Sáng 15-7, ông Nguyễn Mạnh Việt, Phó chủ tịch UBND huyện Đạ Tẻh (Lâm Đồng) đau lòng xác nhận Cụ Tô Đình Cắm (tức Tô Văn Cắm, SN 1922) là người duy nhất còn sống trong 34 chiến sĩ Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam ngày nay) ngày đầu thành lập đã từ trần lúc 22 giờ đêm 14-7-2017, hưởng thọ 95 tuổi.
Hiện các cơ quan đơn vị, huyện ủy, huyện đội huyện Đạ Tẻh, tỉnh đội tỉnh Lâm Đồng và các cơ quan ban ngành tỉnh Lâm Đồng đã có mặt chuẩn bị cùng người nhà và người dân địa phương tổ chức lễ tang.
Ông Tô Đình Cắm chứng nhân lịch sử cuối cùng của tiền thân Quân đội Nhân dân Việt Nam đã từ trần.
Theo ông Việt sự ra đi của cụ là một mất mát lớn. "Cụ Cắm là một chứng nhân lịch sử của Quân đội nhân dân Việt Nam nên tất cả chúng tôi phải chờ sự chỉ đạo từ tỉnh Lâm Đồng và Trung ương để tổ chức lễ tang một cách trang trọng" - ông Việt nói.
Là người dân tộc Tày, ông Tô Đình Cắm sinh năm 1922 tại bản Um, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Từ khi còn thiếu niên, ông đã tham gia nhiều tổ chức, đoàn thể như Hội Thanh niên cứu quốc, Hội Nông dân cứu quốc…
Cụ Cắm được nhà nước, quân đội, chính quyền địa phương thường xuyên chăm lo.
Sau đó, ông được ông Nông Văn Lạc - "cánh tay phải" của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - giác ngộ và đưa vào hàng ngũ 34 chiến sĩ trong ngày thành lập Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam ngày nay.
Do tuổi cao sức yếu cụ Tô Đình Cắm đã trút hơi thở cuối cùng lúc 22 giờ đêm 15-7, hưởng thọ 95 tuổi trước sự xót thương của người dân và con cháu.
Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng đến thăm cụ Cắm khi cụ còn sống
Những ngày đầu tháng 5-2017, vừa qua phóng viên Báo Người Lao Động đã có dịp ghé thăm nhà cụ Cắm và được nghe "người lính già" kể chuyện Đại Tướng Võ Nguyên Giáp.
Đó là vào dịp cả nước đang tổ chức các hoạt động kỷ niệm 63 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7.5.1954 - 7.5.2017). Trong căn nhà tình nghĩa ở thôn 8B, thị trấn Đạ Tẻh, huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng, người lính của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân năm xưa vẫn ngày ngày hương khói cho vị chỉ huy thân thương của mình - Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Trong căn nhà nhỏ của mình, ông Cắm dành một nơi trang trọng để đặt bàn thờ và di ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đây là tấm ảnh mà đồng đội mừng thọ khi ông 88 tuổi. Hằng ngày, ông tỉ mẩn lau chùi bàn thờ, hương khói tươm tất cho Đại tướng.
Cụ Cắm sống trong căn nhà tình nghĩa do nhà nước và quân đội trao tặng
Do tuổi cao sức yếu và trí nhớ có phần sa sút, ông Tô Đình Cắm trò chuyện với chúng tôi trong sự "giúp sức" của người con trai qua việc chắp nối những hồi tưởng, ký ức, lời kể của cha.
Ông Cắm cho biết khi tham gia Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân thì ông chỉ mới 23 tuổi. "Ban đêm, khi ngủ chung, tôi thường gác chân lên người bác Văn. Lắm lúc bác ấy mắng: "Mày hay gác quá, làm tao không ngủ được!".
Nói thế thôi nhưng bác vẫn để tôi ngủ cùng" - ông hồi tưởng.
Với ông Cắm, Đại tướng Võ Nguyên Giáp như cha, người anh trong gia đình. Bố mất sớm khi ông mới tròn 6 tuổi, có cơ hội gặp Đại tướng sớm nên ông được chỉ bảo rất nhiều điều, từ lời ăn tiếng nói cho đến cách cư xử thường ngày.
"Bác Văn đã dạy tôi cách ăn ở, đi lại với người Mán (người Dao) phải như thế nào, với người H’Mông phải ra sao...
Nhờ đó, tôi mới biết được nết ăn ở của đồng bào để hòa mình tốt hơn. Nhớ nhất là khi đi bí mật, bác Văn cứ dặn đi dặn anh em trong đơn vị là phải biết khiêm tốn, đừng lấy bất cứ thứ gì của dân" - ông hồi tưởng.
Cụ Cắm dành nơi trang trọng nhất trong căn nhà để thờ người anh, người cha Võ Nguyên Giáp
Đưa tay vuốt nhẹ di ảnh Đại tướng, ông Cắm cho biết: "Chỉ 3 ngày sau khi tuyên thệ 10 lời thề danh dự của đội viên Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, chúng tôi cùng với người chỉ huy Võ Nguyên Giáp đã tham gia đánh đồn...".
Dù thời gian tại ngũ chiến đấu không lâu nhưng quãng đời binh nghiệp của ông Tô Đình Cắm vẫn khiến bản thân ông và gia đình rất tự hào.
Quan trọng hơn, ông còn là chứng nhân duy nhất còn sống của chiến thắng Phai Khắt, Nà Ngần và là đội viên còn lại cuối cùng của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân ngày đầu thành lập.