Thích thú với đàn chú chim bồ câu đủ màu xanh, vàng, hồng…
Hình ảnh những cánh chim bồ câu chao lượn trên khung trời nhà thờ Đức Bà (TP. Hồ Chí Minh) đã trở nên quen thuộc trong tâm thức của nhiều người, là nét đẹp bình yên của thành phố giữa những ồn ào, tất bật của nhịp sống thị thành.
Thế nhưng khoảng 2 tháng nay, những chú chim bồ câu này bỗng "lột xác" hoàn toàn khi khoác lên mình những bộ cánh rực rỡ sắc màu, khiến cho người dân và du khách tham quan không khỏi tò mò. Ngoài màu lông đen, trắng, xám thông thường, gần 70 chú chim đã được nhuộm màu lông vàng, xanh, hồng…
Hình ảnh đàn bồ câu ở nhà thờ Đức Bà khiến người dân và du khách tò mò, thích thú.
Gần 70 chú chim đã được nhuộm màu lông vàng, xanh, hồng…trông rất lạ mắt
Theo nhiều người dân sống quanh nhà thờ Đức Bà, đàn bồ câu gần 700 con được anh Nguyễn Phi Cường và chị Nguyễn Ngọc Quang Thanh chăm sóc hơn 12 năm qua. Trò chuyện cùng anh Cường, chúng tôi được lắng nghe những chia sẻ của anh xoay quanh câu chuyện nhuộm lông chim bồ câu.
"Có người đi du lịch bên Châu Âu về, đưa cho tôi xem một đoạn video, trong đó ghi lại cảnh những khách du lịch đang thích thú chơi cùng đàn chim bồ câu đủ màu sắc. Tôi nghĩ là bên đó người ta nhuộm màu lông chứ làm gì có chim bồ câu nào đủ màu như vậy.
Người bạn này mới gợi ý cho tôi rằng, nếu tôi muốn nhuộm lông chim bồ câu ở nhà thờ Đức Bà thì người đó cho màu nhuộm. Tôi thấy cũng hay, thế là làm thử", anh Cường cho biết.
Ban đầu chỉ vài con, đến nay đã có gần 70 con được anh Cường nhuộm lông.
Theo lời anh Cường, màu được dùng là màu nhuộm vải.
Thế nhưng, để quyết định nhuộm màu số lượng lớn chim bồ câu, anh Cường cũng đã trải qua thời gian khá dài để nghiên cứu, thử nghiệm. Ban đầu, anh nhuộm lông của vài chú chim và theo dõi tình hình sức khỏe, cũng như phản ứng của đàn chim với chú chim đó. Sau khi thấy không có dấu hiệu nguy hại nào, anh Cường mới bắt đầu nhuộm số lượng lớn.
"Tôi phải làm từ từ chứ không làm một loạt được, mỗi lần làm vài con thôi. Ban đầu chim cũng có phản ứng sợ, nhưng chỉ sợ một lúc thôi sau đó lại hòa nhập với đàn và trở lại cuộc sống bình thường".
Anh Cường cho biết, chỉ với 8.000 đồng, cùng 5 phút đồng hồ, anh đã có thể hoàn thành công đoạn nhuộm lông cho 1 chú chim bồ câu.
Anh Cường tâm sự, để nhuộm lông những chú chim bồ câu này thì chỉ cần bỏ ra chi phí khoảng chừng 8.000 đồng (5.000 đồng mua cọ và 2.000 đồng – 3.000 đồng mua màu), với thời gian 5 phút là có thể "hô biến" những bộ lông đủ màu sắc sặc sỡ.
Thế nhưng phải dành thời gian chăm sóc, bảo vệ đàn bồ câu chừng ấy năm thì mới dễ giữ chúng lại để nhuộm màu, chứ bình thường thì không đơn giản chút nào.
"Mình chỉ chọn những chú chim bồ câu đặc biệt - là những chú chim trống, đầu đàn, lúc nào cũng xù lông, trông dữ tợn. Sau khi bắt được chim thì phải đeo bao tay, dùng nùi giẻ để nhuộm màu lông. Cũng phải biết cách giữ, nếu không chim giũ màu ra, văng hết vào người mình.
Chim bồ câu có đặc điểm là thích nước và thường tắm nước. Khi tắm thì nước làm trôi màu ra, mà chính vì trôi màu thì lông chim trông càng "hay" hơn, giống như thật".
Những chú chim bồ câu đầu đàn được chọn để nhuộm lông.
Và mỗi chú chim đều có màu sắc rất riêng biệt, không bị trộn lẫn.
Lời phản pháo của người đàn ông 12 năm chăm sóc đàn bồ câu
Những chú chim lạ mắt với nhiều màu sắc sặc sỡ nhanh chóng thu hút sự hiếu kỳ của người dân và du khách. Nhiều người tỏ ra rất thích thú, nhất là trẻ em. Thế nhưng cũng có nhiều người khác cho rằng, việc nhuộm lông cho chim như vậy là làm ảnh hưởng đến sức khỏe, làm mất đi tính tự nhiên vốn có của loài bồ câu.
Trước những quan điểm trái chiều của dư luận, anh Cường thẳng thắn phản pháo: "Tôi đem nó ra nhuộm lông chứ có ăn thịt nó đâu mà sợ. Mấy người đó không hiểu chuyện và thích nói đại thôi. Tôi là người nuôi đàn chim này, chim nó bị gì thì tôi là người xót thương nhất chứ mấy người kia biết gì đâu mà xót thương.
Người ta cứ nói ra những điều mà người ta muốn đúng thì đúng, muốn sai thì sai, chứ bản chất người ta cũng có hiểu như thế nào đâu. Rõ ràng là nếu con chim bị ảnh hưởng gì về sức khỏe thì chắc chắn tôi là người đau xót nhất rồi".
Nhiều người, đặc biệt là trẻ em tỏ ra thích thú với những chú chim nhuộm lông sắc sỡ này.
Anh Cường cũng bộc bạch lý do cụ thể mà anh muốn nhuộm lông nhiều chú chim bồ câu ở nhà thờ Đức Bà. Anh cho rằng không chỉ giúp cho đàn bồ câu trở nên sinh động, đẹp hơn mà nguyên nhân sâu xa nằm ở chỗ, những kẻ chuyên đi săn chim bồ câu sẽ ngần ngại khi muốn bắt những chú chim đã nhuộm màu vì không nhiều người có ý định muốn mua những chú chim đó.
12 năm chăm sóc đàn chim bồ câu
Tiếp tục những câu chuyện với đàn bồ câu, anh Cường chậm rãi kể lại cơ duyên của mình. Vào năm 2005, sau đợt dịch cúm H5N1 đàn chim bồ câu khoảng 15 đến 20 con bị người ta xua đuổi từ nơi khác bay về phía nhà thờ Đức Bà.
Thương đàn chim, anh Cường và một số người dân hàng ngày mang thóc đãi cho chim ăn. Lâu ngày thành quen, đàn chim thân thiết với con người hơn, chúng sinh sôi nảy nở lên đến gần 700 con trong vòng 12 năm.
Đàn bồ câu ở nhà thờ Đức Bà trở thành một hình ảnh rất thân quen
Nhiều người thường xuyên ra đây để vui đùa cùng hàng trăm chú bồ câu
Theo đó, hằng ngày, cứ đúng 6 giờ sáng là anh Cường lại đem thóc ra rải cho chúng ăn rồi ngồi canh đến 9 giờ thì đi làm. Đến khoảng 11 giờ, chị Thanh sẽ cho chúng ăn đến 17 giờ chiều.
"Một ngày đàn bồ câu ăn 2 cữ, mỗi cữ ăn hết 10kg lúa, đậu. Tôi và chị Thanh mỗi ngày tốn hết 300.000 đồng tiền thức ăn cho chúng, mà đấy là còn ăn tiết kiệm, 10kg lúa – 1kg đậu. Chứ nếu cho chúng ăn mỗi đậu thôi thì chắc tốn cả tiền triệu.
Tính ra tôi và chị Thanh mỗi tháng tiêu hết 9 triệu tiền lúa, đậu cho đàn bồ câu. Sức nuôi chúng không nổi nên mới nảy ra ý tưởng bán đậu cho du khách, vừa là nâng cao chất lượng thức ăn cho chúng, vừa là cũng khiến mình đỡ vất vả hơn
Thế nhưng tôi thấy nhiều người dân không có ý thức, thường vô tư đuổi bắt, vồ nghịch chim khi chúng đang sà xuống ăn đậu, lúa. Tôi đang nghĩ lại chuyện có nên tiếp tục việc bán đậu cho du khách nữa hay không", anh Cường trầm ngâm.
Có thể nói, nhờ tình yêu thương và sự chở che của anh Cường, chị Thanh và người dân xung quanh mà đàn bồ câu đã có thể phát triển như vậy.
Để rồi, vào mỗi sớm mai, trước khi vào guồng quay của công việc, người Sài Gòn nán lại đôi chút để ngắm nhìn đàn bồ câu sải cánh bay lượn rồi sà xuống khoảng sân trước nhà thờ Đức Bà, họ lại thấy lòng nhẹ nhàng và yên bình biết bao.