Suốt từ sáng 7-1, đã có nhiều bài viết trên mạng về sự ra đi của Nguyễn Trọng Tạo, trong khi Tạo vẫn đang còn nằm ở phòng cấp cứu.
Có lẽ vì quá yêu thương chàng nghệ sĩ của mình mà bạn bè các nơi đều muốn quan tâm theo kiểu riêng của họ. Đủ thấy sự ra đi của Nguyễn Trọng Tạo cũng gây chấn động lớn trong giới văn nghệ cả nước.
Giỏi cầm - kỳ - thi - họa
Vào một sớm mùa đông năm 1978, nhờ Nguyễn Đình Chính dẫn đường, tôi đã gặp Nguyễn Trọng Tạo và Nguyễn Hoa ở Trại Sáng tác Quân đội lúc ấy đóng ở làng Khương Hạ, TP Hà Nội.
Không cần rào trước đón sau gì hết, như nhân duyên, chúng tôi đã hát rồi đọc thơ cho nhau nghe trong men nồng "cuốc lủi". Và từ ấy tới nay, đã 40 năm tròn, chúng tôi thành "ba anh em họ Nguyễn" như nghĩa cử Lương Sơn Bạc thời xưa.
Nguyễn Trọng Tạo quê ở Diễn Hoa, Diễn Châu, Nghệ An. Đấy là vùng đất châu Diễn tận cùng xứ Âu Lạc xa xăm với khí núi của lèn Hai Vai và hơi sông của dòng sông Bùng lênh láng.
Không biết có phải là do trời tạo, đất sinh không mà từ căn nhà quê kiểng của mình, nơi cậu bé Nguyễn Trọng Tạo đã tự chế ra cây vĩ cầm, đã hun đúc nên một chàng nghệ sĩ đa tài "cầm - kỳ - thi - họa" cho thời hiện đại này. Đa tài sau Văn Cao và Nguyễn Đình Thi.
Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo và diễn viên Thu Hà - Ảnh: QUỲNH TRANG
Khi gặp tôi, Tạo đã đoạt giải bài thơ hay trong năm của mấy tờ báo và vừa phổ nhạc xong bài thơ "Làng quan họ quê tôi" của Nguyễn Phan Hách duyên dáng và lãng mạn chan chứa. Bài hát đã được Thanh Hoa cùng tốp nữ Đài Tiếng nói Việt Nam thu thanh, để rồi nổi tiếng mãi đến bây giờ và chắc còn vương vấn mãi trong cõi nhân gian.
Tạo không chơi nhạc khí nào nhưng xướng âm khá vững còn vốn hòa âm thụ hưởng từ thầy Ngô Trí Thậm cũng đã đủ để viết ra hợp xướng "Nụ cười Việt Nam". Vậy nên đó cũng là tạng của một nghệ sĩ dị biệt.
Về thơ, cũng ngay từ dạo ấy, Tạo đã có những đột phá mang khát vọng cách tân như không nhiều nhà thơ khác thời đầu thanh bình. Chúng tôi chơi với nhau, bươn chải hết biên giới Tây Nam lại biên giới Bắc, rồi cùng về học Trường Viết văn Nguyễn Du khóa đầu tiên vào mùa đông 1979.
Người ham chơi!
Đấy là những ngày tụ quần không bao giờ quên. Ấm áp và trong trẻo. Lúc đó, Trại Sáng tác Quân đội đã chuyển về Vân Hồ. Ở đấy, Tạo và Nguyễn Hoa chung một phòng. Hành trình hai chiều Vân Hồ với nhà tôi ở 60 Hàng Bông là hành trình đi về trong thương mến của "ba chàng họ Nguyễn chúng tôi".
Khi thì tôi tới Vân Hồ, khi thì Tạo và Nguyễn Hoa lên Hàng Bông. Ở không gian nào thì cũng vẫn là rượu, thơ và nhạc. Đấy là thời kỳ tích điện và bắt đầu phóng ra vài luồng điện lạ vào đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước.
Một trong những luồng điện lạ đó của Tạo là bài thơ dài "Tản mạn thời tôi sống". Bài thơ nhức nhối trong chồng chất bao nhiêu câu hỏi đòi phải được trả lời, đòi phải có sự chuyển đổi: "Thời tôi sống có bao nhiêu câu hỏi/Câu trả lời thật không dễ dàng chi…".
Bài thơ đã dội ngược về Tạo bao nhiêu áp lực của những thế lực bảo thủ đương nhiệm. Và Tạo là người đầu tiên phải trả giá cho khát vọng này. Anh buộc phải trở về Nhà Văn hóa Quân khu 4 thân thuộc khi khóa học còn dang dở.
Những năm tháng họa vô đơn chí đã ập đến nặng nề như muốn đánh gục Tạo. Đơn vị buộc thuyên chuyển. Vợ chồng thì ly hôn.
Nhưng trời giáng nhất là chứng bệnh ung thư máu của cô em ruột. Nhờ đức độ của giám đốc - nhà văn Đậu Kỷ Luật, Tạo được phép công tác trong "cơ chế thoáng" để có thể nay ở Đắk Lắk, mai về Đà Nẵng, hôm sau ra Hà Nội theo cùng em gái để trực tiếp chăm sóc tại bệnh viện. Vừa chăm sóc em gái, Tạo vừa chạy quanh, làm đủ mọi việc để có tiền cho em chữa bệnh.
Nhưng chính sự tận tình hồn nhiên của anh đã làm lay động bao con tim bạn bè. Mọi người đều xắn tay vào cuộc với Tạo. Và cô em ruột đã thoát khỏi lưỡi hái tử thần, về Diễn Hoa làm thợ may và lập gia đình. Thật là một kỳ tích ngoài nghệ thuật. Một kỳ tích nhân bản sau bài thơ "Làng có một ngày như thế" và bài hát "Làng quan họ quê tôi".
Qua nửa thập niên giang hồ, phiêu bạt, Tạo lập gia đình và định cư tại Huế. Và những năm tháng bên sông Hương tràn trề rượu Phú Cam cùng bạn bè Huế, nói như Tạo: "Sông Hương và Huế đã ném vào thơ tôi một vốc sương mù", "Người ham chơi" Nguyễn Trọng Tạo đã cho ra hàng loạt tập thơ "Sóng thủy tinh", "Thư gửi trên máy chữ" và "Tản mạn thời tôi sống"…
Đặc biệt nhất là "Đồng dao cho người lớn" được tặng thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1994 với những câu thơ của "Cái chợp mắt": "Có thương có nhớ có khóc có cười/Có cái chớp mắt đã ngàn năm trôi".
Giữa những nhịp thơ đồng dao ấy là một tiết tấu pop Nghệ "Đôi mắt đò ngang" tình tứ đến quyết liệt, là chợt lãng đãng một "Con dế buồn" đồng cảm cùng Hoàng Phủ Ngọc Tường qua giọng hát Mỹ Linh quyến rũ đến mê hồn.
"Người ham chơi" Nguyễn Trọng Tạo vẫn chưa chịu dừng lại. Cả chơi, cả làm. Lãng du ở Huế tròn mười năm, anh quay về Hà Nội với những kỷ niệm xưa, leo lên tít tận tầng 6 - một tầng trời ở khu tập thể Phương Mai, làm "Tạp chí âm nhạc" cùng tôi, sau khi đã làm hết "Sông Hương" với Tô Nhuận Vỹ, "Cửa Việt" với Hoàng Phủ Ngọc Tường và Nguyễn Quang Lập. Vẫn một quyết liệt cách tân thơ.
Vẫn một lối uống rượu có khi xuyên đêm lại trào ra một "Khúc hát sông quê" đồng điệu qua thơ Lê Huy Mậu, da diết đến tận cùng gan ruột người xa xứ, bởi giọng nhấn nhá như lên đồng của Anh Thơ. Vừa làm "Tạp chí âm nhạc", Tạo nhận làm thêm báo "Thơ" để trang trải về khát vọng thơ Việt của mình.
Dự cảm về một chuyến đi xa...
Với năng lượng sống tràn đầy, vài năm gần đây, Tạo còn khiêng cả một nhà sàn ở miền núi Nghệ An về đặt tại mảnh đất ở bờ Bắc sông Hồng dưới cầu Vĩnh Tuy. Thế là lại thêm một nơi tụ quần bạn bè nườm nượp từ Bắc chí Nam. Đã có một Tết vui vẻ chén rượu đầu Xuân với Hồ Đức Việt, Nguyễn Khoa Điềm…
Thế mà đến giờ… Ngay từ sau khi làm trường ca "Biển mặn", Tạo đã bị quá sức, có triệu chứng huyết áp cao ở dạng nhẹ. Năm 2017, Tạo đã làm đêm nhạc của mình tại Nhà hát Lớn rất hoành tráng.
Cùng lúc lại làm nhà ở quê, không quên dành cho mình một vuông đất ở ngay vườn. Đúng vào ngày khánh thành nhà 31-12-2017, Tạo bị cơn đột quỵ phải đưa ngay vào Bệnh viện TP Vinh.
Nhờ được chăm sóc tốt, Tạo đã tỉnh và khỏe lại sau mấy tháng điều trị. Một đêm nhạc Nguyễn Trọng Tạo lại được tổ chức hoành tráng ở TP Vinh đầu tháng 8-2018.
Sau đêm nhạc, Tạo lại lên diễn đàn đọc tham luận về cuộc hội thảo của nhạc sĩ Hoàng Nguyên - cũng là người Diễn Bình, Diễn Châu, Nghệ An. Bữa đó, tôi cũng có mặt. Tạo và tôi về thăm nhà Tạo. Một căn nhà rất khang trang.
Tạo chỉ ra vườn và nói: "Chỗ kia là chỗ tao sẽ nằm, mày thấy được không?". Tối hôm ấy, hai thằng lâu lắm mới nằm chung một phòng tại khách sạn Mường Thanh - Diễn Châu. Vẫn hát, vẫn đọc thơ cho nhau nghe, chỉ không còn uống được rượu nữa.
Nửa đêm, Tạo chia tay tôi ra xe đi về Hà Nội. Tôi chờ ngày sau vào TP Vinh bay ra. Nhìn bóng bạn chìm vào đêm, tự nhiên thấy lòng nghẹn ngào một nỗi gì khôn xiết...
Do sức xuống, bệnh ung thư phổi được dịp phát ra, Nguyễn Trọng Tạo vẫn bình tĩnh chống chọi, xạ trị và luôn tin mình sẽ vượt qua bạo bệnh để vui sống. Mới ít ngày trước, tôi và vợ chồng Thanh Thảo cùng nhiều người bạn đến nhà riêng ngồi với Tạo.
Tạo khóc. Nhìn một người cứng rắn như Tạo khóc, thấy thật bùi ngùi. Còn bây giờ thì đến lượt tôi và mọi người khóc. Khóc tiếc thương một nghệ sĩ đa tài, người bạn cố tri suốt 4 thập kỷ qua.