Bà Stephanie Ross DeSimone đang mang thai 2 tháng khi chồng bà, sĩ quan hải quân Patrick Dunn, thiệt mạng sau khi chiếc máy bay của hãng American Airlines đâm vào Lầu Năm Góc hôm 11-9-2001.
15/19 kẻ không tặc tham gia vụ khủng bố thảm khốc nhất trên lãnh thổ Mỹ này là công dân Ả Rập Saudi. Vụ khủng bố gây ra cái chết của gần 3.000 người.
Bà DeSimone đứng ra kiện Ả Rập Saudi tại một tòa án ở Washington hôm 30-9 vì cho rằng nước này phần nào có trách nhiệm trong cái chết của chồng.
Đây được xem là vụ kiện đầu tiên thuộc loại này kể từ khi quốc hội Mỹ hôm 28-9 đảo ngược phủ quyết của Tổng thống Barack Obama đối với dự luật Công lý chống hỗ trợ hành động khủng bố (JASTA).
Luật này cho phép công dân Mỹ kiện bất kì quốc gia nào bị xem là hỗ trợ tấn công khủng bố, ngay cả khi nước đó là đồng minh hoặc đối tác kinh tế của Washington.
Ông James Kreindler, một luật sư ở TP New York đại diện cho hàng trăm gia đình đang tìm kiếm công lý cho các nạn nhân vụ 11-9 cho tờ The Wall Street Journal biết công ty của mình sẽ gửi các đơn kiện tương tự lên tòa án liên bang trong thời gian tới.
Tổng thống Obama cảnh báo JASTA có thể khiến Mỹ đối mặt các biện pháp trả đũa tương tự của các nước khác.
Phe chỉ trích cũng nhận định JASTA có thể khiến Washington trở thành mục tiêu của hàng trăm vụ kiện về những hoạt động gây tranh cãi, như các vụ không kích của máy bay không người lái...
Quan trọng hơn, quan hệ giữa Mỹ và các đồng minh có thể chịu tác động tiêu cực.
Trước mắt, Ả Rập Saudi đã bày tỏ sự “quan ngại sâu sắc” về đạo luật và cảnh báo “những hậu quả nghiêm trọng không lường trước”.
Ông Patrick Dunn. Ảnh: Facebook
Bản thân ông Mitch McConnell, thủ lĩnh phe đa số của Đảng Cộng hòa tại Thượng viện cũng thừa nhận rằng "không ai thực sự chú ý đến những mặt tiêu cực tiềm tàng liên quan đến quan hệ quốc tế" của đạo luật.
Các nhà lập pháp Mỹ cho biết họ có thể giới hạn phạm vi hoặc giảm nhẹ nội dung của đạo luật.
Việc bà DeSimone và gia đình các nạn nhân khác có kiện tụng thành công hay không vẫn là một dấu hỏi lớn. Một bản báo cáo năm 2004 của Mỹ ghi rõ nước này không tìm thấy bằng chứng cho thấy chính phủ Ả Rập Saudi hay các quan chức cấp cao tài trợ cho mạng lưới khủng bố Al-Qaeda.
Tuy nhiên, một vài tài liệu Mỹ vừa được giải mật vào mùa hè này ghi nhận một vài tên không tặc của vụ 11-9 "có liên lạc và nhận được hỗ trợ từ các cá nhân có thể có liên quan tới chính phủ Ả Rập Saudi”.
Trong trường hợp các quan chức Saudi bị kết tội có dính líu đến vụ 11-9, vẫn chưa rõ liệu Washington làm thế nào để buộc Riyadh bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân.