Musa Keita I lên ngôi năm 1312. Khi trở thành hoàng đế, ông lấy hiệu Mansa, có nghĩa là vua. Vào thời điểm đó, phần lớn châu Âu vẫn còn u tối và chìm trong chiến tranh, trong khi rất nhiều đế chế của người châu Phi lớn mạnh.
Musa Keita I cai trị đế chế Mali vào thế kỷ 14, làm chủ lãnh thổ trải rộng qua cả Ghana, Timbuktu và Mali hiện nay, với diện tích khoảng 2.000 dặm.
Cây viết Jacob Davidson của nhật báo Time đã miêu tả rằng "không có lời nào có thể thể hiện được lượng tài sản khổng lồ của ông vua này". Ước tính theo tỷ giá và lạm phát của năm 2016, tài sản của vị vua này lên tới 400 tỷ USD, vượt rất xa so với người giàu nhất thế giới hiện nay theo thống kê của Forbes.
Điều khiến Mansa Musa I giàu có là nhờ tài nguyên thiên nhiên tại vương quốc Mali thời đó. Đất nước nằm ở vùng Tây Phi này khi đó chiếm hơn một nửa nguồn cung muối và vàng của thế giới.
Tên tuổi của Mansa Musa I trở nên nổi tiếng khắp thế giới nhờ chuyến hành hương dài 4.000 dặm tới thánh địa Mecca. Mansa Musa I đã tiêu một số tiền khổng lồ khi thực hiện chuyến đi này vào năm 1324.
Chuyến đi tới thánh địa Mecca trở thành bằng chứng cho sự giàu có của vua Mansa Musa I.
10.000 binh lính, người hầu và nô lệ, 500 hòm tiền vàng và tơ lụa, rất nhiều ngựa và lạc đà được huy động cho chuyến hành hương. Sử sách miêu tả lại mức độ xa hoa của chuyến đi này là "gần như khiến mặt trời của châu Phi phải hổ thẹn".
Khi dừng chân ở Cairo, Mansa Musa I đã tiêu rất nhiều tiền để mua sắm và bố thí cho người nghèo. Số tiền ông tiêu ở đây lớn đến nỗi gây ra tính trạng lạm phát và khủng hoảng tiền tệ trong suốt nhiều năm sau đó.
Hình ảnh của ông được đưa vào bản đồ xứ Catalan vẽ năm 1375, gần 45 năm sau khi ông qua đời. Đây là một trong những tấm bản đồ quan trọng nhất của thời kỳ trung cổ ở châu Âu.
"Sự giàu có về vật chất không phải là mối bận tâm của nhà vua", cây viết Jessica Smith của TED-Ed chia sẻ. "Là một người Hồi giáo mộ đạo, ông quan tâm nhiều hơn tới việc xây dựng thành phố Timbuktu. Mansa Musa đã cho xây dựng tại đây nhiều trường học, giáo đường và cả một trường đại học".
Trong nhiều truyền thuyết, Timbuktu được xem là khởi nguồn cho sự giàu có của ông vua Tây Phi. Người dân trên con đường hành hương dài 4.000 dặm khi hỏi về nguồn gốc tài sản của Mansa Musa đều nhận được câu trả lời: "Vàng được lấy từ Timbuktu".
Những thành quách vua Mansa Musa I đã xây dựng vẫn còn tồn tại đến ngày nay.
Câu chuyện này khiến nhiều nhà thám hiểm quyết định vượt qua sa mạc Sahara để tiếp cận thành phố, nơi từng có tới 80.000 người sinh sống trong các trung tâm nghiên cứu hồi giáo. Tuy nhiên, những đoàn thám hiểm này đều biến mất một cách bí ẩn, càng phủ thêm màu sắc bí ẩn, huyền bí của thành phố trong lòng sa mạc này.
Sau 25 năm trị vì, Mansa Musa băng hà vào năm 1337, hưởng thọ 57 tuổi. Ông truyền lại ngôi vị cho con trai là Maghan I. "Rất nhiều bằng chứng về sự giàu có của Mansa Musa còn tồn tại đến ngày nay, như những đền đài, cung điện, thư viện, cho thấy những kỷ nguyên cai trị của ông trong lịch sử là có thật".