TRUÂN CHUYÊN
Giữa cái nắng dịu nhẹ của những ngày đầu năm, tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Văn Thắng. Trong căn nhà nhỏ khiêm tốn, đồ vật có giá trị thì ít mà sắt thép, phế liệu chất thành đống.
Đống phế phẩm này trước đây đều là những thanh sắt nguyên khối, nguyên cây mà ông Thắng mua về đục đẽo để làm thành chiếc xe lăn điện dạng đứng. Đến khi chiếc xe hoàn thành thì đồ phế thải cũng chất cao hơn cả đầu.
Ông đổ vào đó không biết bao nhiêu công phu, tiền bạc mới làm được chiếc xe lăn hoàn chỉnh, dù cuộc sống của ông không mấy dư dả.
Nhớ lại những tháng năm thăng trầm đã qua, ông Thắng cho biết: "Quê tôi ở huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Năm 1981, tôi rời quê vào học Trường trung học Giao thông vận tải 5 ở Bình Định (nay là Trường cao đẳng Giao thông vận tải II đóng tại Đà Nẵng).
Ngày ấy, được đi học trung cấp là rất "oai" và tôi cũng được gia đình kỳ vọng rất nhiều. Tuy nhiên, do phổi yếu, không chịu được cái lạnh ở quê nên sau khi ra trường, tôi xin vào Phú Yên công tác tại Đội vận tải Tuy An.
Tôi lấy vợ là người cùng quê. Công tác chưa đầy 3 năm, tôi được lệnh sang Campuchia tham chiến".
Ba năm trên chiến trường, sự sống và cái chết đôi khi chỉ cách nhau trong gang tấc.
Nhưng nhờ may mắn và vững lòng tin, năm 1989, ông được giải ngũ về lại Phú Yên. Thời gian ấy, Nhà nước chấn chỉnh việc sản xuất và cho giải thể các đơn vị kinh doanh không hiệu quả. Đội vận tải Tuy An nằm trong số này.
Không được thuyên chuyển, ông Thắng "nghỉ hưu non", nhận chế độ 176 một lần, rồi lăn lộn làm nhiều công việc để lo cho cuộc sống gia đình.
XE LĂN CỦA TÌNH THƯƠNG
Tháng 6/2011, một người em của ông Thắng bị chấn thương tủy sống gây liệt hai chân khi tuổi còn rất trẻ. Trực tiếp chăm sóc cho em, ông vừa thương vừa cám cảnh vì nhìn thấy em mỗi lần vận động rất khó khăn, đau đớn và cần phải có người phục vụ.
Từ đó, ông nảy sinh ý tưởng tạo ra một chiếc xe lăn giúp người bị liệt thoải mái, chủ động trong việc sử dụng. Mất 2 năm mày mò nghiên cứu, tháo ra, lắp vào, đến năm 2014, ông cho ra đời chiếc xe lăn điện dạng đứng.
"Em tôi đã sử dụng được 1 năm, kết hợp với vật lý trị liệu, bệnh tình giờ đã khá hơn nên năm 2015, tôi đưa xe tham gia Hội thi Sáng tạo kỹ thuật", ông Thắng cho biết.
Theo ông Thắng, xe lăn trên thị trường có nhược điểm là mỗi sản phẩm chỉ phục vụ được một nhu cầu của người bệnh hoặc chỉ tích hợp được từ 1-2 chức năng.
Ví dụ, xe lăn thông thường chỉ sử dụng bằng cơ tay hoặc điện nên không linh động trong việc di chuyển; xe lăn điện tích hợp đa năng khi chuyển đổi từ di chuyển cơ tay sang di chuyển bằng điện phải đổi ly hợp gây khó khăn cho người bệnh; xe lăn điện dạng đứng thì người bệnh chỉ đứng nhưng không nằm ngủ, nghỉ được…
Còn xe lăn điện dạng đứng do ông Thắng thiết kế là giải pháp kỹ thuật nhằm giúp người bị bại liệt hai chân có thể di chuyển bằng cơ tay hay bằng điện theo ý muốn.
Người bệnh có thể ngồi ở tư thế đứng để tập luyện vận động cơ, khớp, chống cứng cơ, cứng khớp hoặc làm các công việc trong sinh hoạt cá nhân và có thể nằm khi cần nghỉ ngơi.
ThS Lê Văn Thức, nguyên Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Phú Yên, cho rằng loại xe lăn điện dạng đứng là sản phẩm tiện lợi cho người bị liệt, giúp bệnh nhân có thể tự thực hiện một số bài tập trị liệu mà không cần có người hỗ trợ.
Anh Phạm Ngọc Sơn, 42 tuổi ở phường Xuân Yên, là người bị tật ở chân từ nhỏ nên trước giờ không thể tự mình đứng lên được.
Vì vậy, khi nghe ông Thắng làm chiếc xe lăn có thể giúp người bị liệt tự đứng lên thì anh vô cùng thích thú và trông chờ ông Thắng làm thêm nhiều chiếc xe lăn này để sử dụng.
Theo ông Nguyễn Hoài Sơn, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học Kỹ thuật Phú Yên, so với các giải pháp kỹ thuật đã có trên thị trường, giải pháp kỹ thuật Xe lăn điện dạng đứng có nhiều ưu điểm vượt trội là tích hợp 5 chức năng vào trong một sản phẩm.
Các ngành chức năng, doanh nghiệp cần hỗ trợ vốn để ông Thắng đầu tư sản xuất sản phẩm này, cung ứng cho người khuyết tật, bại liệt.