Ghi nhận việc hỗ trợ lái xe taxi khống chế tên cướp vừa qua, chiều 19/5, anh Phạm Văn Thưởng (SN 1990, quê quán tại huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) đã được Giám đốc Công an TP Hà Nội trao tặng Giấy khen. Tuy nhiên, khi được hỏi hành động "anh hùng" của mình, anh khiêm tốn trả lời: "Xin đừng gọi tôi là anh hùng!".
Điều đáng nói khi sự việc trên diễn ra, tại hiện trường có một đồng chí công an đang sử dụng điện thoại và có 4 - 5 người dân túm tụm xung quanh cầm điện thoại quay video, chỉ trỏ. Lúc này, lái xe taxi đang dần kiệt sức vì mất máu, kêu khản cổ nhưng không một ai trong số những người đó vào hỗ trợ.
Chứng kiến cảnh ấy, anh Thưởng khi đang tình cờ đi ngang qua đã không quản nguy hiểm lao vào hỗ trợ nạn nhân khống chế tên cướp và kêu gọi mọi người giúp đỡ đưa lái xe taxi đi cấp cứu. Sau khi bàn giao đối tượng cho cơ quan chức năng, nhân vật chính của câu chuyện đã lặng lẽ ra về và không mảy may mong muốn một ai biết đến hành động của mình.
"Xin đừng gọi tôi là anh hùng!"
Tuy nhiên, mong muốn đó của anh Thưởng đã không được như ý nguyện. Qua những clip được người dân ghi lại tại hiện trường và thông tin mà họ cung cấp, cơ quan chức năng đã xác định được người trong vụ việc.
Anh Phạm Văn Thưởng, người hỗ trợ lái xe taxi khống chế tên cướp.
Chiều 19/5, tại trụ sở Công an phường Phú La (quận Hà Đông, nơi anh Thưởng đang tạm trú), anh đã được Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an TP Hà Nội, trao tặng Giấy khen vì đã có thành tích tham gia bắt giữ đối tượng có Quyết định Truy nã đặc biệt thực hiện hành vi giết người.
Chia sẻ ít giờ sau khi được tôn vinh, anh Thưởng vẫn không thể nào quên thời khắc đó. Vào khoảng 16h20 chiều 16/5, khi đang trên đường từ chỗ làm trở về nhà theo hướng từ Thanh Oai - Hà Đông, đến đoạn đường Cienco5 - Khu đô thị Thanh Hà (huyện Thanh Oai), anh Thưởng nhìn thấy ở bên kia đường có 2 người đang vật lộn, xung quanh máu chảy lênh láng.
Tưởng rằng có va chạm giao thông hay đánh nhau, anh Thưởng di chuyển sang bên đường với ý định can ngăn.
Lúc này tại hiện trường có một đồng chí công an, anh Thưởng nhận biết vì thấy người đó mặc quần xanh, đi giày công an, áo sơ mi nâu và đội mũ bảo hiểm. Xung quanh còn có mấy người đi đường, mọi người chỉ đứng coi, không hỗ trợ, cũng không hỏi han tình hình ra sao.
"Đây là lần đầu tiên trong đời, tôi được chứng kiến cảnh này, vừa thấy nóng mắt, lại thầy buồn vì lòng người quá vô cảm với nhau", anh Thưởng chia sẻ.
Người hỗ trợ lái xe taxi khống chế tên cướp- “Xin đừng gọi tôi là anh hùng!”
Tiến đến gần người mặc áo sơ mi trắng (lái xe taxi), anh Thưởng hỏi: "Anh làm sao thế?". Lái xe taxi liền trả lời: "Nó là cướp, nó đâm em. Anh giúp em với!". Vẫn còn nghi ngờ, anh Thưởng hỏi tiếp: "Dao đâu?", lái xe taxi đáp: "Ở trong xe".
Quan sát nhanh, anh Thưởng nhận thấy người mặc áo sơ mi trắng có vết thương trên ngực, cả hai không ai cầm dao và anh phán đoán nhanh có thể kẻ cướp là người mặc áo đen. Không chần chừ, anh Thưởng lao vào hỗ trợ lái xe nhanh chóng khống chế người mặc áo đen và hô hào mọi người xung quanh đưa lái xe taxi đi cấp cứu.
Khoảng 5 phút sau, có một đồng chí công an phường tới tiếp nhận và áp giải đối tượng. Bàn giao xong, thấy rằng ở đây không còn việc của mình, anh Thưởng trở về và không nghĩ ngợi gì đến chuyện vừa qua.
Một ngày sau, anh Thưởng mới hay việc tốt của mình làm đã được báo chí đăng tải và lúc này mới biết người mặc áo trắng trong vụ việc trên là lái xe taxi Nguyễn Trần Minh (SN 1976, trú tại quận Long Biên), anh này bị đâm thấu ngực, nếu vết thương sâu thêm 1cm thì các y, bác sĩ cũng không thể cứu chữa.
Còn người áo đen là Đặng Phạm Sáu (SN 1970, quê quán tại xã Na Mèo, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa), đối tượng đang bị truy nã về tội giết người.
Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an TP Hà Nội, trao tặng Giấy khen cho anh Phạm Văn Thưởng.
Với hành động bắt giữ đối tượng truy nã, anh Minh đã được Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh gửi thư khen thưởng. Cùng với đó, Công an TP Hà Nội cũng loan báo thông tin tìm công dân tích cực tham gia giúp đỡ anh Minh để kịp thời đề xuất biểu dương, khen thưởng.
Cũng trong khoảng thời gian này, nhiều độc giả bỗng nói về người lặng lẽ rời đi trong vụ việc trên như một "anh hùng thầm lặng", giúp người không cần hồi báo.
Khi được biết những chia sẻ này, anh Thưởng ngại ngùng: "Mọi người cứ nói quá lên. Tôi chỉ có lòng tốt hỗ trợ thôi. Xin đừng gọi tôi là anh hùng, vì người hạ gục đối tượng là anh Minh, chứ không phải tôi".
"Thưởng ơi, chúng tôi tự hào về em!"
Mặc dù làm được một việc rất tốt nhưng vì "giữ kín" nên anh Thưởng đã khiến người nhà hiểu nhầm khi vô tình xem đoạn clip ghi lại cảnh anh hỗ trợ khống chế tên cướp.
Chỉ khi sang ngày 18/5, việc làm trên được lan tỏa rộng rãi, bố mẹ anh Thưởng mới biết đến việc tốt của con mình. Bên cạnh cảm giác tự hào, các cụ cũng bày tỏ nhiều lo lắng trước cảnh con trai làm việc và sinh sống xa nhà.
Còn cô Vũ Thị Hương, giáo viên chủ nhiệm lớp THPT của anh Thưởng, đã vô cùng ngạc nhiên, xúc động và tự hào khi biết đến nghĩa cử của học trò mình: "Vô tình trưa nay (19/5), tôi xem bài viết của một người bạn và ngạc nhiên khi nhận ra người trong câu chuyện chính là em Thưởng. Tôi cảm thấy rất vui, tự hào khi là giáo viên của em ấy".
Được biết anh Thưởng là học sinh khóa học 2005 - 2008 của Trường THPT Bắc Duyên Hà (huyện Hưng Hà, Thái Bình). Đây là khóa học cuối cùng mà cô Hương làm chủ nhiệm với tư cách là giáo viên dạy tiếng Pháp.
Trong lớp học, cô Hương ấn tượng với nhiều em học sinh. "Thưởng là một trong những học sinh có ý thức tốt trong lớp, em ngoan ngoãn, hiền lành, chăm chỉ", cô Hương chia sẻ.
Cô Vũ Thị Hương, giáo viên chủ nhiệm lớp THPT của anh Thưởng.
Anh Thưởng (thứ 2 từ phải sang, hàng sau) thời THPT
Còn đối với thầy Vũ Văn Khánh, giáo viên dạy Văn: "Tôi nhớ Thưởng có đôi mắt to, cái nhìn thẳng. Tôi không bất ngờ mấy khi biết đến hành động này của em, vì học trò lớp này chủ yếu là con em của những người nông dân thuần phác sinh ra trong khó nhọc, rất trọng tình cảm và nghĩa hiệp".
Không chỉ riêng thầy Khánh và cô Hương biết đến việc làm tốt đẹp của anh Thưởng, mà câu chuyện đã ngày một lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng các giáo viên của trường, thông qua mạng xã hội Zalo, Facebook. "Thầy cô và các học sinh trong trường rất tự hào về em!", cô Hoàng Oanh, giáo viên Lịch sử, chia sẻ.