời biên chế quân đội, và lực lượng Không quân Mỹ thiếu gần 2.000 phi công. Ông Trump chỉ được phép chi tiêu số tiền cho quốc phòng – an ninh bằng đúng định mức thời ông Obama còn tại nhiệm.

Định mức chi tiêu cố định này buộc các nghị sĩ ủng hộ phát triển quốc phòng phải tìm cách tăng chi tiêu quân sự. Họ đã thêm khoản chi "khẩn cấp" (trị giá 59 tỉ USD) vào ngân sách quốc phòng. Khoản chi "khẩn cấp" này không bị ảnh hưởng bởi định mức cố định của BCA.

Tuy nhiên việc tăng ngân sách này không phải cố định, nên ngân sách quốc phòng ngày càng bất ổn định hơn. Nhiều người cho rằng việc cắt giảm ngân sách quốc phòng là dại dột, nếu xét đến những nghĩa vụ của Mỹ tại khu vực Trung Đông và châu Á – Thái Bình Dương.

Để minh họa cách mà Quốc hội bảo vệ khoản chi tiêu mà họ thích khỏi các khoản cắt giảm bắt buộc theo BCA, đảng Dân chủ đã miễn các khoản cắt giảm cho Medicaid (cùng một chương trình cho trẻ em Mỹ) – chương trình bảo hiểm y tế cho người nghèo – và Food Stamps – chương trình trợ cấp lương thực cho người nghèo.

Chương trình Medicaid cần 566 triệu USD cho 70 triệu người, và Food Stamps cần 71 tỉ USD cho 43 triệu người. Tất cả các chương trình thuộc lưới an sinh được phân bổ 740 tỉ USD, tương đương 19% tổng ngân sách quốc gia.

Sau hai cuộc Thế Chiến, Quốc hội Mỹ đã cố gắng giải quyết các khủng hoảng nợ bằng cách hạn chế số tiền chính phủ có thể vay mượn. Tuy nhiên, trên thực tế, giải pháp này rất hiếm khi có hiệu quả. Mỗi khi khoản vay chính phủ gần chạm mức trần, Quốc hội sẽ lại tăng mức trần sau nhiều cuộc tranh luận chính trị.

Những nỗ lực nhằm giảm thâm hụt ngân sách đã dẫn tới việc chính phủ liên bang bị đóng cửa 3 lần trong các năm 1995-1996, 2013 và 2018. 

Người Mỹ thờ ơ trước khoản nợ công hơn 20 nghìn tỉ USD: Ai sẽ trả giá? - Ảnh 8.

Chính phủ Mỹ đã buộc phải đóng cửa 3 lần. Ảnh: Reuters

Đầu năm nay, các nghị sĩ đảng Dân chủ đã khiến chính phủ Mỹ đóng cửa trong 3 ngày liên tiếp vì họ muốn ông Trump chấp thuận kế hoạch ân xá 1,8 triệu người nhập cư trái phép của ông Obama.

Tuy nhiên họ đã thất bại. Năm 2013, các nghị sĩ đảng Cộng hòa đã buộc chính phủ đóng cửa vì Obamacare - chương trình bảo hiểm y tế quốc gia gây tranh cãi do ông Obama đề xuất. Khi đảng Dân chủ - bộ phận kiểm soát Thượng viện dưới thời ông Obama - từ chối thỏa hiệp với việc cắt giảm ngân sách, thì Đảng Cộng hòa, đứng đầu là những người theo phong trào Đảng Trà – một nhóm chính trị mới nổi gồm khoảng 30 thành viên theo chủ nghĩa bảo thủ tài chính – đã từ chối thông qua đạo luật tiếp tục cho chính phủ hoạt động. Họ nghĩ rằng cần phải có một "liệu pháp gây sốc".

Sau 2 tuần chính phủ ngừng hoạt động, cả 2 đảng Cộng hòa và Dân chủ đã thỏa thuận lại và đồng ý cắt giảm ngân sách. Còn vào năm 1995-1996, Quốc hội do đảng Cộng hòa kiểm soát đã quyết định đóng cửa chính phủ trong vòng 27 ngày khi Tổng thống Bill Clinton phủ quyết dự thảo chi tiêu (cắt giảm ngân sách) của họ.

Việc đóng cửa chính phủ là biện pháp cực đoan, nhưng nó không chỉ được dùng để cắt giảm chi tiêu quốc gia, mà còn có thể dùng với mục đích gia tăng chi tiêu. Và việc đóng cửa chính phủ cũng có thể gây nhiều rắc rối. Gần đây, trước các đe dọa đóng cửa chính phủ do trần nợ công, Quốc hội Mỹ đã quyết định chỉ cho phép ông Trump "mở cửa" chính phủ đến giữa tháng Một. Sau đó họ sẽ lại tiếp tục tranh luận. Sau 3 ngày đóng cửa hồi tháng 2 năm nay, chính phủ Mỹ đã mở cửa trở lại vì các Nghị sĩ Dân chủ lo ngại cử tri sẽ trả đũa họ trong cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ diễn ra vào cuối năm nay.

Người Mỹ thờ ơ trước khoản nợ công hơn 20 nghìn tỉ USD: Ai sẽ trả giá? - Ảnh 9.

Cuối cùng thì tất cả đều là những nước cờ chính trị. Đảng Dân chủ đe dọa đóng cửa chính phủ ông Trump khi vị tân Tổng thống muốn dùng ngân sách để xây tường dọc biên giới Mexico nhằm ngăn chặn những người nhập cư bất hợp pháp.

Năm 2006, ông Barack Obama và bà Hillary Clinton – khi đó họ vẫn còn là các Thượng nghị sĩ – đã bỏ phiếu thuận ủng hộ xây tường biên giới! Vậy chuyện gì đã xảy ra? Đảng Dân chủ nhận ra rằng họ cần nhiều cử tri Latin trong năm 2018 hơn là hồi năm 2006. Và hãy nhớ lại rằng giải pháp của ông Trump về vấn đề chi phí là để chính phủ Mexico tự bỏ tiền túi xây dựng bức tường biên giới này.

Vấn đề của hạn mức chi tiêu và trần nợ công là chúng khiến ngân sách chính phủ trở nên bất ổn và bất định. Khi được áp dụng, chúng sẽ dẫn đến đủ các loại hậu quả ngoài ý muốn.

Người Mỹ thờ ơ trước khoản nợ công hơn 20 nghìn tỉ USD: Ai sẽ trả giá? - Ảnh 10.

Cả đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đều than phiền rất nhiều về sự gia tăng của nợ công và thâm hụt ngân sách nhà nước. Nhưng chỉ có vài người trong số đó cố gắng tìm cách giải quyết vấn đề. Khi họ đề xuất và thông qua các điều luật để giải quyết vấn đề nợ công, thì những thành viên khác trong Quốc hội lại phớt lờ hoặc làm trái những điều luật ấy, khiến tình trạng trầm trọng hơn.

Người Mỹ thường nói rằng Quốc hội và Tổng thống Mỹ thích "giấu bụi dưới thảm". Hãy cứ để cho con cháu đời sau trả giá cho những khoản chi tiêu hiện tại.

Cuối cùng, ai đó sẽ phải trả món nợ này.

* Đọc bản gốc bài viết bằng tiếng Anh tại đây.

* For English version, click here.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại