Với tâm niệm việc làm của mình góp phần nhỏ bé mang lại vẻ đẹp trong lành cho “lá phổi xanh” của thành phố, anh Đào Đặng Công Trung, ở phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng hơn 8 năm qua chuyên đi nhặt rác ở bán đảo Sơn Trà, TP Đà Nẵng.
Đầu giờ sáng hay cuối mỗi ngày, bất kỳ ai lên Sơn Trà cũng đều gặp hình ảnh một người đàn ông khỏe khoắn, nước da rám nắng cùng chiếc xe máy mang theo chiếc túi lớn, một kẹp sắt dài dùng để nhặt rác ven đường.
Anh Trung chia sẻ, ngay lần đầu lên Sơn Trà, anh đã say mê ngay vẻ đẹp hoang sơ vốn có ở nơi đây. Sau những giờ làm việc căng thẳng, anh Trung lại lang thang lên núi ngắm nhìn thành phố, hòa mình vào thiên nhiên.
Nhưng rồi anh nhận thấy ở đây bị bẩn dần bởi lượng rác ngày một nhiều hơn do du khách để lại sau các đợt picnic. Từ đó, anh Trung bắt đầu nhặt rác quanh Sơn Trà.
Anh Đào Đặng Công Trung đã nhặt rác trên bán đảo Sơn Trà suốt 8 năm qua.
Những ngày đầu, nhiều người nhầm anh Trung là công nhân môi trường. Nhiều người vô ý, có lúc thấy anh nhặt đằng trước, họ vứt rác đằng sau. Anh em bạn bè cũng có người chê anh gàn dở. Nhưng anh Đào Đặng Công Trung không nhụt chí vì những lời đàm tiếu.
“Mục đích của tôi là lan tỏa từ trong nhà ra xã hội. Và quan trọng nhất là làm cho cộng đồng nhận thức được rác thải gây ô nhiễm trực tiếp đến môi trường.
Nó làm ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống, sức khỏe của chúng ta và của những loài động thực vật và thủy hải sản khác sinh sống” - anh Trung nói.
Mỗi ngày, anh Trung gom được khoảng 20-30kg rác, có hôm đến 50kg. Rác chủ yếu là vỏ nhựa, hộp xốp… Anh dồn tiền bán ve chai đem quyên góp cho các hội, nhóm từ thiện.
Những chai nhựa và nhiều loại rác thải được anh Trung thu gom từ trên bờ... |
Không chỉ nhặt rác ở rừng Sơn Trà, anh Đào Đặng Công Trung còn nhặt rác dưới đáy biển. Vốn là một huấn luyện viên các môn thể thao nước, tuần nào anh cũng dành 1 tiếng để lặn dưới biển vớt rác.
Anh Trung kể có nhiều chai, lọ mắc vào những rạn san hô làm san hô bị chết khi bị rác đè lên. Anh còn nhặt được những chai nhựa sản xuất từ cách đây 20 năm mắc kẹt dưới đáy biển.
...đến dưới biển. |
Anh Trung chia sẻ, nhặt rác ở dưới nước khó khăn gấp nhiều lần ở trên bờ, đòi hỏi phải có kỹ năng bơi, lặn. Không những thế, dưới đáy biển cũng có nhiều sinh vật có độc như cá mặt quỷ. Nếu nhặt nhầm cá này sẽ bị trúng độc, bị nặng sẽ bất tỉnh.
Với kinh nghiệm nhiều năm lặn biển vớt rác của mình, anh Trung chưa bị con vật nào tấn công nhưng bị trầy xước cơ thể thì nhiều, do bị sóng dập chân va rạn đá ngầm.
Anh Trung nói nhặt rác là môn thể thao mà mình yêu thích, nên anh vẫn tiếp tục làm khi còn sức khỏe.
“Nhặt rác lâu dần thành một môn thể thao để mình giảm strees. Vui cũng có và buồn cũng có. Buồn là vì chỗ mình nhặt chưa được một tuần mình lại phải nhặt lại. Nhiều lúc suy nghĩ cũng thấy nản.
Nhưng nghĩ lại thì vẫn vui, rồi hành động của mình sẽ được lan tỏa, môi trường sẽ được sạch. Mình không làm bây giờ thì khi nào làm? "Tôi chỉ là chiếc lá, việc của mình là xanh”, anh Trung nói.
“Mưa dầm thấm lâu”, việc làm của anh Trung đã lan tỏa đến nhiều người, trong đó có các doanh nghiệp, cơ quan đoàn thể, các nhóm bạn trẻ ở Đà Nẵng. Có rất nhiều nhóm thanh niên, nhóm bơi lặn chuyên nghiệp tham gia lặn biển nhặt rác, thu gom vỏ chai, vỏ lon, hộp xốp dưới đáy biển quanh khu vực Bán đảo Sơn Trà.
Bà Dương Thị Xuân Liễu, Trưởng phòng Quản lý và Khai thác Du lịch, Bản quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng cho biết, hành động nhặt rác của anh Trung không chỉ giúp Sơn Trà xanh hơn mà còn giúp lan tỏa tình yêu thiên nhiên đến những người xung quanh./.