LTS: Gần 30 năm làm nghề, đại tá già Ngô Huy Tiếp từng giải phẫu chừng hơn 3000 thi thể, góp phần làm sáng tỏ không biết bao nhiêu vụ trọng án và giải oan cho nhiều người vô tội ở Hải Phòng.
>Vị đại tá tiết lộ nhiều bí mật về chuyện mổ 3.000 xác chết>>Kỳ án rúng động và chuyện nghề của người "bắt tử thi lên tiếng"
Tự hào với nghề "mổ người sống"
Ở tuổi thất thập cổ lai hi, ông Tiếp bảo cuộc đời mình có lẽ chẳng còn gì tiếc nuối. Các con đều đã phương trưởng, thành đạt, gia cảnh tuy giản dị nhưng ấm áp, vui vầy. Quan trọng hơn, ông luôn cảm thấy mình đã sống một cuộc đời không uổng phí.
Mười năm làm bác sĩ trưởng khoa ngoại sản bệnh viện Thanh Miện, Hải Dương, ông đã tự tay cứu sống hàng trăm con người, thực hiện thành công vô số những ca phẫu thuật cực khó trong điều kiện thiếu thốn trăm bề.
Nhớ lại chuyện cũ, ánh mắt đã mờ đục của ông đại tá già lại lấp lánh niềm vui. Ông chầm chậm lấy ra cuốn sổ đã ngả màu ố vàng, cẩn thận lật từng trang, hồ hởi khoe: "Đây là cuốn sổ góp ý của bệnh nhân chỗ bệnh viện tớ "mổ người sống" đấy.
Lúc chuyển công tác, tớ mang cả theo làm kỷ niệm!".
Kín khắp hàng chục trang giấy là vô vàn những lời cảm hơn, cầu kỳ có, vụng về có, nguệch ngoạc có, nắn nót có, nhưng tất cả chúng đều đầy ắp tình cảm và sự chân thành.
Không khó để nhận ra trong đó sự yêu mến và kính trọng tuyệt đối mà người dân vùng quê nghèo này dành cho ông bác sĩ "nông dân".
Hoài niệm lại những tháng ngày đẹp đẽ ấy, ông Tiếp mỉm cười: "Hồi đó còn bao cấp, tôi chẳng bao giờ phải xếp hàng đi mua thứ gì bao giờ cả. Hễ tới nơi, người ta nhận ra là lại xúm lấy đẩy tôi lên đầu tiên, vì "phải để thời gian cho bác sĩ còn làm việc".
Các cô mậu dịch viên bao giờ cũng ưu tiên những phần ngon nhất cho tôi, như một cách "hối lộ" đầy tình người, cậu ạ!".
Ông Tiếp bảo, ông có nhiều tự hào kể cả với nghề bác sĩ.
Nghề "mổ người sống" để lại cho ông vô số kỷ niệm đẹp đẽ, nhưng nghề "mổ người chết" mới lại là nghiệp theo ông cả cuộc đời. Và nó cũng chính là cái nghề để lại cho ông nhiều suy nghĩ và day dứt nhất.
Tâm nguyện gần như cuối cùng của cuộc đời ông cũng gắn liền với nghề pháp y này.
Gắn bó gần 30 năm với cái nghề "nghe tới đã rùng mình" ấy, ông Tiếp bảo: "Nghề nào cũng có cái đáng quý của nó hết. Càng hiểu sâu sắc về nghề pháp y, tôi càng thấy trân trọng nó hơn.
Chỉ tiếc là, hình như người ta chưa dành nhiều sự quan tâm cho công việc đặc biệt này. Tiếc lắm!"
Nỗi lo sợ "kho báu bị lãng quên"
Là bác sĩ pháp y hiếm hoi được đào tạo chính quy tại Liên Xô cũ, bản thân ông Tiếp đã làm "hàng hiếm" trong nghề tại Việt Nam.
Nhưng thứ quý giá hơn mà ông sở hữu chính là những kinh nghiệm thực tế, những kiến thức được chính ông đúc kết sau hàng ngàn lần giải phẫu, khám nghiệm tử thi.
Quan trọng hơn, tất cả những thứ kinh nghiệm ấy đã được ông cẩn thận ghi chép lại bằng hết, minh họa lại bằng hình vẽ tay hoặc ảnh chụp tỉ mỉ từng vụ một.
Tôi từng sững sờ khi thấy ông đại tá già cặm cụi lôi ra hàng chồng sổ đã cũ mèm, ghi dấu cẩn thận theo từng năm, từng tháng. Chất vào trong chiếc tủ đứng, chồng tài liệu khổng lồ ấy có khi còn cao hơn cả ông đại tá già!
Kho kiến thức cực kì quý giá ấy được ông Tiếp tích cóp trong suốt hàng chục năm trời, chứa đựng bên trong nó tất cả tâm huyết của ông đối với nghề pháp y.
Ông tâm sự, đối chiếu những thứ học được trong sách vở với thực tế bên ngoài, không phải không có những sự nhầm lẫn, thiếu chính xác đâu.
"Bí kíp" về nghề mổ pháp y đã được ông Tiếp ghi chép và cất giữ cẩn thận.
Thêm nữa, với những nghề đòi hỏi tính chính xác cao như khám nghiệp pháp y, nói "sai một ly, đi một dặm" cũng chẳng phải là nói quá.
Với mỗi trường hợp như vậy, ông lại cẩn thận ghi chép lại, chụp ảnh hoặc vẽ hình minh họa rõ ràng. Với tất cả những thứ kinh nghiệm, hiểu biết khác thu thập được trong quá trình làm nghề, ông cũng chọn cách tương tự để lưu giữ lại.
Ông vẫn hi vọng rồi đây, sẽ có ngày những kiến thức ông đúc kết suốt cuộc đời "mổ xẻ" của mình sẽ được phổ biến rộng rãi, đến được với những người cần chúng.
Hơn ai hết, ông hiểu được tầm quan trọng của những thứ kiến thức thực tế ấy ra sao và sẽ đáng tiếc tới mức nào khi để chúng mai một trong 4 bức tường lạnh lẽo!
Có điều, hiện tại thì ngoài việc mang chúng ra để khoe với những người khách tới nhà hoặc lôi ra ngắm nghía và hoài niệm về những tháng ngày xưa cũ, ông đại tá về hưu còn biết làm gì hơn nữa?
Những kỷ vật khiến người xem khiếp vía
Không ít người có thói quen lưu giữ lại những đồ vật gắn liền với nghề nghiệp của mình để làm kỷ niệm. Bác sĩ Tiếp cũng vậy. Có điều, vì nghề của ông là... khám nghiệm tử thi, mổ xác người nên những thứ kỷ vật ông lưu giữ lại cũng vô cùng đặc biệt.
Tôi từng lạnh người khi ông Tiếp lật giở một trang sổ có tấm ảnh chụp ông đứng cạnh một phạm nhân vừa thi hành xong án tử hình, bên cạnh có một miếng vải đã cũ mèm, thủng một lỗ to.
Giọng ông Tiếp thản nhiên: "À, đây là mảnh áo của ông phạm nhân này đây. Tôi khám nghiệm tử thi xong thì cắt về để... làm kỷ niệm ấy mà. Cậu có thấy cái lỗ thủng này không? Vết đạn bắn đấy!"
Chưa kịp hoàn hồn trước món kỷ vật "vô giá" của ông Tiếp, tôi lại được dịp rợn tóc gáy khi ông hồ hởi kể: "Làm nghề này nên tớ mê... xương lắm. Có đợt tìm mãi mới được một bộ xương vô thừa nhận, tớ mới đem ráp lại đầy đủ rồi treo vào tủ kính, đặt ngay ở trong bệnh viện. Quý lắm đấy nhé!".
Ngoài những vật kỷ niệm thuộc hàng "có một không hai" của ông đại tá, một trong những thứ ông cất giữ nhiều nhất chính là những bức ảnh hiện trường. Bao nhiêu vụ là có bấy nhiêu tấm ảnh, tấm nào cũng có hình ông đang hì hục mổ xẻ tử thi.
Có tấm ông đang hì hục cưa hộp sọ, có tấm đang phanh bụng để kiểm tra các cơ quan nội tạng, rồi vô số những hình ảnh ghi lại các kiểu chết khác nhau.
Nhiều nhất và rùng rợn nhất là những hình ảnh chụp xác chết trôi, xác chết treo cổ, những gương mặt biến dạng đen sì đủ khiến cho người yếu bóng vía xem qua cũng đủ sợ mất mật.
Ngoài những kỷ vật, hình ảnh rợn người thì ông Tiếp còn lưu giữ nhiều tài liệu quý giá mà mỗi vụ án ông đã tỉ mẩn ghi chép.
Ấy vậy mà nghe đâu có một dạo, ông cho treo những "kỷ vật" ấy khắp các bức tường phòng ngủ, như một kiểu trang trí "độc đáo" mang biểu trưng cho nghề nghiệp của mình.
Rồi cả những ống bút làm bằng... xương sọ, những vật dụng thường ngày được chế tác bằng chất liệu xương người, tất tần tật đều hiện diện trong phòng ngủ của ông bác sĩ "bạn thân của tử thần"!
Rất may là hiện tại, những kỷ vật, ảnh chụp ấy đã bị tháo sạch, cất cẩn thận vào những album ảnh và nằm đâu đó trong đống tài liệu của ông.
Hỏi lý do, ông cười khà khà chỉ vào bà vợ trẻ măng kém mình hơn hai chục tuổi, thì thầm: "Bà ấy bắt tôi tháo hết xuống đấy. Có đợt còn kêu thôi tôi đem... đốt hết đi, toàn xác chết rồi ma với quỷ nhìn kinh chết đi được ấy.
Ma quỷ thì tôi chả sợ gì rồi, nhưng bà ấy nói thì thôi tôi cũng đành chiều theo vậy!"
Người không sợ… ma quỷ!
Nhắc tới ma quỷ, tôi lập tức nhớ ngay ra một câu hỏi mà mình ấp ủ từ trước, ngay khi dự định tới gặp ông Tiếp để thực hiện bài phỏng vấn. Đấy là câu hỏi liệu cả đời tiếp xúc với xác chết, thi thể, đã bao giờ ông... gặp ma chưa?
Ông Tiếp cười xòa, lúc lắc đầu: "Tôi nói thật, tiếp xúc với người chết, thi thể thì chả có ai nhiều hơn tôi được. Án oan cũng có, chết tức tưởi cũng có, chết tập thể cũng có, nhưng lần nào tôi cũng chỉ thấy toàn xác chết nằm bất động chứ nào có thấy ma quỷ gì đâu!?
Chưa nói tới việc nhiều người cứ kiêng kỵ việc đụng chạm vào xác chết, sợ bị oán, bị hành này nọ, nhưng tôi mổ tới 3000 cái xác mà vẫn cứ khỏe phây phây cậu ạ. Chả bệnh tật gì, ngoài việc già rồi nên chậm chạp đi thôi!".
"Chứ cậu nghĩ xem, nếu ma có thật, biết báo oán thật thì có khi công an bọn tôi thất nghiệp à? Có án mạng cứ để... hồn ma đi xử lý là được rồi, cần gì phải đi báo án!", ông Tiếp lý luận.
Vừa vui vẻ bông đùa xong, giọng ông đại tá lại trầm lại: "Nhiều khi, người ta ái ngại cái nghề pháp y này cũng bởi những suy nghĩ lạc hậu và cổ hủ đấy cậu ạ.
Nhiều sinh viên học y còn sợ tiếp xúc với cả xác chết, chứ đừng nói gì tới việc chọn nghề chuyên đi mổ xác người.
Cậu thử nghĩ xem, cái nghề đã độc hại, nguy hiểm, chả "màu mè" gì nhưng lại còn luôn phải gánh chịu những cái nhìn kỳ thị, sợ sệt của người đời, còn ai muốn dấn thân hả cậu?"
Tôi cũng lặng người theo câu nói của ông bác sĩ pháp y già.
Ông Tiếp sống trong căn nhà đơn sơ ở Hải Phòng.
Quả thật, nếu không có cuộc gặp gỡ này, tôi cũng chẳng thể nào hiểu thấu những góc khuất đặc biệt trong cuộc đời của người bác sĩ pháp y, biết được những vất vả, khổ sở ít nghề nghiệp nào so sánh nổi phía sau công việc ít người theo đuổi ấy.
Bởi có lẽ, thứ công việc vốn dành cho những người "to gan" ấy không chỉ yêu cầu mỗi lòng dũng cảm, mà còn cần có cả sự đam mê và những hi sinh.