Tuổi thơ cay đắng, tay trắng dựng nghiệp lớn
Bà Tư Hồng tên thật là Trần Thị Lan, sinh năm 1868. Cha bà là bác Phó nghèo ở làng Thành Thị, Hà Nam. Bà mồ côi mẹ từ năm 3 tuổi, phải sống với mẹ kế. Tuổi thơ của bà nay đây mai đó khắp nơi cùng gia đình để kiếm sống nhưng cái nghèo chưa bao giờ buông tha.
Chân dung bà Tư Hồng.
Cuộc đời của người phụ nữ ấy đã có bước ngoặt khi lấy chồng lần thứ hai, trở thành phu nhân của quan tư Laglan. Nhờ mánh lới buôn bán học từ người chồng trước và tận dụng địa vị của người chồng hiện tại, bà từng bước đặt chân vào giới kinh doanh.
Cuối thế kỷ 19, Việt Nam chịu sự đô hộ của Pháp với sự phân chia quyền lực ở mảng xây dựng thuộc về các thương nhân Pháp và Hoa kiều. Sự xuất hiện của bà Tư Hồng khiến giới thương gia phải kiêng nể.
Năm 1892, bà gây chấn động khi là người phụ nữ đầu tiên mang hồ sơ đến cơ quan sở tại, phụ trách về thương nghiệp xin thành lập công ty thầu An Nam. Thông thạo tiếng Pháp, hiểu rõ luật và quy định của chính phủ bảo hộ nên bà Tư Hồng nhanh chóng được cấp phép mở công ty.
Nhờ tác động của người chồng có địa vị, công ty An Nam đã trúng thầu hợp đồng đầu tiên cung cấp thực phẩm cho đơn vị quân Pháp đóng ở Phúc Yên (Vĩnh Phúc) và các hợp đồng cung cấp lương thực, thực phẩm cho các trại giam.
Hai năm sau, bà Tư Hồng một lần nữa gây ngỡ ngàng khi gạt các doanh nghiệp có máu mặt của người Pháp, người Hoa để trúng thầu hợp đồng rất lớn là phá dỡ thành Hà Nội.
Để phục vụ dự án này, bà về Hà Nam, thuê nông dân lên làm và thưởng tiền cho ai giới thiệu đủ 10 nhân công. Bà còn mua một căn nhà mặt phố Hàng Da làm nơi giao dịch, tiếp nhận nhân công. Bà về làng rèn Xuân Phương (Từ Liêm) đặt sản xuất búa, xà beng.
Bà Tư Hồng trực tiếp đứng ra quản lý, điều hành đội ngũ nhân công hùng hậu, có thời điểm lên đến cả ngàn người. Bà cho dựng lán trại, kiểm soát vệ sinh, phòng tránh dịch bệnh, cung cấp đồ ăn sạch sẽ. Với cách bố trí, tổ chức chuyên nghiệp, bà hoàn thành gói thầu chỉ trong hơn 2 năm, sớm hơn dự kiến 6 tháng.
Bằng tài tính toán, bà Tư Hồng mua thêm đất và dùng số gạch đá cũ dỡ từ thành dựng hàng loạt ngôi nhà ở Cửa Đông, 8 căn nhà Hàng Da, 1 biệt thự ở Hội Vũ, 1 căn nhà ở phố Quán Sứ và xây trường dòng Punigier (Trường THPT Việt Đức ngày nay). Chẳng mấy chốc, sản nghiệp của bà tăng lên nhanh chóng.
Thừa thắng xông lên, bà Tư Hồng mở rộng lĩnh vực kinh doanh sang ngành thực phẩm, cụ thể là cung cấp lúa gạo cho các nhà tù và vận chuyển tàu biển. Đội vận chuyển đường thủy của bà, ngoài lái tàu và thợ xúc than là đàn ông, phần lớn là phụ nữ.
Nổi tiếng trong giới thương gia nhờ tài làm ăn, gia sản thuộc hàng khủng nhưng bà Tư Hồng bị định kiến đương thời gán: Những phụ nữ lấy chồng tây là hư hỏng.
Dù vậy, nhiều giai thoại cho thấy, bà là người phụ nữ có tấm lòng nhân hậu; thường xuyên làm từ thiện, bao dung với người nghèo.
Năm 1902-1903, ba tỉnh miền Trung mất mùa, thóc gạo khan hiếm, bà Tư Hồng quyết định chuyển hết số thuyền gạo định bán về đây cứu tế.
Là người phụ nữ tài giỏi, có nhan sắc nhưng phận đời tư bà Tư Hồng đầy truân chuyên. Bà sau đó còn chia tay chồng Tây để lấy người chồng thứ ba, nhưng lại gặp nhiều vận hạn. Năm 1921, bà Tư Hồng ở Sài Gòn ra Hà Nội và ốm liệt giường. Dù đã trải qua 3 lần đò, nhưng bà Tư Hồng vẫn chưa có một người con nào.
Sau này, cuộc đời bà Tư Hồng - người phụ nữ lập công ty đầu tiên xứ Bắc, người phá thành Hà Nội được dựng lại trong cuốn tiểu thuyết "Me Tư Hồng" của nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến.