Người dân cần làm gì để không gián đoạn giao dịch?

Nguyễn Duẩn |

Từ ngày 1/1/2023, sổ hộ khẩu bằng giấy sẽ bị 'khai tử'.

Người dân cần làm gì để không gián đoạn giao dịch?

Người dân cần làm gì để không gián đoạn giao dịch?

Dưới đây là những thông tin quan trọng người dân cần nắm rõ trước khi sổ hộ khẩu giấy không còn giá trị.

Từ năm 2023, sổ hộ khẩu giấy không còn giá trị

Khoản 3, Điều 38, Luật Cư trú năm 2020 nêu rõ, sổ hộ khẩu giấy chỉ được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú cho đến hết năm 2022. Như vậy, bước sang năm 2023, sổ hộ khẩu giấy sẽ chính thức bị “khai tử”.

Từ năm 2023, cơ quan chức năng sẽ quản lý thông tin cư trú của người dân bằng phương thức điện tử (còn gọi là sổ hộ khẩu điện tử). Việc bỏ sổ hộ khẩu giấy là bỏ hình thức quản lý dữ liệu cư trú bằng sổ sách, giấy tờ.

Nhà nước vẫn sẽ duy trì quản lý hộ khẩu nhưng thay thế bằng hình thức quản lý thông tin sang phần mềm công nghệ thông tin hiện đại, hiệu quả hơn. Người dân vẫn cần làm thủ tục đăng ký thường trú, tạm trú như trước.

Thông tin từ Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về Trật tự xã hội, việc chuyển sang sử dụng sổ hộ khẩu điện tử giúp người dân tránh rắc rối, rườm rà khi làm thủ tục hành chính, dân sự.

Cụ thể, khi sử dụng sổ hộ khẩu điện tử, trường hợp người dân cần công chứng giấy tờ, cơ quan chức năng sẽ truy cập vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để tra cứu thông tin giúp quá trình giải quyết thủ tục được nhanh chóng và thuận lợi hơn.

Khi muốn tra cứu hộ khẩu điện tử để cho ra thông tin về cư trú, công dân cần mã số bảo hiểm xã hội. Do đó, những ai chưa tham gia bảo hiểm xã hội sẽ không tra cứu được. Quy trình tra cứu hộ khẩu điện tử cũng đã được cơ quan chức năng hướng dẫn cụ thể theo các bước sau:

Bước 1: Truy cập vào

baohiemxahoi.gov.vn, sau đó vào mục tra cứu mã số Bảo hiểm xã hội.

Bước 2: Điền các thông tin bắt buộc vào ô tra cứu như tỉnh, thành phố; họ và tên; số chứng minh thư nhân dân; năm sinh; mã số Bảo hiểm xã hội.

Bước 3: Click vào “Tôi không phải là người máy” và tiến hành tra cứu. Sau đó, hệ thống sẽ trả kết quả về thông tin cơ bản của công dân như họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú, mã hộ…

Người dân cần làm gì để không gián đoạn giao dịch? - Ảnh 1.

Người dân cần làm thẻ Căn cước công dân gắn chip trước khi sổ hộ khẩu giấy bị 'khai tử'. Ảnh minh họa

Những việc cần làm trước ngày sổ hộ khẩu giấy “khai tử”

Đầu tiên là việc xin giấy xác nhận thông tin về cư trú. Trước đây, sổ hộ khẩu thường được sử dụng trong các thủ tục, giao dịch cần chứng minh thông tin về cư trú.

Khi sổ hộ khẩu giấy không còn giá trị sử dụng, công dân có thể sử dụng giấy xác nhận thông tin về cư trú để thay thế trong các trường hợp cần xuất trình giấy tờ chứng minh thông tin cư trú. Nội dung này bao gồm thông tin về thời gian, địa điểm, hình thức đăng ký cư trú.

Theo quy định tại Điều 17 Thông tư 55/2021/TT-BCA, công dân có thể yêu cầu cấp giấy xác nhận thông tin về cư trú theo 2 cách sau:

Cách 1 là đến trực tiếp cơ quan đăng ký cư trú đề nghị cấp giấy xác nhận thông tin về cư trú. Cơ quan đăng ký cư trú là cơ quan quản lý cư trú trực tiếp thực hiện việc đăng ký cư trú của công dân, bao gồm: Công an xã, phường, thị trấn; công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương ở nơi không có đơn vị hành chính cấp xã.

Cách 2 là gửi yêu cầu xác nhận thông tin cư trú qua Cổng dịch vụ công của Bộ Công an, Cổng dịch vụ công quản lý cư trú, Cổng dịch vụ công quốc gia.

Trước khi sổ hộ khẩu giấy bị “khai tử”, việc tiếp theo người dân cần làm là làm thẻ Căn cước công dân gắn chip. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Luật Căn cước công dân nêu rõ, căn cước công dân là thông tin cơ bản về lai lịch, nhận dạng của công dân.

Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về Trật tự xã hội đã hướng dẫn các bộ, ngành phương thức sử dụng thông tin công dân thay cho việc xuất trình sổ hộ khẩu. Người dân có thể sử dụng Căn cước công dân gắn chip là giấy tờ pháp lý chứng minh thông tin cá nhân, nơi thường trú khi làm thủ tục tại các cơ quan hành chính Nhà nước.

Cuối cùng, người dân cần đăng ký tài khoản định danh điện tử trước ngày sổ hộ khẩu giấy bị bỏ. Tại Nghị quyết 121/NQ-CP ban hành ngày 11/9/2022, Chính phủ đã giao UBND các tỉnh, thành phố rà soát, bãi bỏ các quy định yêu cầu xuất trình sổ hộ khẩu để sử dụng ứng dụng định danh điện tử, dữ liệu dân cư, thẻ Căn cước công dân khi thực hiện các giao dịch, thủ tục hành chính cho công dân.

Căn cứ nội dung chỉ đạo trên, người dân có thể sử dụng tài khoản định danh điện tử cá nhân thay thế sổ hộ khẩu để chứng minh nhân thân, cư trú khi thực hiện các thủ tục hành chính. Theo Điều 13 Nghị định 59/2022/NĐ-CP, tài khoản định danh cá nhân của công dân Việt Nam có 2 mức độ với giá trị sử dụng như sau:

Ở mức độ 1, tài khoản định danh cá nhân có giá trị chứng minh thông tin trong các hoạt động, giao dịch có yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân. Với mức độ 2, tài khoản định danh cá nhân tương đương với sử dụng Căn cước công dân trong các giao dịch có yêu cầu xuất trình Căn cước công dân. Cung cấp thông tin trong các loại giấy tờ của công dân đã được đồng bộ vào tài khoản định danh điện tử để đối chiếu khi phải xuất trình giấy tờ đó.

Với tài khoản định danh cá nhân mức độ 1, người đã có thẻ Căn cước công dân gắn chip tự đăng ký thông qua ứng dụng VNelD trên điện thoại. Với tài khoản định danh mức độ 2, công dân phải trực tiếp đến công an xã, phường, thị trấn hoặc nơi làm thủ tục cấp Căn cước công dân để làm thủ tục đăng ký.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại