Dữ liệu gần đây cho thấy rằng lực lượng lao động của Mỹ "không còn năng suất" như một năm trước. Hay nói cách khác, có vẻ như người dân Mỹ không sản xuất nhiều trong khoảng thời gian làm việc mỗi ngày. Theo các nhà kinh tế, điều này có thể có ảnh hưởng sâu sắc đến sự thịnh vượng của nước Mỹ.
Brian Bouser, 22 tuổi, nhận được một tin nhắn "sét đánh" khi đang học lớp lịch sử nghệ thuật tại Đại học Louisville vào năm ngoái. Ông chủ của anh tại công ty cho thuê xe hơi - nơi anh kiếm được 25 USD/h - thông báo rằng lương của anh sẽ giảm xuống chỉ còn 13,50 USD/h mà không có bất kỳ lời giải thích nào.
Bouser được biết rằng tất cả các đồng nghiệp của anh cũng bị cắt giảm một nửa lương giống mình.
Bouser nói: "Tôi từng nghĩ có một công việc sẽ khiến tôi an toàn. Tôi không còn nghĩ như vậy nữa."
Những thay đổi lớn trong thị trường việc làm Mỹ
Julia Pollak, nhà kinh tế thuộc ZipRecruiter, cho biết việc chán nản làm việc đã xuất hiện trong số những người lao động, và tình trạng này đang thể hiện qua những con số.
Gần 20 triệu người đã bị sa thải trong vài tuần khi đại dịch bùng phát, bất kể họ có tinh thần làm việc hiệu quả, hiệu suất tốt hay có lòng trung thành với công ty hay không. Sau đó, làn gió kinh tế thay đổi chỉ sau vài tháng, và các công ty lại cần thuê nhiều nhân lực.
Số lượng nhân sự bị sa thải đạt đến mức thấp nhất trong lịch sử. Những nhân viên lâu năm thường phải làm việc đến mức kiệt sức, những người mới có ít kinh nghiệm được nhận với mức lương cao hơn và người sử dụng lao động đã "làm ngơ" những điều từng khiến người lao động bị mất việc trong quá khứ.
Pollak cho biết, những người lao động cảm thấy rằng mối liên hệ giữa "làm việc chăm chỉ" và "được khen thưởng" đã bị phá vỡ.
Bà Pollak nói: "Việc đó khiến những người lao động chăm chỉ nhất cảm thấy nản lòng".
Hệ quả của việc này là, trong năm 2022, năng suất lao động - thước đo dựa trên lượng sản phẩm mà các công ty sản xuất cho mỗi giờ làm việc - đã giảm kỷ lục.
Năng suất đã giảm 4,1% so với hàng năm, mức giảm lớn nhất kể từ khi chính phủ Mỹ bắt đầu theo dõi chỉ số này vào năm 1948. Năng suất của Mỹ đã tăng đều đặn, nhưng trong năm nay thì không.
Bà Pollak cho biết có thể có một số yếu tố khiến năng suất lao động ở Mỹ giảm, nhưng có thể thấy việc người lao động kiệt sức, thất vọng và nản lòng là những thứ gây ra tình trạng này. Và nếu nó tiếp diễn, hậu quả có thể rất nghiêm trọng.
Theo bà Pollak, năng suất lao động là "nhiên liệu" cho nền kinh tế. Nếu nó tiếp tục suy giảm, nền kinh tế Mỹ sẽ thu hẹp, chất lượng cuộc sống sẽ đi xuống, cơ hội giảm sút, buộc những ý tưởng đổi mới và cải cách tìm đến những nơi khác hấp dẫn hơn.
Ví dụ, Nhật Bản đã chứng kiến sự sụt giảm năng suất trong nhiều năm do dân số giảm. Kết quả dẫn tới 2 thập kỷ kinh tế đình trệ.
Tương lai kém hiệu quả
Bà Pollak cho biết sự sụt giảm năng suất có thể tạo ra một chu kỳ rất tồi tệ và khó có thể xoay chuyển được. Khi đó, năng suất còn tiếp tục giảm thêm.
Sự thất vọng mà những người lao động đang trải qua có thể dẫn đến những thay đổi lớn, như điều đã xảy ra với Bouser. Anh cho biết toàn bộ thời gian anh lái xe đến tiệm rửa xe, mang về và cho thuê giờ dường như vô nghĩa.
"Về cơ bản, công việc của tôi là lái xe 6 giờ một ngày đi qua đi lại. Cuối cùng, tôi chẳng có gì cả".
Bouser nghĩ về những trải nghiệm trong lực lượng lao động, anh nhận ra rằng lòng trung thành với công ty giống như một thứ trách nhiệm.
"Câu nói yêu thích của tôi là 'những ngày đồng hồ vàng đã qua", Bouser nói.
Bouser giải thích rằng trước đây, những người từng làm việc tại một công ty trong 40 hoặc 50 năm, khi nghỉ hưu sẽ được trả lương hưu và tặng thêm một chiếc đồng hồ vàng. Còn giờ đây, những người lao động trung thành chỉ nhận được tin nhắn từ sếp thông báo rằng họ bị cắt lương.
Bouser chọn không đi theo con đường này nữa, anh dự định tốt nghiệp càng sớm càng tốt để tự làm chủ công việc của mình. Như vậy, anh có thể tự mua đồng hồ vàng cho mình.