Người dân Hà Nội sẽ có cơ hội nhìn tận mắt tiêm kích Su-30MK2?

Sao Đỏ |

Buổi "Giao lưu gặp mặt mô hình quân sự 2016" tổ chức ngày 18/09/2016 tại Hà Nội đã thu hút sự quan tâm rất lớn của những người yêu màu xanh áo lính.

Những mô hình của các loại vũ khí, khí tài hiện đại hàng đầu thế giới, hoặc đang có mặt trong biên chế Quân đội Nhân dân Việt Nam với hình dáng cũng như tỷ lệ được làm một cách đầy chính xác đã cho thấy sự đam mê và tâm huyết của người thực hiện.

Sau buổi triển lãm hôm nay, rất có thể thú chơi mô hình quân sự sẽ được nhân rộng hơn nữa, thu hút thêm nhiều thành viên tham gia để quy mô các cuộc giao lưu trong tương lai còn hoành tráng gấp bội phần hiện tại.

Người dân Hà Nội sẽ có cơ hội nhìn tận mắt tiêm kích Su-30MK2? - Ảnh 1.

Một số mô hình xe thiết giáp được trưng bày tại cuộc giao lưu

Tuy nhiên nếu dừng ở đây, khách tham quan mới chỉ có cơ hội chiêm ngưỡng những mô hình thông thường mà chưa được tiếp xúc với các "mô hình quân sự cao cấp".

Thời điểm này, người dân Việt Nam nếu muốn nhìn tận mắt các loại vũ khí, khí tài thật thì gần như chỉ có một cách duy nhất là tới bảo tàng, do chúng ta không có thói quen mở cửa cho công chúng vào quan sát các cuộc tập trận của quân đội.

Những trang thiết bị khi đưa vào hệ thống bảo tàng quân sự của Việt Nam đều là những loại đã lạc hậu và được cho "nghỉ hưu", vì vậy cơ hội để được đứng sát, sờ tận tay, hay chụp ảnh cùng vũ khí hiện đại đang có trong biên chế là rất xa vời.

Khi nhìn sang một vài quốc gia khác, có thể lấy ví dụ ngay một đất nước cùng nằm trong khu vực Đông Nam Á là Thái Lan sẽ thấy sự khác biệt. Trong Bảo tàng Không lực Hoàng gia Thái Lan, bên cạnh các loại chiến đấu cơ lạc hậu thì còn có sự xuất hiện của tiêm kích F-16 và cả một chiếc JAS 39 Gripen tiên tiến nhất của họ.

Người dân Hà Nội sẽ có cơ hội nhìn tận mắt tiêm kích Su-30MK2? - Ảnh 2.

Tiêm kích JAS 39 Gripen trưng bày tại Bảo tàng Không lực Hoàng gia Thái Lan

Không quân Thái Lan mới chỉ có trong trang bị 12 tiêm kích JAS 39, tất cả đều rất mới, còn xa mới đến thời hạn chiếc chiến đấu cơ tuổi thọ 10.000 giờ bay này bị loại biên, do vậy chiếc Gripen trong bảo tàng chỉ có thể là một "mô hình cao cấp" do phía Thụy Điển chuyển giao.

Nếu bây giờ Việt Nam học tập cách làm của bạn, chúng ta có thể liên hệ với phía Nga để mua khung vỏ của máy bay Su-27SK/UBK hay thậm chí là Su-30MK2 rồi mang về trưng bày nhằm sớm hoàn thiện "bộ sưu tập" các loại chiến đấu cơ từng phục vụ trong Không quân Nhân dân Việt Nam mà không phải chờ đến khi chúng ngừng bay.

Kinh phí đầu tư mua sắm hoàn toàn có thể bù đắp bằng việc thu phí dịch vụ đối với khách tham quan nào có nhu cầu chụp ảnh với chiếc Su-30MK2 đó, thay vì miễn phí như những chiếc tiêm kích lạc hậu.

Hy vọng rằng trong tương lai không xa sẽ có nhiều chiến đấu cơ tối tân "hạ cánh" xuống Bảo tàng Phòng không - Không quân theo cách trên để người dân Hà Nội cũng như cả nước được dịp chiêm ngưỡng tận mắt những kỳ quan quân sự thế giới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại