Sách Luận ngữ có chép câu nói của Khổng Tử (551-479 Trước CN): “Ngô thập hữu ngũ nhi chí vu học. Tam thập nhi lập, tứ thập nhi bất hoặc, ngũ thập tri thiên mệnh, lục thập nhi nhĩ thuận, thất thập nhi tùng tâm sở dục bất du củ”.
Nghĩa là: Ta 15 tuổi mới có chí học hành. 30 tuổi thì (tự) đứng vững được (tự lập), 40 tuổi chẳng nghi hoặc (vì trí tuệ đã mở mang), 50 tuổi biết mệnh trời, 60 tuổi biết phán đoán mọi sự, 70 tuổi theo lòng mình muốn mà không vượt ra ngoài khuôn khổ đạo lý.
Ở giai đoạn trung niên, đứng giữa những độ tuổi 40 - 50 - 60, có thể nói là một mốc quan trọng trong đời người. Người 40 tuổi có thể hiểu thấu mọi sự lý trong thiên hạ, có kiến thức và kinh nghiệm phong phú. Người 50 tuổi mới có thể thông suốt chân lý của tạo hóa, tức là hiểu được mệnh của trời. Người 60 tuổi lại biết lý giải đúng căn nguyên của mọi việc diễn ra xung quanh và thấu hiểu nhân tình thế thái, nên dễ thông cảm và có thái độ khoan dung hơn.
Trên thực tế, dù đang ở giai đoạn nào của cuộc đời, chúng ta đều hướng đến một cuộc sống tốt đẹp hơn trong tương lai. Nhưng về bản chất, càng hiểu nhiều, người ta càng trân quý sự giản đơn và an yên. Trải nghiệm càng nhiều, người ta càng nhìn thấu, không còn ham mê sai lệch.
Chính vì lẽ đó, người khôn ngoan cũng nhận ra rằng: Khi có tuổi, tốt nhất đừng đến 3 nơi sau đây kẻo rước tai vạ vào người.
1. Nơi tiệc tùng
Trên phạm vi công việc, chúng ta đã quen với việc tiệc tùng để kết giao, xây dựng hoặc củng cố những mối quan hệ xung quanh. Trong đời sống hàng ngày cũng tương tự như vậy, mọi người sẽ ăn uống “bữa to bữa nhỏ” vào mỗi dịp tụ tập bạn bè, người thân.
Cuộc sống vốn là một guồng quay bận rộn, chẳng mấy khi có thời gian rảnh rỗi, thỉnh thoảng dành thời gian với nhau bên mâm cơm, bàn tiệc cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, khi ở vào giai đoạn trung niên, một người thật sự thông minh sẽ biết tránh nơi này hoặc có thể giảm bớt hết mức có thể.
Trên bàn tiệc, không thiếu người vừa mới quen biết đã thân thiết xưng huynh gọi đệ. Sau khi tiệc tàn, họ liền phủi sạch quan hệ, coi như không quen biết. Do đó, việc này không những lãng phí thời gian của chính mình mà còn rất có hại cho sức khỏe.
Bởi vì suy cho cùng, người đến tuổi này rồi đa số đều đã có gia đình, có vợ, có con, có cha mẹ, đều cần có mình bên cạnh, ngược lại gia đình khi ấy chính là sân chơi chính để chúng ta thể hiện giá trị thực sự của bản thân.
Nếu ở tuổi này, mỗi ngày vẫn cần phải dựa vào những bữa tiệc tùng như vậy để tiếp tục duy trì các mối quan hệ, có lẽ mỗi người nên xem lại chất lượng của quan hệ xung quanh mình.
2. Nơi thị phi
Có câu nói rằng: “Mấy đời bánh đúc có xương - Đã làm công sở thì sẽ thường có thị phi.”
Đây vốn là câu nói vui, nhưng lại khá đúng trong thực tế. Sự chừng mực ở một nơi có quá nhiều người khác nhau, nhiều tính cách khác nhau và ai cũng muốn được nổi bật như công sở là điều vô cùng cần thiết.
Ở một môi trường nhiều thị phi, nếu bạn là người quá giỏi – bạn sẽ trở thành trung tâm của điều tiếng. Nếu bạn quá thân thiết với sếp – bạn cũng sẽ trở thành trung tâm của điều tiếng. Do đó, điều quan trọng không phải người khác nói gì, mà là bạn nên làm gì để có thể tiếp tục giỏi giang, nổi bật, mà không phải bận lòng những điều thị phi xung quanh.
Cần phải học cách khiêm tốn với những thành tích của mình, không thể hiện sự thái quá dẫn đến tự cao và tự tách mình ra khỏi những mối quan hệ đồng nghiệp vui vẻ. Trong bất cứ môi trường nào, tự tin đúng lúc, khiêm tốn đúng chỗ, hòa nhã với mọi người vẫn luôn là công thức đáng lưu tâm để được yêu mến hoặc ít nhất là không bị trở nên tách biệt.
Trong cuộc sống, đúng sai luôn là điều tất yếu, nhưng chúng ta có thể giải quyết bằng cách “thị phi vào trong tai, không nghe thành không có”. Đối với những đúng sai tầm thường đó, thay vì tranh cãi, tốt hơn là bạn nên bỏ qua nó, cuộc sống ít khi rối ren hơn.
Đặc biệt, cần phải giữ im lặng về sự đúng sai của người khác. Mỗi gia đình đều có những vấn đề khó giải quyết, bản thân không hiểu rõ, cũng không liên quan đến mình. Không ai muốn sự xấu xí của mình bị người khác biết, và nếu bạn chen vào, bạn có thể bị người khác ghét bỏ.
3. Nơi rượu thịt, chốn ăn chơi
Người xưa có câu: Quân tử kết giao nhạt như nước lã, tiểu nhân kết giao ngọt nồng như rượu ngon mới cất, nhưng cái nhạt của người quân tử sẽ dẫn đến thân tình, còn cái ngọt nồng vồ vập của kẻ tiểu nhân sẽ dẫn đến tuyệt giao.
Những người bạn chân thành kết giao với nhau không nhất thiết phải là mối quan hệ sinh tử, đao to búa lớn. Đôi khi đó là những mối quan hệ rất đỗi bình thường, nhưng bền chặt và thân thiết. Còn giao tình giữa tiểu nhân thì ngọt như mật, tuy ngọt, béo ngậy nhưng không được bền lâu, cũng không tốt cho sức khỏe.
Vì thế, khi thời gian và tuổi tác trôi đi, nhiều người từng cho là bạn bè thân thiết cũng dần mất liên lạc, lại có những người bạn luôn bên cạnh ta, vượt qua thử thách thời gian. Đó đều là những chuyện rất đỗi bình thường. Chỉ là khi đã nhìn thấu bản chất, người ta nên hạn chế lui tới những nơi rượu thịt hay chốn ăn chơi xô bồ. Những lúc rảnh rỗi, dành thời gian để gặp gỡ bạn bè, cùng uống trà, hàn huyên vài ba câu chuyện cũng là một thú vui lớn của cuộc đời.
*Nguồn: Aboluowang