Liên quan đến clip xuất hiện trên mạng với nội dung tố "tổ công tác của lực lượng CSGT Công an tỉnh Vĩnh Phúc gọi điện cho côn đồ tới để hành hung tài xế xe ô tô vi phạm" ngày 30/5, mới đây, Phòng PC67 đã báo cáo Ban Giám đốc Công an tỉnh đồng thời thành lập tổ xác minh sự việc.
Theo kết quả ban đầu, tổ xác minh của Phòng PC67 đã làm việc với các bên liên quan trong đoạn clip nói trên cũng như những người chứng kiến sự việc.
Tất cả đều khẳng định, không có chuyện cảnh sát giao thông gọi côn đồ đến đánh người vi phạm; người vi phạm cũng không bị ai đánh.
Nội dung đoạn clip trên là không đúng sự thật.
Một số cán bộ tổ CSGT tỉnh Vĩnh Phúc bị đưa lên mạng xã hội. Ảnh cắt từ clip
Được biết, hiện Ban Giám đốc CA tỉnh Vĩnh Phúc đang giao cho lực lượng Thanh tra tiếp tục xác minh sự việc để đưa ra kết luận cuối cùng.
Theo tờ Gia đình & Xã hội, anh Trịnh Hồng Quân (SN 1977, trú tại phường Liên Bảo, TP Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc), người bị gọi là côn đồ trong clip đã có đơn đề nghị gửi tới CA tỉnh Vĩnh Phúc trình bày về vụ việc trên.
Theo đơn gửi tới CA tỉnh Vĩnh Phúc, anh Quân cho hay, khi thấy một người đàn ông trẻ tuổi đang đôi co và dùng máy ảnh quay chụp quá trình làm việc của lực lượng chức năng CA tỉnh Vĩnh Phúc, anh chỉ tiến lại gần hỏi chuyện (đồng thời vỗ vai).
Cụ thể, tờ Gia đình & Xã hội trích lá đơn anh Quân viết như sau: "...Tại thời điểm đó, tôi nhìn thấy một người đàn ông trẻ tuổi đang đôi co và dùng máy ảnh quay chụp quá trình làm việc của lực lượng chức năng CA tỉnh Vĩnh Phúc.
Nhận thấy sự việc bất thường, với vai trò là Chủ tịch Hội lái xe Vĩnh Phúc, tôi đã xuống xe tìm hiểu vụ việc. Lúc đó, tôi tiến lại gần người đàn ông đang quay phim, chụp ảnh hỏi chuyện. Lập tức người đàn ông này cho rằng tôi định hành hung nên vừa chạy, vừa quay chụp tôi, sau đó cố thủ trong xe…".
Anh Trịnh Hồng Quân. Ảnh cắt từ clip
Anh Quân cũng khẳng định, việc đăng tải clip vụ việc trên lên mạng xã hội, kèm những lời bình luận là hành vi vu khống, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới danh dự cá nhân anh và gia đình.
Theo lời anh Quân, kể từ thời điểm clip được lan truyền trên mạng, anh và người thân trong gia đình đã liên tục nhận được điện thoại và tin nhắn với nội dung đe dọa, xúc phạm thậm tệ.
Trước đó, tờ Tiền Phong dẫn lời anh Phạm Ngọc Anh (SN 1990, ở Thái Bình) – nhận mình là tài xế trong clip nói trên.
Theo lời của kể của anh Ngọc Anh, vào ngày 27/5, anh lái xe chở khách lên Vĩnh Phúc rồi đón khách khác về Hà Nội.
Khi đi qua địa phận thị xã Vĩnh Yên, anh bị CSGT dừng xe vì vượt đèn đỏ nhưng anh không công nhận lỗi này, cho rằng khi xe mình qua vạch vẫn có đèn xanh.
Khi anh đang làm việc, một người đàn ông không quen biết tiến tới đấm anh 2 phát vào đầu buộc anh phải bỏ chạy vào trong xe, chốt cửa. Không dừng lại, người đàn ông trên giật cửa xe bên lái, đe dọa anh. Sự việc khiến anh Ngọc Anh bị thương nhẹ ở đầu và tay mở cửa ô tô bị hư hỏng.