Chiều 31-10, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, chị Nguyễn Thị Kim Hoàng Linh Phương (ngụ huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai) cho biết UBND huyện Nhơn Trạch đã mời chị đến làm việc và cho làm thủ tục đổi tên theo yêu cầu.
“Đại diện UBND huyện Nhơn Trạch đã làm việc và giải thích ban đầu từ chối việc đổi tên cho tôi là do ban đầu trong đơn nói lý do không rõ. Sau khi làm việc thì đã hiểu nguyện vọng của tôi nên huyện đã chấp nhận đổi tên của tôi thành Nguyễn Kim Phương, bỏ đi ba từ đệm” - chị Phương cho biết thêm.
Chiều cùng ngày, trao đổi với PV, bà Võ Thị Xuân Đào, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Đồng Nai, cho biết đơn trình bày của công dân Phương để thay đổi tên đệm với lý do là tên dài.
Lý do này không có căn cứ để thay đổi tên đệm, không thuộc một trong các trường hợp được thay đổi tên đệm theo khoản 1 Điều 28 BLDS 2015.
Vì vậy, UBND huyện Nhơn Trạch có văn bản trả lời việc từ chối hồ sơ xin thay đổi tên đệm của công dân Phương là có căn cứ, cơ sở.
“Tuy nhiên, cũng phải xét nếu như công dân đang gặp những khó khăn và cũng là trường hợp đặc biệt thì huyện có thể trao đổi với Sở Tư pháp hỗ trợ cho người dân.
Có thể mình nói điều kiện để thay đổi tên theo quy định chưa đủ nhưng cán bộ cần phải hướng dẫn cho công dân có những lý do làm sao phù hợp hơn…” - bà Xuân Đào nói thêm.
Cũng theo giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Đồng Nai , sau khi sở nhận được thông tin thì đã liên hệ với huyện Nhơn Trạch để trao đổi. Ngay trong sáng 31-10, UBND huyện Nhơn Trạch đã làm việc với chị Phương để hướng dẫn các thủ tục đổi tên cho công dân.
“Khi thay đổi tên liên quan đến rất nhiều giấy tờ khác nhau, thay đổi tên từ hộ tịch là giấy tờ gốc và sẽ kéo theo thay đổi toàn bộ giấy tờ cá nhân của một con người. Do đó cần rất thận trọng khi đổi tên” - đại diện Sở Tư pháp tỉnh Đồng Nai nói thêm.
Đại diện Ngân hàng Agribank Nam Đồng Nai cho biết sau khi làm việc với chị Phương và UBND huyện thì phía ngân hàng cũng cho khách hàng làm thẻ ATM theo yêu cầu với cái tên đã được đổi, ngắn hơn tên ban đầu.
Trước đó, khi trao đổi với chúng tôi, ông Lương Hữu Ích, Phó Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch, cho biết huyện cũng đã từng làm việc với Chi nhánh Ngân hàng Agribank ở Nhơn Trạch.
Theo quy định của ngành ngân hàng, khi mở thẻ, độ dài của tên tối đa 26 ký tự (kể cả khoảng trắng). Trong khi tên của chị Phương dài 33 ký tự nên chi nhánh không thể thực hiện được.
Sự bất tiện đã được đề cập ngay từ đầu Ngày 27-9, chị Nguyễn Thị Kim Hoàng Linh Phương gửi hồ sơ lên UBND huyện Nhơn Trạch xin đổi tên. Theo hồ sơ, chị Phương có một đơn xin đổi chữ đệm trong tên với lý do là tên dài. Cán bộ có hướng dẫn chị làm bản cam kết chịu trách nhiệm về việc xin đổi tên. Trong bản cam kết (gửi kèm theo đơn), chị Phương viết: “Từ trước đến nay tôi đang sử dụng tên là Nguyễn Thị Kim Hoàng Linh Phương. Tuy nhiên, tên của tôi dài nên trong một số thủ tục hồ sơ việc ghi tên rất bất tiện, có nhiều khó khăn và cũng như bị bạn bè chọc ghẹo. Nay tôi kính xin cơ quan các cấp cho tôi được xin đổi tên để tạo sự thuận tiện trong công việc và xã hội. Cụ thể, Nguyễn Thị Kim Hoàng Linh Phương thành Nguyễn Thị Kim Phương. Tôi xin cam kết đã đọc và hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của mình. Tôi xin xác nhận nội dung trên là hoàn toàn tự nguyện và chịu trách nhiệm pháp luật về nó”. Ngày 3-10, UBND huyện có văn bản trả lời về việc từ chối hồ sơ xin thay đổi chữ đệm của công dân như sau, trong đó có nêu: “Đối với trường hợp của bà Nguyễn Thị Kim Hoàng Linh Phương, theo trình bày của bà thì việc sử dụng tên như hiện tại gây khó khăn, bất tiện cho bà khi thực hiện một số giao dịch dân sự do tên dài… Qua xem xét, UBND huyện Nhơn Trạch nhận thấy yêu cầu thay đổi chữ đệm tên của bà như trên là không có cơ sở, không phù hợp với quy định của pháp luật, cụ thể không thuộc một trong các trường hợp công nhận việc thay đổi tên theo quy định tại khoản 1 Điều 28 BLDS 2015…”. |